Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, cả châu Á và cộng đồng người châu Á trên toàn thế giới sẽ bước vào năm mới 2023 với nhiều ước vọng tốt đẹp đang mở ra. Khác với Việt Nam, năm nay sẽ là Tết Qúy Mão (con mèo), thì tại các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore năm âm lịch lại là năm con thỏ. Vậy văn hóa ở các quốc gia này có gì khác biệt?
Trung Quốc phát hành tiền xu lì xì hình con thỏ
Trong Thông điệp Năm mới, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, chính quyền và người dân Trung Quốc, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ, các nhân viên y tế và nhân viên xã hội, đã cùng vượt qua những khó khăn, thách thức chưa từng có.
Người dân Trung Quốc đổ ra đường chào đón năm mới trong bối cảnh nước này đã nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế COVID-19.
Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc giờ đây bước vào giai đoạn chống dịch mới, dù thử thách vẫn còn đó nhưng cũng có những tia hi vọng, đồng thời kêu gọi mọi người cùng đoàn kết, nỗ lực hơn nữa trong năm mới.
Thông điệp Năm mới của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng bày tỏ kỳ vọng các thế hệ tương lai của Trung Quốc, với sức trẻ và hi vọng, sẽ đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước.
Đã có nhiều cách lý giải tại sao và bắt đầu từ khi nào người Việt Nam đưa con Mèo vào thay thế con Thỏ trong danh sách 12 con giáp vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Một trong những lý giải đó là có thể là bắt nguồn từ lỗi dịch thuật phức tạp từ cách tính "12 con giáp".
Trung Quốc và Việt Nam đều có cách tính "12 con giáp", trong đó có 11 loài vật tượng trưng mỗi năm của hai nước đều giống nhau gồm: Tý (chuột), Sửu (trâu), Dần (hổ), Thìn (rồng), Tỵ (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó) và Hợi (heo).
Trong tiếng Hoa, phát âm tên con mèo là "mao", khá giống người Việt phát âm "mèo". Cả hai cách phát âm bắt nguồn từ âm tiếng Hán thời xưa "mão". Ở Trung Quốc ngày xưa thường bị lẫn lộn giữa mèo và thỏ trong cách viết và phát âm. Vì thỏ là loài vật có nhiều ý nghĩa hơn mèo trong văn hóa truyền thống Trung Hoa nên người Trung Quốc về sau này đã quyết định chọn con Thỏ để đưa vào 12 con giáp.
Trái lại ở Việt Nam, dường như loài thỏ không có đặc điểm gì nổi bật, ngoài việc được đánh giá là một loài vật hiền lành. Trong khi đó, từ xưa đến nay loài mèo ở Việt Nam được xem là "hổ con" và là loài vật nuôi rất gắn bó với cuộc sống của nhiều gia đình tại Việt Nam, xuất hiện trong các câu chuyện, tranh vẽ và nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao... Không những thế, mèo còn được biết đến với khả năng bắt chuột hữu hiệu. Có lẽ vì vậy mà người Việt vẫn giữ nguyên âm gốc "Mão" để đặt năm con giáp là Mèo.
Bộ tiền xu mừng Tết Nguyên đán 2023.
Hãng tin Reuters lại dẫn lời một người nổi tiếng đam mê các loài vật nuôi ở Hà Nội, ông Nguyễn Bảo Sinh, nói rằng: "Người Việt đã thay đổi biểu tượng con Mèo thay cho Thỏ bởi Thỏ là loài động vật thuộc bộ gặm nhấm. Trong khi đó thì 12 con giáp đã có một con cũng thuộc loài gặm nhấm là chuột rồi. Các loài vật trong 12 con giáp nên khác nhau".
"Dân gian Việt Nam có câu "ghét nhau như chó với mèo". Sự khác biệt hay thậm chí đối đầu nhau giữa một số con vật biểu trưng trong 12 con giáp đã thể hiện sự cân bằng âm dương trong vòng xoay vũ trụ, thể hiện sự dung hòa của các mặt đối lập và do đó, việc con mèo nằm trong 12 con giáp là điều tốt và góp phần khiến cho các cung hoàng đạo trở nên phong phú hơn", ông Nguyễn Bảo Sinh đánh giá.
Tại Trung Quốc, năm Thỏ được xem là một năm tốt lành, năm của tình bạn. Những người sinh vào năm Thỏ thường được đánh giá là đáng tin cậy, có lòng tốt và trung thành.
Năm 2023, ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Trung ương Trung Quốc) đặc biệt phát hành bộ tiền xu mừng Tết Nguyên đán sắp tới. Bộ đồng xu gồm 1 đồng vàng, 1 đồng bạc và 1 đồng hợp kim đồng có 2 màu.
Đồng xu bằng vàng và bằng bạc có mệnh giá lần lượt là 10 NDT (khoảng 1,43 USD) và 3 NDT, mặt trước có in quốc huy Trung Quốc và con số "2023". Mặt sau hai đồng xu này có khắc chữ Phúc bằng tiếng Hán, mang ý nghĩa hạnh phúc và may mắn, xung quanh được trang trí bằng những họa tiết mang không khí lễ hội truyền thống Trung Quốc như cảnh múa sư tử…
Đồng xu bằng hợp kim đồng cũng có mệnh giá 10 NDT, được trang trí bằng hình con Thỏ cùng những họa tiết mang phong cách nghệ thuật cắt giấy truyền thống của Trung Quốc và các mẫu trang trí dịp Tết Nguyên đán.
Tượng thỏ ở Singapore gây chú ý vì tư thế lạ
Singapore là quốc gia mà đa số dân chúng là người gốc Hoa, do đó họ cũng xem năm nay là năm con Thỏ. Đáng chú ý, ngày 29/12, nhiều bức tượng hình con thỏ được lắp đặt trước khu Chinatown ở Singapore để chào mừng năm mới đã gây ra nhiều tranh cãi trên cộng đồng mạng.
Tư thế lạ của chú thỏ gây tranh cãi trên cộng đồng mạng.
Các bức tượng được trang trí phong cách dễ thương, mô phỏng các thành viên trong một gia đình. Nhìn phía trước, các bức tượng không có gì lạ và nhìn khá hợp mắt, nhưng nếu nhìn từ phía sau, tư thế gần giống ngồi xổm của con vật được nhiều người nhận xét trông như "đang đi vệ sinh".
Nói với 8world, nhiếp ảnh gia họ Lin (55 tuổi) cũng đồng tình rằng tư thế của các con thỏ trông như đang ngồi trên bồn cầu. "Khi làm tượng, các đơn vị thiết kế nên cân nhắc xem chúng sẽ trông như thế nào từ mọi góc độ", người này nói. Ngoài ra, bà cho rằng phần mắt các bức tượng cũng có vấn đề, trông không chân thực.
Sau khi gây chú ý, phía sau các bức tượng đã được đặt thêm một số mô hình thỏi vàng, đồng xu để che đi.
Tuy nhiên, ngoài những người không hài lòng, một số cư dân địa phương đánh giá cao công trình này, khen ngợi các bức tượng có màu sắc sống động, đường nét đẹp.
Nhìn từ phía trước những con thỏ lại cực kỳ xinh đẹp và ngộ nghĩnh.
"Những con thỏ này được thiết kế bởi sinh viên đại học, tôi nghĩ họ đã làm rất tốt. Họ không phải dân chuyên nhưng đã dày công suy nghĩ thiết kế. Dù có những bộ phận bị chê, tôi nghĩ họ cũng đã làm tốt nhiều phần khác", người đàn ông họ Xu (60 tuổi) nói.
Năm Mão trong văn hóa Nhật Bản
Giống với Việt Nam hay Trung Quốc, 12 con giáp cũng tồn tại trong văn hóa Nhật và được gọi là "Eto" hay "Juunishi". Tuy nhiên, 12 con giáp của Nhật Bản có sự khác biệt so với Việt Nam. Cụ thể, Sửu là con bò thay vì trâu, Mão là con thỏ thay vì mèo, Mùi là con cừu thay vì dê và Hợi là lợn rừng thay vì lợn nuôi.
Thỏ là loài vật tượng trưng cho may mắn, sung túc, biểu tượng của tham vọng và cấp tiến trong văn hóa Nhật, thỏ cũng xuất hiện trong nhiều câu thành ngữ tiếng Nhật với ý nghĩa sâu xa. Do đó, người tuổi Mão thường được cho là may mắn nhất trong 12 con giáp. Họ là những người có khả năng ăn nói lưu loát, tài năng, tham vọng, đoan chính và kín đáo. Họ cũng có gu thẩm mỹ cực tốt và thường nhận được sự ngưỡng mộ, tin tưởng của người khác.
Từ tháng 12/2022, các tượng gốm, thiệp năm mới Nengajo và lịch năm 2023 lấy chủ đề những chú thỏ - con giáp đại diện cho Mão trong văn hóa Nhật Bản đã xuất hiện khắp mọi nơi.
Người dân Nhật Bản tập trung ở các ngôi chùa để cầu bình an cho năm mới.
Taị xưởng làm búp bê Imado-yaki Shirai ở phường Taito, Tokyo, những bức tượng gốm thỏ xinh xắn với đôi tai dài màu hồng trong bộ Kimono màu tím sang trọng được sản xuất cấp tốc để kịp với nhu cầu của người sử dụng.
Tại xưởng làm thủy tinh Ryuhyo ở thành phố Abashiri, nhân công đang chế tạo đồ thủy tinh từ đèn huỳnh quang đã qua sử dụng. Cơ thể của thỏ được tạo ra bằng cách bọc thủy tinh nóng chảy ở nhiệt độ cao 1300 độ quanh một cây gậy dài, thêm tai vào và kéo bằng kéo sắt để tạo hình. Cuối cùng, thêm mắt và mũi bằng thủy tinh trộn sơn đỏ để hoàn thành bức tượng thỏ.
Mùa này, xưởng dự kiến sản xuất khoảng 400 chiếc tượng thỏ nhỏ. Xưởng cũng đã làm xong một bức tượng kagami-mochi bằng thủy tinh mới. Cho đến hiện tại đã có nhiều đơn đặt trước hơn dự kiến và số lượng sản xuất đã tăng lên 200 đơn.
Một điều khác biệt trong văn hóa đón Tết ở Nhật Bản đó là chuyển sang hoàn toàn lịch Dương. Song, người dẫn vẫn giữ tục lệ đi lễ đầu năm để cảm ơn những gì đã nhận được trong năm cũ và cầu mong những điều tốt lành trong năm mới.
Tại các ngôi đền thờ thần đạo, những người đến đây đều xếp hàng trong trật tự, chờ đến lượt làm lễ. Theo phong tục, người dân sẽ ném những đồng xu may mắn, đập tay 2 lần và cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình và bản thân.
Tượng thỏ tại xưởng Imado-yaki Shirai - phường Taito, Tokyo.
Xin quẻ cũng là một hoạt động không thể thiếu khi đi chùa đầu năm của người Nhật. Họ quan niệm rằng đây chính là lời tiên đoán cho năm mới của họ. Bùa hộ mệnh được xem là vật giúp đem lại may mắn cho người Nhật. Chính vì vậy, những tấm bùa hộ mệnh xin được ở Chùa vào mỗi dịp năm mới luôn được người Nhật giữ gìn cẩn thận để cầu mong may mắn đến với họ trong cả năm.
Tết Seollal ở Hàn Quốc
Seollal là một trong hai ngày Tết lớn nhất ở Hàn Quốc (cùng với Tết Trung thu). Cũng giống như Việt Nam, người Hàn Quốc đón Tết Nguyên đán cổ truyền vào ngày 1 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Trong những ngày Tết truyền thống, người Hàn Quốc thường mặc hanbok, thực hiện các nghi lễ, chơi các trò chơi dân gian, ăn các món ăn truyền thống, nghe kể chuyện và gặp gỡ mọi người.
Có rất nhiều thứ cần phải chuẩn bị cho Tết Seollal, đặc biệt là thực phẩm, phương tiện đi lại và quà tặng. Trong dịp Tết Seollal người Hàn Quốc sẽ mua quà biếu để bày tỏ lòng biết ơn và sự kính trọng với ông bà, cha mẹ. Quà tặng thường là trái cây tươi, nhân sâm, mật ong, giỏ quà cá ngừ, kẹo truyền thống, cá khô, đồ dùng hàng ngày và tiền mặt.
Ngày 30 Tết, các gia đình Hàn Quốc cũng dọn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Buổi tối trước Giao thừa, người Hàn Quốc thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần; mặc trang phục truyền thống hanbok hoặc những bộ quần áo đẹp nhất để cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên.
Trong đêm Giao thừa, người dân Hàn Quốc sẽ đốt các thanh tre trong nhà để xua đuổi tà ma. Ngoài ra theo tục lệ cổ xưa, người dân còn treo một cái xẻng bằng rơm với ý nghĩa hốt thóc gạo rơi ngoài cửa để nhận được phúc lộc quanh năm. Sau đó, các thành viên sẽ quây quần bên nhau thức cho đến sáng. Bởi nếu bạn ngủ trước giao thừa thì hôm sau khi thức dậy sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn.
Ngoài ra, họ cũng để đèn sáng cả đêm vì họ tin rằng đây là cách giúp xua đuổi những linh hồn ma quỷ và đem đến một năm mới an lành và hạnh phúc.
Người dân chiếu sáng lễ hội chào đón năm mới ở Seoul, Hàn Quốc.
Ngày đầu tiên của Tết Seollal bắt đầu với nghi thức thờ cúng. Đây là một nghi lễ bày tỏ sự tôn kính với tổ tiên và cầu cho năm mới hạnh phúc, bình an. Các thành viên trong gia đình sẽ mặc trang phục truyền thống của Hàn Quốc và tập trung trước ban thờ đã được chuẩn bị sẵn để thực hiện nghi lễ này.
Có khoảng 20 loại món ăn khác nhau được bày trên bàn thờ, tùy theo vùng miền mà các món có thể khác nhau. Nghi thức bắt đầu bằng việc cúi lạy tổ tiên – "sebae" và lễ "eumbok" – xin tổ tiên phù hộ những điều tốt lành đến với các thành viên trong gia đình. Trong nghi lễ, nam và nữ có cách cúi đầu khác nhau.
Món ăn chính trong ngày đầu năm mới là canh bánh gạo truyền thống được làm từ bánh gạo thái lát, thịt bò, trứng và rau. Ngoài ra, món Manduguk cũng được nhiều gia đình Hàn Quốc thưởng thức trong ngày Tết, giống với canh bánh gạo của Hàn Quốc, nhưng món canh Manduguk được nấu với mandu – bánh xếp cùng nước tương, muối và hạt nêm.
Sau bữa ăn, các thế hệ trẻ trong gia đình cùng bái lạy người già và tặng quà. Sau đó, ông bà cũng chúc cho con cháu một năm mới thịnh vượng. Quà năm mới cho trẻ em thường là tiền mừng tuổi. Thời gian còn lại trong ngày, các thành viên trong gia đình cùng chơi các trò chơi dân gian, ăn uống và trò chuyện.