Cuộc chiến tranh tàu ngầm không giới hạn: Con át chủ bài cuối cùng của Đức

Quân sự |

"Cuộc chiến tranh tàu ngầm không giới hạn" của Đức cho phép tàu ngầm Đức tùy ý đánh chìm bất cứ tàu buôn nào hướng về hải phận Anh mà không cần phát tín hiệu cảnh báo.

Năm 1914, sau khi Thế chiến thứ nhất nổ ra, Đức bắt đầu thực hiện chiến tranh tàu ngầm đối với các nước Hiệp ước, tấn công vào các tàu buôn và chiến hạm của Anh. Sau này, Mỹ và các nước trung lập phản đối kịch liệt, Đức buộc phải thực hiện "chiến tranh tàu ngầm có giới hạn".

Đến thời kỳ cuối của Thế chiến thứ nhất, trong các chiến dịch đổ bộ tại Verdun, Đức đã bị tổn thất nặng nề, sự phong tỏa trên biển của người Anh lại càng làm cho tình hình kinh tế trong nước Đức khủng hoảng. Giới cầm quyền cấp cao của Đức cho rằng, tất cả vũ khí đều đã tận dụng triệt để, chỉ còn một thứ ngoại lệ, đó chính là tàu ngầm.

Nếu bỏ giới hạn về tàu ngầm thì có thể tấn công triệt để vào hạm đội Anh, buộc Anh đầu hàng. Tổng tham mưu trưởng của Đức nói: "Tàu ngầm là con át chủ bài cuối cùng".

Ngày 4/2/1917, Bộ Hải quân Đức chính thức công bố thực hiện "chiến tranh tàu ngầm không giới hạn". Đây là một kiểu chiến đấu bằng tàu ngầm, ở đó quân Đức có thể tùy ý đánh chìm bất cứ tàu buôn nào hướng về hải phận nước Anh mà không cần phát cảnh báo, mục tiêu là để phong tỏa Anh.

Bước đầu tiên Đức thực hiện phương án này là để tàu ngầm của mình tiến vào eo biển Anh đang bố trí ngư lôi dày đặc. Thủy lôi của người Anh chất lượng không cao, hành động mạo hiểm này của người Đức đã thành công.

Tàu ngầm của Đức ẩn mình dưới đáy biển, bắt đầu tấn công tất cả các tàu của Anh, số lượng tàu bị đánh chìm không ngừng tăng lên, tiềm lực kinh tế và quân sự của Anh nhanh chóng thu hẹp lại do sự tàn sát vô tình này.

Sau khi Đức thực hiện chiến tranh tàu ngầm không giới hạn, tổn thất tàu hàng của các nước Hiệp ước từ 300.000 tấn vào tháng 1 và đến 400.000 tấn vào tháng 2, rồi từ 500.000 tấn vào tháng 3, cho đến tháng 4 đã lên đến 850.000 tấn.

Trong số các tàu hàng của Anh ra biển, bình quân cứ 4 chiếc lại có 1 chiếc bị đánh chìm.

Để đánh bại tàu ngầm Đức, bảo vệ tuyến giao thông trên biển, hải quân Anh tiến hành "hệ thống bảo vệ hạm đội". Có nghĩa là, tập hợp 10 hay mấy chục chiếc tàu buôn lại thành một đội tàu, được hộ tống bởi tàu tuần dương hoặc tàu tuần tra đi lại giữa Anh và Mỹ.

Tàu hộ tống có trang bị máy dò sóng âm và khả năng bắn ở tầng nước sâu, có thể phản công tàu ngầm, do đó đã giảm thiểu đáng kể tổn thất của các tàu buôn. Đồng thời, Anh - Mỹ nhanh chóng phát triển chiến thuật chống tàu ngầm, khiến tổn thất của tàu ngầm Đức ngày một tăng.

Năm 1918, mặc dù tàu ngầm Đức đánh chìm 1.238 tàu hàng của các nước Hiệp ước, nhưng đây chỉ là một nửa số lượng tàu đánh chìm năm 1917. Sự phong tỏa của tàu ngầm Đức dần dần bị phá vỡ.

Trong Thế chiến thứ nhất, để phá vỡ chiến tranh tàu ngầm của Đức, các nước hiệp ước đã huy động 5.000 tàu bè để làm tàu hộ tống, ngoài ra còn có 3.000 máy bay tham gia vào chiến tranh chống lại tàu ngầm.

Các nước Hiệp ước đã đánh chìm tổng cộng 178 tàu ngầm đối phương, đánh bại hoàn toàn kế hoạch "chiến tranh tàu ngầm không giới hạn" của Đức.

(Bài viết sử dụng tư liệu từ cuốn "100 cuộc chiến lẫy lừng trong lịch sử thế giới" - NXB Thời Đại)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại