Nga lại gặp khó
Sau cuộc họp giữa các quan chức hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ với những người đồng cấp Nga, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đóng cửa không phận đối với các máy bay dân sự và quân sự của Nga chở binh sĩ tới Syria.
Quyết định sẽ có hiệu lực trong ba tháng.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết các máy bay quân sự của Nga sẽ không thể quá cảnh qua đất nước này trên đường tới Syria, nơi Moscow đã đóng vai trò quan trọng trong việc ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Sau khi không phận Thổ Nhĩ Kỳ bị đóng cửa, máy bay Nga sẽ chỉ có thể đi qua Iran và Iraq để tới Syria.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ chặn máy bay Nga bay tới Syria là một động thái có tính toán nhằm duy trì chiến lược cân bằng của nước này, các chuyên gia nhận định.
Samuel Ramani, cộng sự tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, nói rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ chặn các chuyến bay của Nga đến Syria phản ánh sự bất bình của nước này trước các bước đi gần đây của Nga ở Biển Đen.
"Thổ Nhĩ Kỳ coi mình là một cường quốc ở Biển Đen và sẽ coi sự phá vỡ cân bằng địa chính trị lớn như vậy trong khu vực là rất có vấn đề", ông nói với Arab News.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng dựa vào Công ước Montreux để hạn chế tàu chiến Nga đi từ Biển Đen đến Địa Trung Hải.
Theo Ramani, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang phải đối mặt với nhiều áp lực hơn từ Mỹ và EU trong việc đứng cùng mặt trận chống Nga mà nước này cho đến nay vẫn miễn cưỡng. Ông nói thêm rằng động thái mới của Thổ Nhĩ Kỳ là "một cách tốt" để củng cố cam kết với các nỗ lực của NATO nhằm chống lại Nga.
"Không rõ liệu động thái này về cơ bản có thay đổi mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, đặc biệt là ở Idlib, nơi các cuộc tuần tra chung đang diễn ra hay không", Ramani nêu quan điểm.
"Cho đến nay, các phương tiện truyền thông và các quan chức Nga tương đối im lặng về diễn biến mới, điều này cho thấy rằng họ đang hy vọng vấn đề sẽ qua đi".
Thổ Nhĩ Kỳ muốn gì?
Emre Ersen, chuyên gia về quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ từ Đại học Marmara ở Istanbul, nói rằng mặc dù Ankara đã tránh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhưng nước này vẫn có quan điểm ủng hộ phương Tây.
"Quyết định mới nhất có thể được hiểu là một dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với phương Tây, vốn chỉ trích quan điểm trung lập của Ankara liên quan đến các lệnh trừng phạt chống Nga", ông nói.
Ersen nhấn mạnh, mặc dù động thái của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến Nga khó chịu vì nước này ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế, nhưng kết quả là Moscow khó có thể xa lánh Ankara.
"Syria đã trở thành mục tiêu thứ yếu về mặt chính sách đối ngoại của Nga trong vài tháng qua khi nước này đang bận rộn với những mối lo khác. Đây cũng là lý do tại sao Nga có thể sẽ chờ xem tác động của quyết định từ Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào".
Về phần mình, Karol Wasilewski, Giám đốc Cơ quan Phân tích NEOSwiat, cho biết động thái này có liên quan nhiều hơn đến tương tác của Nga-Thổ ở Syria.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ hạn chế tàu chiến Nga là một tín hiệu rõ ràng cho Moscow thấy rằng Ankara có ý định đánh vào lợi ích của nước này ở Syria, Wasilewski nói.
"Đúng là Nga hiện đang gặp nhiều vấn đề nhức nhối hơn, nhưng Syria luôn là vấn đề mà các nhà hoạch định Nga coi là quân bài để sử dụng trong cuộc thương lượng lớn với Mỹ", ông nói.
Wasilewski nói thêm rằng các tín hiệu của Thổ Nhĩ Kỳ về Syria là "đáng lo ngại" đối với Nga, vì chúng làm suy yếu khả năng của Moscow trong việc sử dụng Syria như một con bài thương lượng với Mỹ.
"Điều này không chỉ nhằm mục đích đánh lạc hướng những người ra quyết định của Nga mà còn buộc họ phải suy nghĩ lại về chiến lược lớn của mình".\
Trong khi đó, tờ Financial Time cho biết, Ankara đã từ chối cho phép quân đội Nga sử dụng không phận của mình ở Syria từ lâu, nhưng quyết định đóng cửa hoàn toàn và tuyên bố công khai đã đánh dấu một sự leo thang đáng kể.
Aaron Stein, giám đốc chương trình Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, cho biết Mỹ và các quốc gia khác đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng đòn bẩy đối với Moscow ở Syria và gia tăng sức ép lên Tổng thống Putin.
"Phải mất một thời gian để Ankara vào cuộc, nhưng sau gần hai tháng, Ankara mới thực hiện một bước nữa để siết chặt Moscow ở Syria".
Trong tuần này, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động một cuộc tấn công mới nhằm vào các tay súng người Kurd ở miền bắc Iraq. Giới quan sát tin rằng, Ankara có thể tìm cách sử dụng đòn bẩy của mình đối với Nga để bật đèn xanh cho một chiến dịch tương tự ở miền bắc Syria.