Sau 90 phút tại Anfield, trái tim gã khổng lồ xứ Catalonia tan vỡ. Sự tan vỡ vì đớn đau, uất nghẹn, bất lực và xấu hổ. Không một tính từ nào đủ mạnh và đủ rộng để bao hàm trọn vẹn ngữ nghĩa thất bại có lẽ là nhục nhã nhất trong lịch sử Barcelona.
Nỗi nhục phải chịu tại Anfield lớn gấp bội nỗi nhục tại Rome không phải chỉ vì thông số đơn thuần (thua Liverpool 0-4 và thua Roma 0-3). Sự nhục nhã ấy còn hình thành bởi so với chuyến hành quân đến thủ đô Italia, chuyến hành quân này thầy trò Ernesto Valverde đã có một bài học kinh nghiệm sâu sắc là chính từ lần làm khách năm ngoái ấy.
Vi phạm tội đã nặng, tái phạm tội nặng hơn gấp bội. Và Valverde chính là người phải chịu trách nhiệm lớn nhất trước lịch sử. Vị chiến lược gia này một lần nữa chinh phục thành công La Liga và có thể là cả Cúp Nhà Vua. Thế nhưng, Valverde lại không đủ tư cách để đăng quang Champions League, danh hiệu danh giá nhất châu Âu.
Bởi lẽ, Valverde đã đi ngược lại với truyền thống Barca. Đó là từ bỏ lối đá ban bật quãng ngắn kiểm soát bóng hay còn gọi là tiqui-taca. Sự từ bỏ này đã xuất hiện từ năm ngoái, thời điểm ông xuất hiện tại Nou Camp để kế nhiệm Luis Enrique thông qua quyết định chiêu mộ Paulinho và sử dụng sơ đồ 4-4-2.
Mùa này, Paulinho ra đi nhưng Barca lại có phiên bản nâng cấp là Arturo Vidal. Đó là mẫu tiền vệ giỏi tranh chấp và chiếm lĩnh không gian nhưng lại không mang trong mình DNA Barca, là khả năng phối hợp và xoay trở trong phạm vi hẹp. Dĩ nhiên, Valverde đưa những tiền vệ này về Camp Nou là để phục vụ cho sơ đồ 4-4-2.
Cần lưu ý, sơ đồ truyền thống của Barca là 4-3-3 và được sử dụng một cách nhất quán từ các đội trẻ lên đội một. Với sơ đồ này, có thể hình dung rằng các vị trí tạo thành tổ hợp các tam giác với khoảng cách hợp lý. Đó chính là đơn vị căn bản để hình thành lối chơi ban bật. Những tam giác Busquets-Xavi-Iniesta, Xavi-Iniesta-Messi hay Messi-Villa-Pedro trở nên trứ danh là vì thế.
4-4-2 phá vỡ những tam giác ấy mà hình thành 3 tuyến cân đối và cân bằng. Thế nên khả năng phối hợp thoát pressing hay rộng hơn là khả năng kiểm soát bóng của Barca bị hạn chế đi nhiều. Bằng chứng là không phải chỉ thất bại lịch sử tại Anfield, trước Manchester United hay Real Madrid, Barca cũng không còn áp đảo trong khâu kiểm soát bóng.
Một dẫn chứng khác, bài tấn công của Barca được tối giản bằng những pha phối hợp giữa Messi và Alba. Tất nhiên, vì Barca vẫn thắng nên không ai chú ý tới vấn đề này. Trở lại với việc mất khả năng cầm bóng, Barca buộc phải phụ thuộc nhiều hơn vào Messi trong khâu tấn công, thậm chí phụ thuộc hoàn toàn. Dù Alba tốc độ tới đâu hay Suarez tinh quái cỡ nào thì chìa khóa luôn là Messi.
Dĩ nhiên, Messi là thiên tài thế nên phần đa các trận anh tỏa sáng giúp Barca chiến thắng. Danh hiệu La Liga thứ hai liên tiếp là kết quả của sự vượt trội về đẳng cấp của siêu sao người Argentina. Dù vậy, sẽ có những ngày xấu trời Messi đột nhiên tắt ngúm hoặc những lần chạm trán những đối thủ thực sự đáng gờm, chẳng hạn như Liverpool tại Anfield đêm qua, Messi bị phong tỏa.
Khi ấy, điểm yếu lớn nhất của Barca 4-4-2 bị bộc lộ. Đó là khả năng luân chuyển bóng thoát pressing. Mà đừng quên, Liverpool dưới thời Jurgen Klopp là bậc thầy pressing. Vì vậy, Barca không thể đem chiếc cúp Champions League về Camp Nou như lời Messi đã hứa hẹn trước mùa giải không phải vì Messi thất hứa mà tại gã khổng lồ xứ Catalonia không đủ khả năng hay Valverde không đủ tầm vóc.
Một thất bại lặp lại và vô hồn, liệu có còn gì nhục nhã hơn?!