Cờ EU và cờ Trung Quốc. Đồ họa: EIU.
EU không hài lòng về thái độ “trung lập” của Trung Quốc trong vấn đề Ukraine
Khi Nga tiến hành tấn công Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua 7 gói trừng phạt Nga với tốc độ nhanh. Các nước phương Tây đã có sự đoàn kết đáng kể trong nỗ lực ngăn chặn bộ máy quân sự của Nga ở Ukraine.
Tuy nhiên, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, một trong các đồng minh thân cận nhất của Nga, thì lại thiếu vắng trong vòng vây chính trị do Mỹ và EU lập ra xung quanh Nga.
Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, Trung Quốc tỏ rõ sự lưỡng lự khi phải dùng thuật ngữ “xâm lược”. Thay vào đó, Bắc Kinh lựa chọn từ “vấn đề” hay “khủng hoảng”, chưa nói tới chuyện lên án hay trừng phạt Nga.
Không chỉ vậy, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị liên tục quy trách nhiệm cho việc mở rộng khối quân sự NATO như nguyên nhân gốc rễ của thảm kịch Ukraine, đồng thời tố cáo các lệnh trừng phạt của phương Tây là “đổ thêm dầu vào lửa”.
Ít có nhà quan sát nào nghi ngờ việc Trung Quốc lựa chọn quan điểm trung lập thân Nga đối với xung đột Ukraine.
EU đương nhiên tức giận trước thái độ trung lập đó của Trung Quốc đối với “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine.
Liên quan đến điều này, người phụ trách đối ngoại của EU - Joseph Borrell đã tuyên bố khá gắt rằng nhờ có chiến tranh mà họ thấy được bản chất thật của các nước.
Tuy nhiên, trong lúc quan hệ Mỹ - Trung Quốc căng thẳng và Trung Quốc “trung lập” trước khủng hoảng Ukraine, giữa Trung Quốc và EU vẫn có lý do để tăng cường giao lưu với nhau.
Trung Quốc cần EU
Về phía Trung Quốc, trọng tâm bao trùm trong chính sách đối ngoại của họ về dài hạn là giành thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ. Hiện tại, Bắc Kinh đang đối mặt với áp lực khổng lồ từ Washington cả trên mặt trận kinh tế lẫn chính trị.
Kể từ năm 2021, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã điều chỉnh nhanh chóng để gia tăng bao vây Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thông qua hiệp ước an ninh AUKUS và hội nghị Bộ Tứ (Quad), tất cả các đối thủ khu vực chính của Trung Quốc, bao gồm Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đều đã tập hợp lại dưới sự lãnh đạo của Mỹ.
Trên mặt trận kinh tế, hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc kẹt trong cuộc chiến thương mại tốn kém trong hơn 5 năm. Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Kinh tế học Quốc tế Peterson, thuế quan trừng phạt đánh vào 66,4% hàng hóa Mỹ nhập từ Trung Quốc và 58,3% hàng hóa Trung Quốc nhập từ Mỹ, tương đương khoảng 425 tỷ USD trao đổi thương mại.
Kiềm chế Trung Quốc về chính trị và kinh tế là chưa đủ để Mỹ ngăn Trung Quốc đuổi kịp về năng lực chiến lược. Quốc hội Mỹ gần đây thông qua Đạo luật Chip và Khoa học trị giá 280 tỷ USD để củng cố thế thống trị của Mỹ trong các ngành công nghệ tiên tiến, mở ra mặt trận mới trong chiến tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong bối cảnh ấy, Trung Quốc xem EU là một đối tác quan trọng mà họ không thể dễ dàng đánh mất. EU là thị trường duy nhất mà tại đó Trung Quốc có thể duy trì quyền tiếp cận các công nghệ tương tự như của Mỹ. Thêm nữa, khác với quan hệ Mỹ - Trung, quan hệ Trung Quốc - EU luôn được xác định là “không dính trực tiếp vào các xung đột địa lý”. Trung Quốc vẫn lập luận rằng họ không phải là một bên trực tiếp trong “khủng hoảng Ukraine”.
Quan trọng hơn, EU mong muốn là một bên có tính tự trị hơn trong các vấn đề toàn cầu. Trung Quốc đã cố gắng khai thác điều này. Trong 4 lần trao đổi với các lãnh đạo châu Âu sau khi Nga phát động tiến công Ukraine, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục hối thúc các đối tác châu Âu “hình thành cách nhìn nhận riêng về Trung Quốc” và “lựa chọn một chính sách độc lập về Trung Quốc”. Ý đồ của Trung Quốc ở đây rõ ràng là thúc đẩy châu Âu giữ khoảng cách với chiến lược Trung Quốc của Mỹ.
EU nhìn nhận Trung Quốc theo cách khác với Mỹ
Đối với EU, Trung Quốc cũng không phải là một đối tác nhỏ. EU thực chất là một khối thương mại. Đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU kể từ năm 2020 chính là Trung Quốc - đất nước đóng vai trò quan trọng trong duy trì ổn định nguồn cung toàn cầu và triển vọng phát triển của khối. Như vậy, việc tách rời Trung Quốc về kinh tế như cổ xúy của các chính trị gia Mỹ là trái với bản năng sinh tồn của EU và có thể buộc EU phải tái cấu trúc mô hình tăng trưởng của mình cũng như cách tiếp cận của họ đối với chủ nghĩa đa phương.
Khoảng cách giữa chiến lược của EU và Mỹ đối với Trung Quốc nằm ở tầng sâu hơn so với tính toán kinh tế đơn thuần và có gốc gác ở cách nhìn nhận khác nhau về trật tự toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden không úp mở khi tuyên bố rằng “Trung Quốc có kế hoạch tổng thể trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới và tôi sẽ không để điều đó xảy ra”. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi năm 2020 bình luận: “Thành công kinh tế của Trung Quốc không chỉ là vì họ không tuân thủ một số quy tắc nhất định mà còn là vì họ có năng lực. Chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh công bằng”.
Gần đây, chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viên Mỹ Nancy Pelosi đã làm sâu sắc thêm mối nghi ngờ của EU cho rằng động thái đối đầu của Mỹ với Trung Quốc có thể khiến Mỹ bớt chú ý vào vấn đề Ukraine và đẩy Trung Quốc xích lại gần Nga hơn nữa - tất cả những điều này đều làm phức tạp tình hình an ninh ở châu Âu. Về mặt này, EU vẫn nhìn thấy giá trị trong một quan hệ xây dựng với Trung Quốc./.