Cuộc chiến tình báo giữa Mỹ và Pakistan

Diên San |

Cơ quan tình báo quân đội ISI đầy quyền lực của Pakistan cũng đánh giá nước Mỹ là “nguy hiểm hơn cả người Ấn Độ” và sự hợp tác của chính quyền nước này với người Mỹ để cầu mong nhận được hàng tỷ USD viện trợ…

Thực tế là từ lâu Mỹ đã hợp tác với Pakistan khi có thể và sử dụng tài sản của người Pakistan khi hữu ích, nhưng hết sức cẩn thận đối với sự tiết lộ những chiến dịch bí mật.

Điều đó có nghĩa là khi làm việc chung với các sĩ quan Cơ quan tình báo Quân đội Pakistan (ISI), người Mỹ nhận thức rằng số sĩ quan tình báo này có thể hợp tác với phía khác; hay một số thông tin chia sẻ giữa Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và ISI có thể bị rò rỉ.

Cơ quan tình báo quân đội ISI đầy quyền lực của Pakistan cũng đánh giá nước Mỹ là “nguy hiểm hơn cả người Ấn Độ” và sự hợp tác của chính quyền nước này với người Mỹ để cầu mong nhận được hàng tỷ USD viện trợ là điều đáng hổ thẹn – theo tiết lộ của Shakil Afridi, bác sĩ hợp tác với CIA xác định vị trí khu nhà của trùm khủng bố Osama bin Laden ở Abbottabad.

Truy tìm mạng lưới ISI bên trong nước Mỹ

Nỗ lực truy tìm mạng lưới gián điệp Pakistan ở Mỹ bắt đầu với cuộc theo dõi Mohammed Tasleem, tuỳ viên toà lãnh sự Pakistan ở New York và được coi là điệp viên ngầm của cơ quan tình báo quân đội Pakistan (ISI).

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) khám phá Tasleem giả làm đặc vụ FBI để khai thác thông tin từ số người Pakistan đang sống ở Mỹ, đồng thời đe dọa họ không được chống đối chính quyền Pakistan.

Cuộc chiến tình báo giữa Mỹ và Pakistan  - Ảnh 1.

Trung tướng Ahmed Shuja Pasha, lãnh đạo ISI từ năm 2008 đến năm 2012.

Hoạt động của Tasleem là một phần trong chương trình mà quan chức ở Washington, gồm cả nhà báo và học giả người Mỹ gốc Pakistan, gọi là chiến dịch theo dõi người Pakistan sống lưu vong ở Mỹ một cách có hệ thống của ISI. Nhưng sau đó Tasleem đã lặng lẽ biến mất khỏi nước Mỹ – một giải pháp rút lui trong im lặng thường được sử dụng trong thế giới gián điệp.

Nhưng một số bí mật của thế giới giấu mặt này đã được công bố trong giữa tháng 7-2011 khi 2 người Mỹ gốc Pakistan bị phát hiện làm việc cho một hội từ thiện mà FBI tin thật ra là tổ chức bình phong nằm dưới sự chỉ đạo của ISI và sau đó 1 người bị bắt giữ, còn người kia đã thoát về Pakistan.

Cuộc điều tra của FBI làm hé lộ một phần của hoạt động mà quan chức Mỹ cho là chiến dịch tình báo của ISI ở hải ngoại nhằm gây ảnh hưởng đến quan chức lập pháp, kiểm soát mọi sự phê phán về quân đội Pakistan, đồng thời làm giảm bớt ảnh hưởng của Ấn Độ, đối thủ lâu năm của Pakistan.

Theo quan chức Mỹ, so với một số quốc gia khác như là Trung Quốc và Nga – điệp viên của hai nước này từ lâu luôn cố đánh cắp cho được những bí mật của thế giới doanh nghiệp và chính quyền Mỹ – thì hoạt động của ISI ít căng thẳng hơn và kém phức tạp hơn.

Chắc chắn hoạt động của ISI ở Mỹ giới hạn hơn hoạt động của CIA bên trong Pakistan. Ở Mỹ, điệp viên ISI đe dọa vừa ngầm vừa công khai đối với những người Pakistan dám phê phán quân đội nước này.

Bên trong Pakistan, ISI thật sự là mối lo sợ hàng ngày của người dân bởi vì họ lắm mưu mô. Ví dụ, quan chức tình báo Mỹ tin rằng một số điệp viên ISI đã ra lệnh sát hại nhà báo Pakistan Saleem Shahzad.

Theo một quan chức hành pháp Mỹ, vài lần trước đây FBI đã muốn bắt giữ hai người Mỹ gốc Pakistan làm việc cho hội từ thiện gọi là Kashmiri American Council nhưng lần nào cũng gặp phải sự ngăn cản từ bộ Ngoại giao Mỹ vì cho rằng lệnh bắt giữ sẽ làm trầm trọng thêm mối quan hệ gay gắt giữa Mỹ và Pakistan.

Vài nhà báo và học giả người gốc Pakistan ở Mỹ được phỏng vấn thừa nhận họ thường xuyên bị tiếp cận bởi nhiều quan chức Pakistan, thậm chí một số người còn tự xưng là sĩ quan ISI.

Nhà báo và học giả Pakistan bị số người này cảnh cáo không được lên tiếng về những đề tài chính trị nhạy cảm như là cuộc nổi loạn của người bản địa ở Baluchistan, vùng sa mạc nhiều núi ở phía tây nam Pakistan, hay sự buộc tội binh lính Pakistan vi phạm nhân quyền. Sự cảnh cáo bằng lời nói còn kèm theo sự đe dọa đến tính mạng của người thân đang sống ở Pakistan.

Từ lâu Washington đã là nơi diễn ra trận chiến gián điệp giữa Pakistan và Ấn Độ khi hai nước này cố gắng lấy lòng giới quan chức lập pháp và Nhà Trắng. Nhưng một quan chức cao cấp giấu tên trong Đại sứ quán Pakistan ở Washington khẳng định: “ISI chưa bao giờ cố tình vi phạm luật pháp nước Mỹ”.

Một nhà báo Pakistan giấu tên vì sự an toàn tính mạng nhắc lại một vụ việc trong tháng 12-2006, lúc đó một người Pakistan quay phim buổi bàn luận công khai về tình hình các khu vực bộ tộc ở Pakistan tại Đại học Harvard.

Mãi về sau này ban tổ chức sự kiện nói trên mới biết người đàn ông quay phim đó là nhân viên của ISI – một nhà báo giấu tên tiết lộ. Một học giả người Pakistan còn cho biết tại một vài cuộc thảo luận hay hội nghị chuyên đề được tổ chức trong những năm gần đây, đại diện ISI thường nhấn mạnh sự hiện diện của họ bằng những câu hỏi mang tính đe dọa.

Học giả cho biết: “Nhân viên ISI nhìn thẳng vào mắt bạn và gián tiếp đưa ra sự đe dọa bằng lời giới thiệu họ là ai. ISI luôn cố gắng có mặt tại mỗi sự kiện liên quan đến Pakistan, và trong một số trường hợp họ trả tiền thuê những người Pakistan bình thường đến dự họp để nắm bắt thông tin chuyển cho họ”.

FBI cũng mở rộng điều tra về việc chính quyền Pakistan, gồm cả ISI, đã bí mật rót tiền vào Mỹ như thế nào để gây ảnh hưởng đến chính sách của Washington về Kashmir, khu vực lãnh thổ tranh chấp kéo dài giữa Pakistan và Ấn Độ.

Theo tiết lộ của quan chức Mỹ giấu tên, nỗ lực của Pakistan bao gồm vận động hành lang và một số hoạt động công khai của Kashmiri American Council (cũng gọi là Trung tâm Kashmiri) cũng như quyên góp tiền bạc cho các nhà lập pháp Mỹ.

Trong nhiều năm qua, FBI cho biết họ đã tìm thấy được nhiều gián điệp hoạt động ngầm tại Mỹ – chủ yếu là điệp viên của Trung Quốc, Nga và Iraq.

Cuộc chiến tình báo giữa Mỹ và Pakistan  - Ảnh 2.

Báo chí ở Lahore đưa tin về cái chết của Bin Laden ngày 3-5-2011.

Nhưng trước khi xuất hiện tổ chức từ thiện Kashmiri American Council thì ít có tiếng nói công khai về mạng lưới điệp viên của ISI ở Mỹ.

Trong những năm gần đây, bộ Tư pháp Mỹ đã có vài vụ án chống lại một số người bị buộc tội ủng hộ các nhóm khủng bố trước đây có quan hệ chặt chẽ với ISI, bao gồm Lashkar-e-Taiba – nhóm chiến binh tiến hành vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Mumbai năm 2008. Nhưng trong những vụ này, số bị cáo không được coi là điệp viên ISI.

Cách nhìn của ISI về nước Mỹ

Theo tiết lộ của bác sĩ Shakil Afridi, ISI tài trợ hoàn toàn cho mạng lưới Haqqani, nhóm chiến binh đặt căn cứ ở Bắc Waziristan và bị Bộ Ngoại giao Mỹ coi là “tổ chức khủng bố nước ngoài”.

Tình báo Pakistan cũng có hành động chống lại Mỹ khi ngăn cản CIA thẩm vấn những chiến binh được Pakistan bắt giữ và thậm chí thả về Afghanistan để tiếp tục tiến hành những vụ tấn công nhằm vào lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đóng ở nước này.

Shakil Afridi cũng cho biết Pakistan đã nhận 23 tỷ USD viện trợ quân sự của Mỹ từ sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001.

Afridi còn mô tả, tại nhà tù nổi tiếng, nơi ông bị giam giữ đầu tiên, nằm bên dưới toà nhà trụ sở chính của ISI ở quận Apbara của thủ đô Islamabad, ông bị các sĩ quan ISI tra tấn nhằm trả thù cho việc Afridi dám trợ giúp người Mỹ chỉ chỗ khu nhà của Osama bin Laden ở Abbottabad nhiều tuần trước khi đặc nhiệm Hải quân SEAL Team 6 ra tay hành động vào ngày 2-5-2011.

Những tiết lộ của Shakil Afridi càng làm rắc rối thêm mối quan hệ vốn đã phức tạp giữa Mỹ và Pakistan về cuộc chiến phối hợp chống những chiến binh cực đoan. Washington đã nhiều lần thúc ép Islamabad tiêu diệt các “thiên đường an toàn” của các chiến binh trong các khu vực bộ tộc ở miền tây bắc Pakistan, đặc biệt là nhóm Haqqani liên minh với Taliban và Al-Qaeda.

Cuộc chiến tình báo giữa Mỹ và Pakistan  - Ảnh 3.

Khu nhà của Osama bin Laden ở Abbottabad.

Afridi còn cho biết trước khi bị chuyển đến Peshawar vào tháng 5-2011, ông đã gặp mặt cháu của thủ lĩnh bộ tộc Wazir tên là Abdul Kayyum, người bị ISI bắt giữ vì lý do gì không ai biết được. Theo thông tin từ Kayyum, Afridi cho biết vào 3 năm trước đó ISI đã thông qua bộ tộc Wazir để cung cấp tiền bạc cho mạng lưới Haqqani.

Sau khi giam giữ Shakil Afridi 12 tháng, ISI lập báo cáo về việc bác sĩ hợp tác với CIA và lợi dụng chương trình tiêm vaccin giả của Mỹ để lấy mẫu ADN của những người sống trong khu nhà của Osama bin Laden ở Abbottabad, miền bắc Pakistan.

Tuy nhiên, Afridi thú nhận trong thời gian bị giam giữ và tra tấn ông miễn cưỡng phải khai ra nguyên do về sự hợp tác giữa ông và CIA cũng như mục đích của chương trình tiêm chủng phòng bệnh bại liệt.

Nhưng, Afridi khẳng định ông không hề cảnh báo với CIA về sự có mặt của Bin Laden trong khu nhà được gọi là “Nhà Waziristan” và ông cảm thấy bất ngờ khi người Mỹ hạ sát trùm khủng bố tại đây thay vì những tên khủng bố khác.

Cuộc chiến tình báo giữa Mỹ và Pakistan  - Ảnh 4.

Chương trình vaccin bại liệt "có ý đồ" của CIA ở Pakistan.

Sĩ quan CIA khuyên Afridi nên chuyển đến Afghanistan, nơi ông và gia đình sẽ được bảo vệ. Nhưng, Afridi cảm thấy sợ hãi và quyết định ở lại Pakistan do trước kia ông từng bị bắt cóc trong khu bộ tộc Pashtun ở biên giới. Afridi không ngờ mình đã dính líu vào vụ đột kích giết chết Osama bin Laden khiến cho ISI tức điên.

Cuối cùng, Shakil Afridi bị người của ISI bắt cóc tại chốt kiểm soát ở Hayatabad vào ngày 23-5-2011. Afridi bị bịt mắt trong suốt 8 tháng và còng tay sau lưng đến 12 tháng ròng rã.

Tháng 5-2012, Shakil Afridi bị một toà án Pakistan tuyên án 33 năm tù giam vì tội dính líu với nhóm chiến binh Lashka-e-Islam. Nhưng, chính quyền Pakistan kín đáo thừa nhận rằng lý do bác sĩ bị mang án tù vì hợp tác với CIA.

Trong khi đó Lashkar-e-Islam bác bỏ sự dính líu đến Afridi và thậm chí cùng với Taliban tuyên bố sẽ giết chết Afridi nếu có cơ hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại