"Triệu like" cho hành động: cứ 10 bạn học sinh thì 9 em lễ phép cúi đầu chào bác bảo vệ khi đi qua cổng trường
Những ngày này, đoạn clip ghi lại cảnh học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) lễ phép cúi đầu chào bác bảo vệ thu hút đông đảo lượt quan tâm của cộng đồng mạng.
Đoạn clip kéo dài gần 3 phút, được một phụ huynh là chị Nguyễn Phước An Uyên, 45 tuổi, ở Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh quay lại trong một lần đưa con đến trường.
Clip học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) lễ phép cúi đầu chào bác bảo vệ trật tự thu hút cả triệu lượt xem.
Được biết, chị Uyên có hai người con hiện cũng đang theo học tại mái trường này. Mỗi sáng khi đưa con tới trường, chị thường dõi mắt theo đến khi bóng con bước sâu vào sân trường mới quay xe ra về.
Do vậy, chị thường xuyên nhìn thấy cảnh các học sinh Lê Hồng Phong trước khi bước vào cổng trường đều cúi đầu chào bác bảo vệ một cách trật tự, lễ phép. Hầu như 10 bạn thì hết 9 học sinh có động tác lễ phép này.
Đứng nán lại một lúc, chị quyết định ghi lại khoảnh khắc này và chia sẻ lên trang facebook cá nhân của mình, kèm với dòng cảm thán: "Các con vừa học giỏi, vừa ngoan và lễ phép, thật là đáng khen!"
Ngay sau khi đăng tải lên mạng xã hội, clip này đã nhận được nhiều sự chia sẻ và khen ngợi bởi đây là một hành động đẹp, cần được lan truyền rộng rãi.
Chị Nguyễn Thị Thùy Loan không giấu được cảm xúc: "Ui, đáng yêu quá! Vậy mà có học sinh nhiều trường vừa học thầy cô xong gặp cũng lơ, thậm chí ra cổng các em còn chen lấn xô đẩy cả thầy cô nữa. Clip này nên nhân rộng để học sinh các trường học hỏi".
Facebook Ngọc Anh thì bình luận: "Có tài có đức nữa. Trường Lê Hồng Phong luôn sản sinh ra các thế hệ học sinh đẹp về tài năng lẫn đạo đức".
Đoạn clip này cũng được chia sẻ trước sự trầm trồ, ngợi khen không ngớt của cư dân mạng, khi trẻ em Nhật Bản sau khi băng qua đường có hành động rất đáng trân trọng.
Quả thật, một hành động của các học sinh tuy nhỏ, nhưng đã thể hiện tính cách và lối sống được giáo dục. Câu chuyện về sự lễ phép của các học sinh Lê Hồng Phong khiến chúng ta nhớ đến đến hành động khiến cả thế giới ngạc nhiên của học sinh Nhật Bản: Cúi đầu cảm ơn tài xế lái xe.
Cụ thể, trước đây, khi clip ghi lại cảnh các em học sinh sang đường rồi lễ phép cúi đầu cảm ơn tài xế được chia sẻ, cộng đồng mạng Việt và cả thế giới đã bày tỏ lòng thán phục trước nền giáo dục toàn diện và sâu sắc của Nhật Bản: Nhân cách của con người bắt đầu bằng việc biết "xin lỗi" và biết "cảm ơn".
Khi trẻ em Nhật Bản băng qua đường, tất cả các em đều có hành động rất đáng trân trọng, đó là quay lại và cúi đầu cảm ơn những chiếc xe đã nhường đường cho mình, mặc dù đây là việc họ phải làm khi đèn tín hiệu giao thông đã chuyển sang màu đỏ.
Bài học đơn giản nhất nhưng làm nên nhân cách cho học sinh
Những giá trị to lớn đôi khi được thể hiện chỉ qua những điều nhỏ bé như hành động của các em học sinh tại trường Chuyên Lê Hồng Phong, hay các học sinh tại Nhật Bản...cũng đủ khiến nhiều người bất ngờ và ngưỡng mộ.
Hành vi của mỗi đứa trẻ thể hiện từ những điều rất bình thường, nhỏ nhặt, nhưng lại tác động đến cuộc đời sau này. Do vậy, giáo dục đạo đức cho học trò cần bắt đầu từ những điều giản dị.
Trong cuộc sống, con người có thể hạn chế về mặt kiến thức nhưng có phẩm chất đạo đức tốt, biết cách cư xử hòa nhã với mọi người xung quanh thì vẫn được yêu mến, trọng dụng.
"Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận". Đối với việc rèn luyện học trò, cần tránh lớn tiếng rao giảng những điều cao xa, lớn lao với lứa tuổi hoặc không phù hợp điều kiện sống của con trẻ. Những nhân cách đẹp sẽ tạo ra một thế hệ tốt. Một thế hệ tốt giúp tạo ra xã hội hoàn mỹ.
Và nhân cách đẹp đẽ lại được hình thành xuất phát từ cách giáo dục gần gũi nhất, đó là bài học về chào hỏi, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi.
"Tiên học lễ, hậu học văn" - ở Việt Nam câu nói này là tiền đề dạy cho học sinh. Hay ở Nhật, một đất nước với nền giáo dục phát triển cao cũng vậy, các mục tiêu ứng xử cần giáo dục cho học sinh bằng những hành vi cụ thể để các em áp dụng hàng ngày.
Hãy nhìn vào mắt người khác để chào hỏi – đó là hướng dẫn cụ thể và dễ hiểu cho học sinh Nhật Bản, là sự thể hiện sinh động của việc "chào hỏi bằng cả tấm lòng".
Giao tiếp mắt trong chào hỏi, nói chuyện thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, trao cho nhau sự thân ái, chân thành. Một câu ngắn, một hành động nhỏ nhưng thể hiện tính nhân văn cao của nền giáo dục
Khi được chú trọng uốn nắn từ những việc nhỏ nhất trong ứng xử, dạy kỉ luật bằng tình thường, các em học sinh sẽ dần tự bồi đắp, xây dựng nhân cách tốt đẹp.
Không một xã hội nào, đất nước nào trên thế giới này lại không xem đạo đức, lễ giáo là nền tảng giá trị. Đạo đức luôn là yếu tố cơ bản làm nên một con người.