Cuộc chiến trên không Châu Á: Vươn tới lợi nhuận bầu trời

Minh Hoa |

Các hãng hàng không giá rẻ mới nổi và các hãng hàng không Trung Quốc đang cạnh tranh rất khốc liệt với các hãng hàng không quốc gia Châu Á.

Ngay khi mức sống ở Châu Á đang ngày càng được nâng lên - điều dẫn tới bước tiến lớn trong du lịch hàng không, thì các hãng hàng không nổi tiếng nhất của Châu Á, trong đó có Singapore Airlines và Cathay Pacific Airways đều đang phải đối mặt với sự bất ổn.

Nguy cơ này đến từ việc sự lên ngôi của các hãng hàng không theo phân khúc, như AirAsia tập trung vào phân khúc giá rẻ và tuyến bay ngắn, còn các hãng hàng không đến từ Vịnh Ba Tư như Emirates Airlines và Qatar Airways chủ yếu tập trung vào các đường bay dài hạng sang. Trong khi đó, các hãng hàng không Trung Quốc đang trở nên ngày càng cạnh tranh ở cả hai phân khúc trên.

Thách thức từ giá vé

Vấn đề chung đối với các hãng hàng không quốc gia Châu Á là giảm giá vé. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), doanh thu các hãng hàng không nhận được đối với một hành khách/km đã giảm đối với các hãng hàng không trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong ba năm liên tiếp, từ 2014 - 2016.

Đáng chú ý là điều này đã xảy ra ở khu vực nơi hành khách có nhu cầu đi lại bằng hàng không tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Theo IATA, xuất phát từ sự gia tăng nhu cầu đi lại về du lịch và kinh doanh bằng đường hàng không, tăng trưởng về số lượng hành khách của các hãng hàng không khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã tăng lên 10% vào năm 2017, năm thứ ba liên tiếp tăng trưởng hai con số.

Một vấn đề khác là giá nhiên liệu, trong những năm gần đây, một số hãng hàng không đã hưởng lợi từ mức giá nhiên liệu thấp. Tuy nhiên, áp lực về vấn đề này có thể tăng lên nếu giá nhiên liệu bắt đầu tăng. IATA dự báo rằng chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không sẽ tăng 19,6% vào năm 2018.

Cạnh tranh tăng sức ép cải tổ

16 năm sau khi AirAsia triển khai mô hình giá rẻ tới Châu Á, các hãng hàng không quốc gia như Singapore Airlines cuối cùng đã bắt đầu áp dụng một số hình mẫu này vào hoạt động của mình, như nỗ lực tái cấu trúc mạnh mẽ, tìm kiếm nhiều phương thức mới để kiếm tiền và cắt giảm chi phí.

Một hãng hàng không khác “nhạy cảm” hơn là Malaysia Airlines, trong một thập niên đã “vật lộn” trong cuộc chiến giá cả với hãng hàng không giá rẻ AirAsia. Malaysia Airlines đã được tư nhân hóa sau hai vụ tai nạn máy bay thảm khốc vào năm 2014 và họ đã bắt tay vào chương trình tái cấu trúc 5 năm. Tuy nhiên, kế hoạch này có vẻ như đã gặp rắc rối sau khi CEO của hãng đột ngột tuyên bố từ chức vào tháng 10.2017 - chỉ một năm sau khi nhận nhiệm vụ.

Còn các hãng hàng không Hồng Kông và Trung Quốc cũng đang chứng kiến sự thay đổi lộ trình phát triển.

Từng được bình chọn là hãng hàng không tốt nhất thế giới, hãng hàng không Hồng Kông Cathay Pacific đã có một năm 2017 hỗn loạn, với thua lỗ lên tới 1,08 tỉ USD và CEO lâu năm Ivan Chu Kwok-leung đã phải từ chức. Trong khi đó, hãng hàng không hàng đầu Hồng Kông này cũng tiếp tục đánh mất khách hàng về tay các đối thủ giá rẻ - cả nội địa và quốc tế.

Hong Kong Airlines năm ngoái đã tung ra các chuyến bay từ Hồng Kông đến Auckland, Vancouver và Los Angeles với giá rẻ hơn Cathay. Hãng này cũng đang lên kế hoạch cho các tuyến đường mới đến San Francisco, London và New York trong năm nay.

Tại Trung Quốc đại lục, các hãng hàng không cũng đang đẩy mạnh các chuyến bay đường dài, với Air China và Hainan Airlines bổ sung các đường bay mới tới Hoa Kỳ.

Trước tình hình này, Cathay đang mở rộng mạng lưới hoạt động toàn cầu bằng cách bổ sung thêm các đường bay siêu dài. Năm ngoái, hãng hàng không này đã thông báo một đường bay thẳng mới Washington - Hồng Kông. Chuyến bay 17 giờ này sẽ tiết kiệm được hai giờ và trở thành tuyến bay thương mại dài nhất tại thị trường Hồng Kông. Cathay Pacific cũng đang có kế hoạch thu hẹp khách hàng diện phổ thông của mình. Chiếc máy bay Boeing 777-300 mới của hãng sẽ có 10 chỗ ngồi nhỏ hơn trong một hàng – thay vì 9 ghế như hiện tại.

Uber của bầu trời?

Sự khốc liệt của thị trường không chỉ tác động đến các hãng bay quốc gia Châu Á. Thậm chí AirAsia, hãng đi tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ giá rẻ ở Châu Á từ năm 2002, cũng đang chịu sức ép gia tăng từ cạnh tranh.

Air Asia đang ngày càng mở rộng các dịch vụ cao cấp trên các chuyến bay đường dài để mang lại nhiều doanh thu hơn - bù đắp cho việc vận chuyển hành khách giá thấp.

CEO AirAsia cũng đang lên kế hoạch đẩy mạnh hơn nữa vào các kênh thanh toán kỹ thuật số, thương mại điện tử và bán lẻ.

Những động thái này diễn ra khi Air Asia - chiếm gần 50% thị trường hàng không tại Malaysia - đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ Malindo Air - một hãng hàng không Malaysia phân khúc cao cấp mới hoạt động từ năm 2013.

Đối với hành khách tại thị trường nội địa của AirAsia, cuộc chiến giá cả khốc liệt giữa hai hãng hàng không đã mang lại lợi ích: Malaysia là một trong những nước có giá rẻ nhất trong khu vực về vận tải hàng không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại