Cuộc chiến xe ôm công nghệ: Mai Linh Bike có thể thắng nếu điểm đúng tử huyệt của Uber, Grab?

Hoàng Việt |

Vùng lên trên chính địa bàn của đối thủ vốn là những con cá mập quốc tế, Mai Linh Bike đang tự trả lời cho câu hỏi lớn: "Ngồi yên chờ chết hay nhanh chóng hành động?".

Nỗi đau thời PS, Dạ Lan, Thượng Đình...

Gần 20 năm trước, những ngày gần Tết, mẹ tôi đem về cho mấy anh em một hộp kem đánh răng rất xịn của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất với thương hiệu PS. Đó là lần đầu tiên chúng tôi không phải nhăn nhó, khó chịu khi đánh răng mỗi sáng. Trước đây, cả nhà vẫn dùng loại kem của Trung Quốc cay xé lưỡi, tất nhiên loại kem nhập lậu này có giá rất rẻ.

Kem đánh răng PS, dép nhựa Tiền Phong, giày vải Thượng Đình, xe đạp Thống Nhất… là những sản phẩm đã đồng hành bền chặt với người Việt trong rất nhiều năm. Nói không quá, đây là những sản phẩm mang tính biểu tượng rất cao bởi ở thời điểm của thập kỷ 90, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam hầu hết đều đang sống dở chết dở trước làn sóng nhập lậu của hàng Trung Quốc.

Giai đoạn mới mở cửa này, người Việt dễ bị mê hoặc bởi những sản phẩm từ biên giới phía bắc như chăn con công, quạt điện, đèn pin, bia Tàu… Sống giữa thời đại thật giả như vậy, những tên tuổi như kem đánh răng PS, dép nhựa Tiền Phong, giày vải Thượng Đình, xe đạp Thống Nhất… có thể ngạo nghễ vươn lên chiếm lĩnh thị trường, đánh bạt hàng lậu giá rẻ quả thực là điều phi thường.

Trong chừng mực nào đó, có thể nhận thấy rằng, người tiêu dùng Việt Nam cũng có ý muốn nâng đỡ các sản phẩm quốc nội thuần chất.

Nhưng khi Việt Nam càng hội nhập sâu rộng hơn, những doanh nghiệp lớn của nước ngoài đã nhận thấy một miếng bánh cực kỳ béo bở tại dải đất hình chữ S, họ đầu tư, đưa ra nhiều chiến lược, chiến thuật để từng bước "nuốt chửng" những niềm tự hào của người Việt.

Kem đánh răng PS, kem đánh răng Dạ Lan, nước giải khát Tribeco… đã thắng trong cuộc chiến với hàng nhập lậu ở giai đoạn đất nước mới mở cửa nhưng cuối cùng các sản phẩm này lại không thoát khỏi bàn tay thâu tóm của những doanh nghiệp lớn mạnh nước ngoài. Chỉ vài năm sau khi sáp nhập, bán cổ phần cho nước ngoài, các sản phẩm này vĩnh viễn biến mất. Thay vào đó là những cái tên khác hoặc vẫn còn tên nhưng chúng không còn nằm trong tay người Việt.

Thật khó có thể ngồi đây và than khóc hay hồi tưởng về thời kỳ rực rỡ của những tên tuổi kể trên. Quy luật của thị trường luôn bắt các doanh nghiệp phải vận động một cách quyết liệt, linh hoạt. Không ai có thể sống mãi bằng hào quang của quá khứ.

Gần 20 năm sau, khi không còn ai nhắc tới cuộc vật lộn của PS, chúng ta lại phải dành sự quan tâm đến cuộc chiến mới giữa người khổng lồ Uber, Grab với chú bé tí hon Mai Linh Bike.

Tâm thế nào cho cuộc chiến mới?

Taxi Mai Linh là một tên tuổi lớn thuộc sở hữu của gia đình ông Hồ Huy. Khi còn là sinh viên, tôi đã từng dự thính một buổi nói chuyện của ông Huy tại Đại học Giao thông Vận tải. Chủ đề mà ông Huy nói hôm đó là khát vọng, là tầm cao của doanh nghiệp Việt. Ông Huy nhấn mạnh, Mai Linh đã thành công nhưng sẽ không dừng lại, sẽ luôn đổi mới.

Nhưng có lẽ, khi Mai Linh lớn mạnh quá nhanh, ông Huy cũng có thể đã "ngủ quên" một vài năm. Ai cũng nghĩ, đế chế hùng mạnh của gia đình ông sẽ không thể bị đánh bại. Nhưng khi người khổng lồ bị đánh đúng vào gót chân Asin thì Mai Linh mới tin rằng, họ hoàn toàn có thể bị hạ gục và ném ra khỏi cuộc chơi.

Doanh nghiệp nước ngoài chỉ với một ứng dụng đơn giản đã khiến hai ông lớn như Mai Linh, Vina Sun run sợ. Bên cạnh đó là hàng trăm doanh nghiệp taxi khác cũng lo đứng lo ngồi. Những khẩu hiệu gần như hoảng loạn được dán lên đuôi xe taxi như: Sử dụng taxi truyền thống là bảo vệ nguồn tài chính quốc gia; Phản đối Uber, Grab cạnh tranh không lành mạnh… chẳng giải quyết được bài toán doanh số. Những tài xế taxi truyền thống vẫn trả lại phù hiệu, chủ động cắt hợp đồng… mỗi lúc một nhiều.

Ngồi yên chờ chết hay nhanh chóng hành động? Đó là câu hỏi chắc chắn rất khó khăn mà ông Huy phải nhanh chóng đưa ra đáp án. Hành động vào lúc này liệu có đâm đầu vào vách đá hay không? Uber quá mạnh, Grab quá mạnh, không chỉ về vốn, kinh nghiệm, công nghệ mà cả trong các chiến lược marketing, truyền thông cực kỳ bài bản.

Trong khi đó, Mai Linh hay Vinasun lại rất hạn chế ở những lĩnh vực này. Từ lâu nay, thứ họ làm tốt nhất đó là chờ hành khách gọi điện để điều xe đến đón hoặc cho tài xế chạy vòng vòng bắt khách.

Nhưng Mai Linh đã quyết tâm hành động. Họ cho ra đời dịch vụ xe ôm công nghệ Mai Linh Bike sau khoảng hai năm chuẩn bị. Còn quá sớm để nói đến khả năng thành công của dịch vụ này. Điều đáng ghi nhận đầu tiên đó là họ đã không khoanh tay cam chịu. Câu khẩu hiệu "Coi hành khách như Thượng đế, lái xe như Ngọc hoàng" có thể hơi sến súa nhưng đó là cách để doanh nghiệp này tạo ra dấu ấn truyền thông sau nhiều năm chỉ biết đi phản đối, phản đối và phản đối.

Bây giờ, Uber hay Grab không còn ung dung chia nhau miếng bánh thị phần. Họ sẽ buộc phải quan tâm đến "chú lùn" Mai Linh vừa chân ướt chân ráo nhảy vào vùng đất mà họ đang chế ngự.

Có thể nền tảng công nghệ của Mai Linh Bike sẽ còn nhiều yếu điểm phải dần hoàn thiện. Có thể trong giai đoạn đầu họ sẽ phải gồng mình chịu lỗ để nuôi sống "đứa con" bé bỏng này. Nhưng ít nhất họ đã có niềm tin và dám chơi một canh bạc lớn mà không phải doanh nghiệp Việt nào cũng dám đương đầu.

Cái mà Mai Linh hiện đang cần đó là sự ủng hộ, động viên của những khách hàng người Việt. Nói một cách đơn giản, nếu mức giá của Mai Linh tương tự hoặc có những thời điểm thấp hơn Grab, Uber thì người tiêu dùng hoàn toàn có thể trải nghiệm để xem người Việt làm xe ôm công nghệ như thế nào.

Xét cho cùng, trong 1 gia đình có hai anh lớn như Uber, Grab thì đứa em như Mai Linh Bike cần được ưu tiên, động viên, khuyến khích nhiều hơn. Đó cũng là cách nghĩ, tâm lý chung của người Việt. Khi Mai Linh khơi gợi được điều này và luôn cầu thị lắng nghe, họ có thể sẽ thành công.

Các doanh nghiệp như Uber hay Grab không phải không có điểm yếu. Những tài xế của họ thường xuyên gây hấn, đánh nhau với xe ôm truyền thống. Nhiều người mặc đồng phục của hai hãng xe ôm công nghệ này cũng thường xuyên vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, quá tốc độ… Nếu Mai Linh chứng minh được những tài xế họ tuyển lựa là kỹ càng, được đào tạo tốt hơn hẳn, lúc đó chưa biết mèo nào sẽ cắn mỉu nào.

Nếu 5 năm hay 10 năm tới, người Việt không ngồi hồi tưởng lại câu chuyện của Mai Linh như chuyện của PS trước đây thì cũng nên động viên và ủng hộ. Người Việt dùng hàng Việt (nếu hàng Việt còn mới nhưng có thể sẽ tốt dần lên) là điều nên làm, rất nên làm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại