Thích kinh doanh nhờ tuổi thơ bán rau cùng bố mẹ
Đôn Văn Đại (SN 1991, Hà Nội) có một tuổi thơ khá nhọc nhằn. Cuộc sống của cả gia đình Đại phụ thuộc vào quầy hàng rau, thịt của bố mẹ ngoài chợ. Mỗi ngày từ 3 giờ sáng, bố mẹ Đại đã phải dậy sớm đi lấy hàng về bán và Đại “phụ trách” quầy hàng lúc 5 giờ.
Suốt quãng thời gian đó, cậu bạn quen thuộc với lịch trình: Trông quầy lúc 5 giờ, phụ bố mẹ bán hàng rồi mới cắp sách đến trường.
"Ngày nào bố mẹ cũng bán từ 5 giờ sáng đến đêm, có khi ngủ lại ở sạp hàng nên mình cố gắng phụ giúp. Lúc còn nhỏ, mình chỉ ước muốn sớm đi làm, có thật nhiều tiền giúp bố mẹ", Đại tâm sự.
Từ những công việc bán rau, bán thịt hàng ngày, Đại ham muốn được tự mình kinh doanh những mặt hàng quần áo, dù lúc đó ước mơ ấy quá xa vời.
Rồi khi học lớp 12, Đại dự định thi vào Đại học kinh doanh và công nghệ Hà Nội. Nhưng vì điều kiện gia đình không cho phép rồi bố mẹ tác động và định hướng thi vào Đại học công nghiệp, Đại miễn cưỡng thuận theo ý gia đình chọn ngành…Cơ khí để theo học.
“Lúc đó, thực sự mình không muốn thi vào ngành Cơ khí này chút nào, vì nó không hề liên quan gì đến đam mê kinh doanh của mình. Nhưng khi bố mẹ tâm sự và mong mỏi, mình cũng bị xiêu lòng và cố thi để bố mẹ khỏi buồn”, Đại chia sẻ.
Từ việc phụ mẹ bán hàng, chàng trai sinh năm 91 này đã bắt đầu yêu thích kinh doanh và muốn tự mình làm chủ.
Vừa học Đại học, anh chàng vừa làm thêm tại quán bia. Sáng lên giảng đường, chiều làm phục vụ, Đại dần dần có thể tự trang trải chi phí cho bản thân mà không cần sự “viện trợ” từ phía bố mẹ.
Trải qua năm nhất đầy khó khăn, Đại nhận ra rằng mình đã chọn sai con đường và thực sự không muốn gắn bó với việc học đầy mơ hồ này.
Anh chàng không tìm nổi cho mình sự ham mê, một định hướng rõ ràng, chỉ biết học theo mong muốn của bố mẹ dù không xác định được mình sẽ làm gì trong tương lai. Đại quyết định về quê và xin bố mẹ…nghỉ học.
Ngay khi đưa ra quyết định này, anh chàng đã phải hứng những phản đối gay gắt từ bố mẹ. Cả gia đình không một ai đồng ý, vì mọi người đều quan niệm “Đại học là con đường dẫn đến thành công”.
Sau khi thuyết phục, tranh cãi, thậm chí đòi bỏ nhà đi, Đại vẫn không thể có một cái gật đầu chấp nhận của bố mẹ. Anh chàng miễn cưỡng thỏa hiệp, khăn gói lên Hà Nội tiếp tục theo học.
“Lúc đó, thỏa hiệp với bố mẹ an tâm chứ mình không học nữa, bỏ giảng đường đến quán bia làm cả ngày luôn. Mọi người ở quê ai cũng nghĩ mình đã thông suốt đầu óc rồi, nhưng thực sự đam mê kinh doanh quá lớn, mình không dừng lại được.”
Tuy vậy, công việc phục vụ bàn cũng khiến Đại “khóc ròng”. Nhiều lần khách say xỉn, đập phá quán, anh chàng phải vào can ngăn và hứng chịu đòn của khách. Có lần, vì giảng hòa khách mà Đại bị đánh, thâm tím hết cả mặt mày.
“Làm quán bia, mình không còn có thời gian nghỉ ngơi và gặp gỡ bạn bè, bị phụ thuộc quá nhiều vào thời gian làm việc tại quán, nhưng đó chỉ là công việc tạm thời. Sau thời gian suy nghĩ cẩn thận, mình tìm đến con đường kinh doanh quần áo", Đại trải lòng.
Chuyển cửa hàng 4 lần, thu nhập 150 triệu/tháng
Ban đầu, Đại kinh doanh quần áo online do được bạn bè chỉ bảo. Tuy nhận thấy công việc có lãi nhưng vì nhập hàng với số lượng nhỏ, công thêm vốn kinh nghiệm quá ít ỏi khiến Đại không trụ được lâu.
Xin kinh phí mở cửa hàng, một lần nữa Đại bị bố mẹ ngăn cản, phản đối quyết liệt. Không thể tin tưởng con trai sau lần bỏ học đi làm, bố mẹ anh chàng quyết định không cho tiền kinh doanh, nhất quyết không nhân nhượng.
Xoay sở nhiều cách, Đại đành đi mượn 50 triệu từ họ hàng, người quen để mở cửa hàng tại quê nhà.
Quyết định của Đại không được bố mẹ ủng hộ
Mấy tháng đầu làm ăn thuận lợi, nhưng càng ngày lượng hàng bán ra càng hạn chế, Đại nghĩ cách làm mới kinh doanh. Sau khi đi tìm hiểu, khảo sát khách hàng, anh chàng quyết định chuyển cửa hàng. Tính đến thời điểm hiện tại, Đại đã 4 lần chuyển cửa hàng, từ quê ra phố.
“Mình nhận thấy sự tác động tích cực của Internet trong việc buôn bán nên đã đăng tải thông tin lên Facebook. Sau đó, mình lập fanpage để kinh doanh và ngày càng nhận được sự quan tâm của dân mạng", Đại tâm sự.
Đại vừa kinh doanh online vừa mở cửa hàng nên khối công việc “khổng lồ” luôn đè nặng lên vai của chàng trai sinh năm 1991 này. Không những tự mình đến tận nơi lấy hàng, Đại đảm nhận luôn việc ship hàng đến các địa chỉ tại Hà Nội.
Dù đã cố gắng rất nhiều, công việc kinh doanh dường như vẫn còn chậm hiệu quả. Lúc này, Đại quyết định đi làm nhân viên tại một cửa hàng quần áo có tiếng tại Hà Nội, vừa học hỏi cách kinh doanh của họ, đồng thời tìm hiểu nguồn hàng nhập.
“Mình vừa làm chủ, vừa làm nhân viên luôn. Cảm giác cũng khá lạ, nhưng mình thấy rất thú vị vì học hỏi được nhiều, giúp cửa hàng mình phát triển hơn”.
Sau 3 tháng đi làm thuê, Đại biết đến những địa chỉ đỏ nhập hàng xịn mà giá phải chăng. Anh chàng lặn lội sang tận Trung Quốc, tìm đến những cửa hàng bán đồ uy tín tại nước bạn để nhập hàng về.
Dù đã có chỗ đứng trong việc kinh doanh quần áo, Đại vẫn thường xuyên “dính” phải những câu chuyện oái oăm
“Hồi cửa hàng mình ở Hà Đông, mình nhận được đơn đặt hàng 2 triệu từ một khách hàng ở Cầu Giấy. Đi đến ngõ nhỏ, cậu khách hàng này đòi mở ra mặc thử, kiểm tra sản phẩm.
Lúc đó, kinh nghiệm còn non nên mình không mảy may suy nghĩ, cứ để mặc cho cậu này vào trong nhà thay đồ.
Đợi lâu quá không thấy ra, linh cảm không lành, mình bấm chuông vào nhà đó thì phát hiện đây không phải là nhà cậu kia. Lúc đó, tiếc đứt ruột 2 triệu nên nghe lời bác chủ nhà kia đi báo công an.
Mình thấy kinh doanh online là vất vả hơn cả. Nhiều khách, nhất là khách hàng ở tỉnh lẻ rất khó để giao hàng.
Nhiều trường hợp vì không ưng, không có đủ tiền nhận hàng hay thậm chí là đặt hàng chỉ để trêu đùa, mua vui khiến hàng gửi đi nhưng gửi trả lại rất nhiều, số tiền trả cho gửi hàng tại bưu điện cũng ngốn của mình hàng chục triệu mỗi tháng", Đại tâm sự.
Ngoài kinh doanh quần áo, Đại cũng rất liều lĩnh khi mở một nhà nghỉ ở quê để bố mẹ kinh doanh cho đỡ vất vả.
Với thu nhập khoảng 150 triệu/tháng, Đại là gương điển hình cho nhiều bạn trẻ mong muốn, đam mê khởi nghiệp kinh doanh, dám làm và dám chịu trách nhiệm với quyết định của bản thân.
Chia sẻ về cảm xúc hiện tại, Đại vui vẻ nói: “Mình đã có thể lo được cho bố mẹ, không để bố mẹ phải vất vả kiếm tiền ngoài chợ nữa.
Đó cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất của mình. Hi vọng trong tương lai, mình sẽ mở thêm được nhiều cửa hàng nữa để phát triển kinh doanh.”