Cuộc chiến tàu ngầm, từ biển Đông tới Ấn Độ Dương

Anh Minh |

Hải quân Trung Quốc đang nhanh chóng đẩy mạnh việc xây dựng khả năng hoạt động quy mô toàn cầu. Ngoài biển Đông, một khu vực quan trọng của các hoạt động trong tương lai của họ có thể là Ấn Độ Dương.

Tàu ngầm Trung Quốc có thể có tác động chiến lược nếu chúng hoạt động trên vùng biển đó. Từ quan điểm của Trung Quốc, việc này giúp bảo vệ các tuyến đường biển quan trọng và cụ thể là các tàu hàng của họ, dễ bị tổn thương trong bất kỳ cuộc chiến nào. Đương nhiên nhiều hải quân trên thế giới sẽ lo ngại nếu đúng là như vậy. Đứng đầu trong số đó là hải quân Ấn Độ, hiện có hạm đội tàu ngầm lớn nhất khu vực Nam Á.

Mối quan tâm về việc mở rộng hải quân của Trung Quốc là một chủ đề nóng trên thế giới. Hải quân Mỹ đang ngày càng xoay trục quanh châu Á.

Phát biểu tại diễn đàn Brussels ngày 25 tháng 6, Ngoại trưởng Mike Pompeo đề cập các mối đe dọa của Trung Quốc là “mối đe dọa đối với Ấn Độ” và các nước khác ở châu Á. “Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng chúng tôi có tư cách một cách thích hợp để đối đầu với PLA”. (Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc, bao gồm Hải quân Trung Quốc.)

Nhưng theo chuyên gia hải quân H.I Sutton viết trên Forbes, phần lớn sự chú ý dồn về biển Đông, nơi Bắc Kinh đã đưa ra các yêu sách lãnh thổ rộng lớn. Chiến trường Ấn Độ Dương dường như ít được tập trung hơn, ít nhất là trong mắt công chúng. Tuy nhiên, đối với Ấn Độ, mối đe dọa dường như rất thực tế. Các tàu ngầm Trung Quốc đã ghé vào các cảng tại Pakistan và Sri Lanka trong những năm gần đây.

Cuộc chiến tàu ngầm, từ biển Đông tới Ấn Độ Dương - Ảnh 1.

Lối đi của tàu ngầm Trung Quốc từ biển Đông vào Ấn Độ Dương.

Trong thời bình, các tàu ngầm Trung Quốc dự kiến sẽ vào Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca. Trung Quốc vẫn cho tàu hoạt động trên mặt nước, nhằm gửi đi thông điệp, nhưng đó là tiện ích hạn chế trong môi trường hoạt động, khi tàu ngầm luôn muốn che giấu sự hiện diện của chúng.

Trong thời chiến, tàu ngầm Trung Quốc có thể đi qua eo biển Sunda hoặc eo biển Lombok. Những lối đi này nằm giữa chuỗi đảo Indonesia ngăn cách Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Một lợi thế so với eo biển Malacca, chạy qua Singapore, là chúng sẽ đưa tàu ngầm đến vùng nước sâu của phía đông Ấn Độ Dương. Từ đó chúng có thể đi những con đường ít rõ ràng hơn đến mục tiêu của họ.

Eo biển Sunda sẽ là tuyến đường ngắn nhất, nhưng nó rất nông ở cuối phía đông nên eo biển Lombok sâu hơn có thể được ưa thích, được coi là khả thi đối với Hải quân Trung Quốc.

Khi đã đi qua Ấn Độ Dương, các tàu ngầm có thể được tiếp tế mà không cần phải quay về Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ ở Djibouti trên vùng Sừng châu Phi. Ngay cả khi các tàu ngầm không ghé cảng, các tàu hậu cần có thể từ đó ra khơi thực hiện việc tiếp tế trên biển.

Và có một cảng khác Trung Quốc đang xây dựng tại Gwadar ở Pakistan, có thể bao gồm một căn cứ hải quân. Gwadar có lợi thế kết nối bằng đường bộ với Trung Quốc nên nguồn cung sẽ không phải đi bằng đường biển.

Nếu Trung Quốc tạo ra một hạm đội thường trực ở Ấn Độ Dương, căn cứ tự nhiên của họ sẽ là Gwadar và Djibouti. Ngoài ra còn có hòn đảo nhỏ Feydhoofinolhu ở Maldives, nơi Trung Quốc đang phát triển thành một khu nghỉ mát. Các nhà hoạch định lo ngại rằng nó có thể hoạt động như một cơ sở hỗ trợ hoặc trạm giám sát trong một số tình huống.

Về phần mình, Hải quân Ấn Độ cũng đang phát triển khả năng và sửa đổi mô hình hoạt động để chống lại mối đe dọa.

Có bằng chứng cho thấy họ đã thử nghiệm khả năng chuyển tiếp tàu ngầm đến quần đảo Andaman&Nicobar. Điều này có thể là chìa khóa để giám sát hoạt động của tàu ngầm ở eo biển Malacca.

Cùng lúc đó, máy bay P-8I Neptune trong Hải quân Ấn Độ do Mỹ cung cấp giúp gia tăng khả năng chống ngầm của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương và biển Ả Rập.

Nhưng trong sự bao la của đại dương, theo dõi tàu ngầm Trung Quốc có thể là thách thức. Mặc dù các tàu ngầm của Trung Quốc có thể không yên tĩnh như các tàu ngầm tương đương ở phương Tây, chúng có lợi thế tàng hình tự nhiên.

Ngay cả những chiếc tàu ngầm rất cũ cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng không thể bỏ qua trong thời chiến. Vì vậy, đối với Ấn Độ, điều quan trọng là họ có thể phản ứng nhanh như thế nào với sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc ngày càng phổ biến ở Ấn Độ Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại