Cuộc chiến dai dẳng

Đức Anh |

Cuộc xung đột tại Ukraine đã bước sang năm thứ hai mà vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi cả hai bên tiếp tục trong thế giằng co trên các mặt trận.

Nga ngày 11/5 tuyên bố đã đạt được một số mục tiêu nhất định tại Ukraine dù thừa nhận có khó khăn, trong khi Ukraine cho biết cần có thêm thời gian để có thể tổ chức đợt phản công quy mô lớn vào mùa Xuân.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích việc Nga tổ chức tấn công chậm lại trong những ngày gần đây tại Ukraine là có chủ đích, nhằm giảm thiểu tổn thất về người và cơ sở hạ tầng.

Quan chức Nga khẳng định mục tiêu đang được theo đuổi là gây tổn thất cho bộ máy quân sự của Ukraine và sẽ tiếp tục chiến lược này.

Người phát ngôn Điện Kremlin cũng tuyên bố Nga không đang tiến hành chiến tranh bởi nếu tiến hành chiến tranh theo đúng quan điểm của nước này là phá hủy hoàn toàn hạ tầng và các thành phố của Ukraine.

Trong khi đó, cuộc xung đột tại Ukraine đã bước sang năm thứ hai mà vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi cả hai bên tiếp tục trong thế giằng co trên các mặt trận và cùng chuẩn bị cho một cuộc chiến quy mô lớn hơn.

Cũng tương tự phía Nga, ngày 11/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận quân đội nước này đang gặp khó khăn trên chiến trường, nên cần phải có thêm thời gian để nhận thêm phương tiện chiến đấu từ phương Tây và chuẩn bị cho kế hoạch phản công mùa Xuân được dự báo sẽ có quy mô chưa từng có.

Người đứng đầu Ukraine giải thích cho việc chưa thể đẩy mạnh phản công vào thời điểm hiện nay là do có thể sẽ phải tổn thất nhiều binh sĩ, điều mà Ukraine không thể chấp nhận.

Cũng theo Tổng thống Ukraine, các lữ đoàn thiện chiến do các nước NATO hỗ trợ huấn luyện đã sẵn sàng ra chiến trường, nhưng vẫn còn thiếu các phương tiện bọc thép mà phương Tây đã cam kết viện trợ vì quá trình chuyển giao diễn ra chậm.

Đó chính là lý do quân đội Ukraine đang phải chờ đợi thêm thời gian chuẩn bị cho chiến dịch phản công. Tổng thống Zelensky cũng cho rằng, lực lượng Nga trên chiến trường đang bị ảnh hưởng bởi sự cạn kiệt vũ khí nên đã phải giảm số lượng pháo kích mỗi ngày trong thời gian gần đây.

Về triển vọng đàm phán hòa bình để chấm dứt xung đột, Tổng thống Ukraine khẳng định hiện tại không có khả năng diễn ra. Kiev tuyên bố sẽ chiến đấu cho đến khi giành chiến thắng và không có ý định nhượng bộ lãnh thổ ngay cả khi phản công thất bại.

Điều này đồng nghĩa mọi cánh cửa cho hòa đàm giữa Ukraine và Nga đang bị đóng băng như suốt nhiều tháng qua.

Trong khi đó, dòng vũ khí viện trợ từ Mỹ và các nước phương Tây khác vẫn đang tiếp tục đổ về Ukraine. Mới đây nhất, ngày 9/5 Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo Ukraine sẽ nhận được gói viện trợ an ninh mới trị giá 1,2 tỷ USD nhằm giúp nước này tăng cường lực lượng phòng không cũng như xây dựng năng lực dài hạn cho quân đội.

Ukraine sẽ nhận được các hệ thống phòng không bổ sung, thiết bị tích hợp các bệ phóng, tên lửa, radar phòng không của Mỹ với hệ thống phòng không của Ukraine. Ukraine cũng sẽ được cung cấp đạn pháo 155mm, các loại đạn dược, hình ảnh vệ tinh, kinh phí bảo trì và phụ tùng thay thế của nhiều hệ thống vũ khí.

Tính cả gói viện trợ này, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine tổng cộng gần 37 tỷ USD viện trợ quân sự kể từ khi cuộc xung đột giữa Kiev và Moscow bùng phát hồi cuối tháng 2/2022.

Nguồn hỗ trợ chưa có dấu hiệu dừng lại này cùng với các cánh cửa hòa bình bị đóng chặt càng cho thấy cuộc chiến tại Ukraine sẽ còn lâu mới kết thúc và sự dai dẳng này sẽ tiếp tục “ám ảnh” nền kinh tế thế giới nói chung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại