Cục Đường bộ nói gì về xử lý bất cập trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài?

Anh Trọng |

Liên quan đến thông tin trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài thu vượt khoảng 200 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đăng Tiền Phong ngày 13/10, sau khi bài đăng, Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa có văn bản gửi báo phản hồi về sự việc. Cùng với đó, Cục ĐBVN cũng thông báo về các giải pháp xử lý bất cập tại trạm thu phí này.

Chi phí dự án là hơn 1.200 tỷ đồng

Văn bản do Phó Cục trưởng, Cục ĐBVN Nguyễn Mạnh Thắng ký cho biết, trước khi là trạm thu phí cho dự án BOT đầu tư xây dựng Quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài thu phí nộp ngân sách nhà nước trên tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài (nay là đường Võ Văn Kiệt).

Từ ngày 25/8/2009 Bộ GTVT có quyết định chuyển giao nguyên trạng trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài cho Công ty cổ phần Vietracimex 8 thuộc Tổng Công ty Cổ phần Thương mại xây dựng (nhà đầu tư) thực hiện thu phí dự án BOT.

Đến năm 2013, trên cơ sở ý kiến (phản ứng) của cử tri và UBND thành phố Hà Nội, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất xử lý bất cập tại trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài; Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo: “Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện thu phí hoàn vốn cho dự án xây dựng quốc lộ 2, đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc theo Hợp đồng BOT đã được ký kết với nhà đầu tư ”; do vậy, trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài tiếp tục được hoạt động đến ngày nay.

Cục Đường bộ nói gì về xử lý bất cập trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài? - Ảnh 1.

Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, Hà Nội đang thu phí hoàn vốn cho dự án đường tránh TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Ảnh: Anh Trọng

Đề cập đến tổng mức đầu tư của dự án quyết định phê duyệt, lãnh đạo Cục ĐBVN cho biết, tổng mức đầu tư của dự án là 531 tỷ đồng, giá trị quyết toán xây dựng trong đó có cả lãi vay trong thời gian thi công dự án là hơn 599 tỷ đồng.

Về doanh thu thông qua thu phí hoàn vốn tại trạm Bắc Thăng Long - Hà Nội thời gian qua, lãnh đạo Cục ĐBVN cho biết, tính đến ngày 31/12/2021 trạm thu phí của dự án đã thu được số tiền hơn 777 tỷ đồng. So với tổng mức đầu tư dự án, số doanh thu vượt trên 246 tỷ đồng.

Giải thích cho số tiền vượt này, lãnh đạo Cục ĐBVN cho rằng, đây là dự án mà chi phí lãi vay ngân hàng trong thời gian xây dựng không nằm trong tổng mức đầu tư được phê duyệt; cùng với đó do một số nguyên nhân khách quan, như trong các năm từ 2020 đến cuối 2021, dự án liên tục phải dừng thu phí để phục vụ dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long; thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19; bị người dân phản đối; bị phân lưu lượng xe khi cầu Nhật Tân đi vào hoạt động… dẫn đến doanh thu tại dự án không đảm bảo và bị vỡ phương án tài chính.

Trong khi đó, thời gian này nhà đầu tư (NĐT) vẫn phải chi các khoản tiền theo hợp đồng BOT như lãi vay giai đoạn xây dựng dự án; lãi vay phát sinh giai đoạn khai thác; chi duy tu, sửa chữa thường xuyên; nhân công quản lý, lao động… Tổng số tiền dự án phải chi được tính toán đến tháng 12/2022 phát sinh thêm 656 tỷ đồng; riêng chi phí phát sinh giai đoạn khai thác bị ảnh hưởng bởi các nguyên nhân nêu trên là 446 tỷ đồng. Cộng cả tổng mức đầu tư dự án và tiền chi phí phát sinh, số tiền nhà đầu tư phải thu phí để hoàn vốn cho dự án là 1.255 tỷ. Theo tính toán, đến 31/12/2022 nhà đầu tư đã thu được 859 tỷ, hiện còn 396 tỷ nhà đầu tư đang tiếp tục phải thực hiện thu tiếp.

“Chốt” 3 phương án xử lý bất cập trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài

Đưa ra giải pháp xử lý trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài trong thời gian tới, lãnh đạo Cục ĐBVN thông báo trong văn bản gửi báo Tiền Phong, Cục ĐBVN đã thống nhất với nhà đầu tư đề xuất Bộ GTVT 3 phương án.

Cục Đường bộ nói gì về xử lý bất cập trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài? - Ảnh 2.

Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài đã thu phí trên địa bàn Hà Nội được hơn 13 năm. Ảnh: Anh Trọng

Phương án thứ nhất: Tiếp tục duy trì trạm thu phí tại vị trí hiện nay. Cục ĐBVN thuyết trình cho phương án này, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và NĐT tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan trên địa bàn trạm thu phí để thực hiện việc tuyên truyền, giải thích cho người tham gia giao thông đồng thuận khi qua trạm thu phí, đảm bảo an ninh trật tự.

Phương án hai: Trường hợp phải thực hiện xóa bỏ trạm theo kiến nghị của cử tri, đề nghị Cơ quan có thẩm quyền thực hiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và bố trí vốn ngân sách nhà nước để thanh toán cho NĐT.

Phương án ba: Di chuyển trạm thu phí vào trong phạm vi của dự án (Vĩnh Phúc). Phương án này, Cục ĐBVN cho rằng, Cục đã cùng Sở GTVT Vĩnh Phúc, NĐT kiểm tra hiện trạng tuyến đường thuộc dự án (chiều dài 10,532km); trên tuyến hiện có 10 nút giao kết nối với hệ thống đường bộ, dọc hai bên tuyến tránh từ Km0-Km9+856 thuộc phạm vi đô thị đã được phê duyệt quy hoạch theo các quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc (không thể đặt trạm thu phí trong khu đô thị); từ Km9+856 đến Km10+523 hai bên đường có đường điện cao thế chạy song song và có các nhà máy xí nghiệp đang hoạt động, không có diện tích đất để bố trí đặt trạm thu phí.

“Vì vậy, nếu thực hiện di chuyển trạm vào trong phạm vi của dự án sẽ làm tăng thêm chi phí đầu tư xây dựng trạm mới, đồng thời doanh số thu phí sẽ không đảm bảo phương án tài chính, kéo dài thêm thời gian thu phí; phương án này không khả thi”, lãnh đạo Cục ĐBVN đưa ra nhận xét.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại