Lời tiên tri của đạo sĩ
Trần Khai Phúc từ nhỏ đã là đứa trẻ nghịch ngợm. Năm cậu ta 3 tuổi, có một vị đạo sĩ đi ngang qua nhà, nhìn thấy tướng mạo của Khai Phúc mà kinh ngạc. Người này kéo tay cậu bé xem tướng, cuối cùng nói với bố của Khai Phúc vài câu rồi đi.
Nghe lời đạo sĩ, quay sang nhìn con trai, người bố không khỏi kinh ngạc và lo lắng.
Về sau mới biết, vị đạo sĩ kia phán rằng Khai Phúc có số hoạt động xã hội đen, cả đời này cậu bé sẽ khó có thể phát triển theo con đường chính đạo.
Nếu hoạt động xã hội đen, có thể địa vị của cậu bé trong giới sẽ cao. Vị đạo sĩ cũng dặn người bố rằng nếu ông ta tính đúng, sau này cũng không nên cản cấm con, bởi đó là số của cậu bé.
Vị đạo sĩ tiên tri rất chuẩn. Trần Khai Phúc từ nhỏ đã không muốn học tập chăm chỉ, suốt ngày chỉ la cà lêu lổng. Cho đến năm Khai Phúc tốt nghiệp cấp hai, bố cậu không biết đã đánh cậu gẫy bao nhiêu cái roi mây.
Thế nhưng việc này cũng chẳng giúp cải thiện được tình hình. Vừa tốt nghiệp cấp hai, Khai Phúc xách tay nải lên thành phố.
Chuyến đi này, Khai Phúc đã để không biết bao nhiêu tin xấu truyền về đến nhà. Cậu ta đánh nhau, theo một đại ca không rõ lai lịch, bị bắt, cảnh sát gọi điện về nhà thông báo, bố cậu ta phải chạy qua chạy lại mấy đơn vị cảnh sát trên thành phố, về đến nhà không dám ngẩng mặt lên nhìn hàng xóm.
Thoáng cái đã 20 năm trôi qua, Trần Khai Phúc từ một thiếu niên ngỗ ngược đã trở thành một ông chủ có thế lực, chỉ có điều anh ta vẫn hoạt động ngầm, chẳng thể nào gọi là đường đường chính chính.
Thỉnh thoảng, anh ta vẫn được mời đi "uống trà" nhưng số lần ngày một ít đi, những nơi anh ta ghé qua cũng ngày một cao cấp hơn.
Ảnh minh họa.
Từ chỗ là một tên lưu manh nhãi nhép, để có được hôm nay, ngoài sự liều lĩnh, Trần Khai Phúc cũng có một cái đầu hữu dụng. Anh ta kết hôn, sinh con.
Chẳng biết có phải do gene hay không mà con trai anh ta cũng giống hệt như bố ngày nhỏ, nghịch ngợm và nói tục, chẳng màng tới việc học hành tử tế.
Bản thân là một người thô lỗ, Trần Khai Phúc không muốn con mình sau này cũng là một kẻ thô thiển.
Bản thân anh ta sống vài chục năm trên đời cũng quá hiểu nghề mình làm không phải là nghề đàng hoàng đứng đắn. Vì thế, Trần Khai Phúc không muốn con mình giống như cha, cả ngày lo lắng thấp thỏm.
Thế nhưng nghĩ nát óc, anh ta cũng chẳng nghĩ ra cách nào hay để giúp con. Mới học lớp hai mà thằng bé suốt ngày chỉ la cà đuổi gà trêu chó, chẳng màng tới học hành.
Mở cửa hàng bánh bao để "che mắt thiên hạ"
Trong việc làm ăn sau này, có một người hiến cho Trần Khai Phúc một cách, đó là mở một vài cửa hàng bán bánh bao, vờ như kinh doanh chân chính, nếu có người không trả nổi tiền thì thôi, không cần trả, có ăn xin đến xin thì cho người ta, bản thân anh ta cũng chẳng thiếu vài đồng bạc lẻ ấy.
Biết những việc mình làm trước đây đều không đường hoàng, nếu mở vài cửa hàng bánh bao mà có thể đem đến tiếng tốt cho bản thân, có lẽ anh ta sẽ sống thanh thản hơn.
Trần Khai Phúc không thiếu tiền, vì thế anh ta đã mời đến vài đầu bếp làm bánh bao khá lành nghề. Bánh bao của cửa hàng anh ta được mọi người ưa thích, người mua bánh ngày nào cũng xếp hàng dài.
Chẳng mấy chốc mà nhân lực trong cửa hàng không đáp ứng đủ nhu cầu của khách, họ phải tuyển thêm người làm.
Nhưng sau khi nhân viên mới vào làm đã xảy ra chuyện kỳ lạ. Bình thường tổng số lượng bán bánh ra sau khi kiểm kê đều khớp với số bánh đã sản xuất. Thế nhưng từ khi có người mới vào, ngày nào bánh cũng bị thiếu mất vài chục cái.
Ảnh minh họa.
Trần Khai Phúc lấy làm khó chịu. Anh ta không quan tâm đến việc bán bánh bao kiếm ra tiền hay không nhưng anh không chấp nhận việc có nhân viên làm việc khuất tất sau lưng mình.
Trần Khai Phúc quyết định lắp camera giám sát để theo dõi. Hai ngày sau, có người báo cáo với anh ta đã tìm ra người trộm bánh bao nhưng không dám nói tên. Cuối cùng, anh ta bảo Trần Khai Phúc tự đi xem.
Bước ngoặt bất ngờ
Đến lúc xem những bức ảnh được chụp lại từ camera giám sát, Trần Khai Phúc mới hiểu tại sao nhân viên ấp úng không dám nói ra tên của người trộm bánh bao.
Thì ra đó không phải là người làm mà là cậu con trai quý hóa của anh ta. Trần Khai Phúc cảm thấy lạ lắm, con trai nhà mình đâu có thiếu thốn gì, tại sao nó phải ăn trộm bánh bao?
Bao nhiêu thắc mắc không tìm được cách giải thích nào hợp lý, cuối cùng Trần Khai Phúc quyết định theo dõi con để xem rốt cục thằng bé tại sao lại ăn trộm.
Ngày hôm sau, sau khi tan học, cậu bé lặng lẽ vào cửa hàng và lấy vài cái bánh bao rồi vội vã ra khỏi cửa.
Trần Khai Phúc vội chạy theo con qua hết đoạn đường này đến đoạn đường khác, cuối cùng thấy bên đường có vài người ăn xin, cậu bé con anh ta lấy bánh ra chia cho từng người. Chia xong, nó mãn nguyện trở về nhà.
Ảnh minh họa.
Tối đó, Trần Khai Phúc gọi con lại trước mặt mình, hỏi tại sao lại ăn trộm bánh bao. Cậu bé chẳng nói một lời, chỉ nhìn bố một cách ngang bướng. Nhìn bộ dạng của con, Trần Khai Phúc cảm thấy đau đầu, đành phải nhờ đến bố mình nói chuyện với cháu.
Rồi trong cuộc trò chuyện, thằng bé nói thỉnh thoảng nó thấy bố mẹ cho những người ăn xin bánh bao, lại thấy những người ăn xin mỗi lần ăn bánh xong đều phấn khởi vui vẻ, nó nghĩ nhà mình dù sao cũng có tiền nên chắn không bận tâm đến mấy cái bánh bao, vì thế nên nó học và làm theo bố mẹ.
Trần Khai Phúc đốt thuốc lá, trầm ngâm. Vợ anh ngồi bên cạnh mắt đã đỏ hoe từ lúc nào.
Trần Khai Phúc không nghĩ rằng mục đích mở cửa hàng bánh bao vốn là để tăng thêm một lớp vỏ bọc cho mình, những lúc nhạt nhẽo đem vài cái bánh bao cho cánh ăn xin, việc tặng bánh bao cũng là giả dối, nào ngờ hành động đó đã khiến con anh ta chú ý và làm theo với một suy nghĩ hết sức lương thiện và tích cực.
Ngày hôm sau, việc đầu tiên Trần Khai Phúc làm là mở thêm 10 cửa hàng bánh bao nữa trong thành phố, anh trả tiền thì nhận, không trả thì ghi nợ, bao giờ có thì trả.
Với những người ăn xin, người già không người chăm sóc hay trẻ mồ côi, lúc nào ghé cửa hàng cũng đều nhận được vài cái bánh bao miễn phí nóng hổi mang về.