Cửa quyền: Phía sau những quyết định gây hoang mang

L.T (tổng hợp) |

Năm 2018, chuyện về một chuỗi siêu thị có quy mô lớn nhất cả nước và một cửa hàng trang sức nhỏ ở Cần Thơ dường như không có chung mẫu số, nhưng hóa ra lại cùng vẽ nên hình ảnh xấu xí tưởng đã mất: Cửa quyền.

Con Cưng: Khi lời nói có hậu quả hủy diệt

Thành lập từ năm 2011, Con Cưng hiện là chuỗi có quy mô lớn nhất trên thị trường với 318 siêu thị trên toàn quốc, bao gồm 288 siêu thị với thương hiệu Con Cưng và 30 cửa hàng ToyCity.

Đây cũng là nhà cung cấp và phân phối các sản phẩm mẹ bé có sự "đỡ đầu" từ nhiều tổ chức đầu tư lớn nước ngoài, với Quỹ Đầu tư tăng trưởng Việt Nam Daiwa-SSIAM II rót vốn, do Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) và Daiwa Corporate Investment Co., Ltd (thuộc Tập đoàn Daiwa Securities – Nhật Bản) đồng quản lý. Nổi tiếng tại khu vực TP HCM và các tỉnh phía Nam, Con Cưng định hình chuỗi ở phân khúc trung cấp, đặt mục tiêu IPO lần đầu vào năm 2020.

Mở rộng nhanh, Con Cưng ghi nhận doanh thu tăng mạnh, nhưng lợi nhuận rất thấp, chỉ bằng chưa đầy 2%. Tuy nhiên, thương hiệu được ủng hộ và có lượng khách hàng thân thiết lớn ở nhiều tỉnh thành, dựa trên quảng cáo về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm chủ yếu tại Thái Lan - C.O vốn được người Việt ưa chuộng.

Tuy nhiên, xuất phát từ cáo buộc của một người tiêu dùng nhất mực cho rằng Con Cưng bán hàng giả xuất xứ Thái Lan do trên nhãn ghi xuất xứ Thái nhưng sản phẩm lại có dấu hiệu đã bị cắt đổi mác khác, cùng áp lực từ phía cư dân mạng, cơ quan quản lý thị trường đã có đợt ra quân rầm rộ để kiểm tra toàn bộ hệ thống siêu thị này.

24 đội quản lý thị trường của Chi cục quản lý thị trường TP HCM đã kiểm tra hơn 70 cửa hàng của Công ty Cổ phần Con Cưng và đã tạm giữ trên 10.000 sản phẩm đồ dùng cho trẻ em do có dấu hiệu vi phạm về ghi nhãn mác, xuất xứ hàng hóa... Trong báo cáo kết luận sai phạm ban đầu, 2 lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) khi đó là ông Nguyễn Trọng Tín và ông Trần Hùng đã khẳng định Con Cưng có 7 hành vi vi phạm, trong đó có hành vi kinh doanh hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm kiểm tra không có hóa đơn chứng từ (tương ứng với kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu).

Ngay lập tức, một làn sóng nghi vấn và tẩy chay thương hiệu bùng nổ trên nhiều kênh truyền thông và mạng xã hội. Mặc đơn vị kinh doanh ra sức thanh minh, thậm chí treo thưởng tiền tỷ nếu có khách hàng nào chỉ ra được sai phạm… nhưng phản ứng tiêu cực từ người tiêu dùng đã khiến Con Cưng rơi vào vòng xoáy khủng hoảng truyền thông và tổn hại thương hiệu khó bù đắp.

Im lặng và thu thập chứng cứ, không đầy một tuần sau, Con Cưng trưng bằng chứng chứng minh sự trong sạch. Hơn 30 đối tác trong và ngoài nước của thương hiệu này đều khẳng định Con Cưng là đơn vị phân phối và bán hàng chính hãng của họ, trong khi nghi vấn về cắt đổi mác được đại diện Con Cưng khẳng định là do sai sót kỹ thuật, không phải hành vi gian dối.

Tới tháng 9/2018, sau hơn 2 tháng diễn ra sự việc ồn ào, cơ quan quản lý cao nhất về Công Thương khẳng định thương hiệu này chỉ có sai sót về kinh doanh, không vi phạm về nguồn gốc hàng hóa, chỉ phải nộp phạt 250 triệu đồng. Ngược lại, hai lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) bị xem xét kỷ luật về mặt đảng.

Tiệm vàng Thảo Lực: Đúng quy trình và những con số mâu thuẫn

Ngày 30/12018, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Cần thơ bắt quả tang ông Lê Hồng Lực (chủ tiệm vàng Thảo Lực, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đang mua 100 USD của anh Nguyễn Cà Rê với giá 2,26 triệu đồng mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Vào thời điểm đó, cơ quan chức năng của tỉnh này chưa đưa ra quyết định xử phạt cả 2 đương sự trong vụ vi phạm.

Cửa quyền: Phía sau những quyết định gây hoang mang - Ảnh 1.

Ngày 4/9/2018, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2283/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính của tiệm vàng, cùng anh Cà Rê. Tổng mức phạt tiền dành cho tiệm vàng là 295 triệu đồng, kèm hình phạt bổ sung tịch thu 100 USD, 20 viên kim cương (hột xoàn) và 19.910 viên hột đá nhân tạo có giá trị gần 550 triệu đồng trong trong ngăn tủ riêng của gia đình chủ tiệm. Anh Cà Rê nhận mức phạt 90 triệu đồng.

Theo các cơ quan quản lý của Cần Thơ, quy trình xử phạt trong trường hợp này là đúng quy trình, đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, mức phạt 90 triệu đồng quá chênh lệch so với quy mô vi phạm của anh Cà Rê khiến cá nhân đương sự này hoảng hốt, khiến truyền thông và giới luật sư lên tiếng.

Trong khi đó, trường hợp ký quyết định khám xét trước 1 tuần bắt quả tang vi phạm, cùng việc thu giữ, sung công quỹ tài sản không sử dụng trong việc kinh doanh đối với tiệm vàng Thảo Lực cũng gây ra những nghi vấn trong hoạt động của cơ quan quản lý.

Trước những phản ứng và kiến nghị của hai bên đương sự, ngày 9/11/2018, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã ký quyết định huỷ bỏ một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngày 4/9, trả lại 70 triệu đồng (số tiền xử phạt về hành vi Kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ), đồng thời hoàn trả 20 viên cương và 19.910 viên hột đá. Riêng cá nhân vi phạm Nguyễn Cà Rê được miễn nộp 90 triệu đồng tiền phạt. 100 USD được xem là tang vật vi phạm, không được trả lại./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại