Được chia sẻ trên mạng xã hội cách đây không lâu, bức ảnh một cậu bé cầm tấm biển xin lỗi giữa đường đã nhanh chóng hút mọi sự quan tâm và tò mò của người xem.
Tấm biển cậu bé cầm có ghi dòng chữ: "Tôi tên là Đức. Vì tôi mải chơi game, lười học, lười lao động nên tôi bị phạt như thế này".
Hình ảnh cậu bé cầm biển xin lỗi giữa đường khiến nhiều người không khỏi tò mò.
Không chỉ có cậu bé mà mẹ cậu cũng cầm một tấm biển giữa đường, kêu gọi các bậc phụ huynh dành nhiều thời gian quan tâm tới con em mình hơn nữa.
Người phụ nữ này cho rằng đời người sợ nhất là con hư. Theo người chia sẻ thì những bức ảnh nói đến được chụp tại Hưng Yên.
Mẹ cậu bé cầm biển: "Hãy dành thời gian để ý quan tâm đến con. Đừng để con hư tôi. Đời người sợ nhất là con hư".
Những hình ảnh này sau đó đã trở thành đề tài tranh luận trái chiều cực sôi nổi trên mạng xã hội, nhiều người đặt ra câu hỏi "liệu đây có phải là cách hiệu quả để dạy bảo con em mình?".
"Mình không ủng hộ cách làm này của bà mẹ lắm. Nếu con hư, con lười học vì mải chơi game thì có nhiều cách để giáo dục con, cho con tham gia nhiều hoạt động công ích, tình nguyện cũng là 1 cách giúp con.
Còn bắt con cầm biển giữa đường như thế này nhiều khi phản tác dụng, làm con xấu hổ với mọi người xung quanh, sau này có thể sợ hay ngại gặp mọi người, biến con trở thành đề tài bàn luận của số đông.
Nói chung mình không đồng tình", thành viên Anh Thắng bình luận.
Đồng quan điểm, thành viên Hải Yến cũng cho rằng việc giáo dục con bằng cách xin lỗi giữa đường như thế này nhiều khi sẽ phản tác dụng, ảnh hướng xấu tới suy nghĩ và hành động của con sau này:
"Làm như vậy cậu bé sẽ xấu hổ không dám nhìn ai nữa khi ra đường, xấu nhất có thể dẫn tới căn bệnh tự kỷ, trầm cảm. Dạy con biết xin lỗi là tốt nhưng có nhiều cách để xin lỗi mà vẫn có hiệu quả".
"Một người biết cách xin lỗi là điều đáng được hoan nghênh, trân trọng, nhưng đó phải là lời xin lỗi một cách tự nguyện và người đó phải biết sửa sai thì lời xin lỗi đó mới có tác dụng.
Chứ nếu một người bị ép phải xin lỗi và xin lỗi theo cách cầm biển giữa đường, nhận những ánh mắt tò mò, chỉ trỏ của người đi đường như thế này thì lời xin lỗi sẽ không có tác dụng tốt.
Mình cũng không tán đồng cách dạy con của người mẹ này", thành viên Kiên Quyết bình luận.
Trái với những ý kiến trên, thành viên Mai Hạnh lại cho rằng: "Tôi hoan nghênh cách làm của bà mẹ này, để con sau này mỗi khi lười học mải chơi sẽ nhớ tới ngày trước từng phải cầm biển xin lỗi. Việc này sẽ giúp con điều chỉnh các hành động của mình trong tương lai".
"Mình không chỉ trích hay chê trách gì cách làm của bà mẹ trong ảnh. Cách dạy bảo nào cũng có 2 mặt của nó, mỗi bậc phụ huynh đều lựa chọn cho mình cách dạy con một cách tốt nhất và hiểu quả nhất đối với con em mình trong từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể.
Mọi người có thể thấy không chỉ cậu bé mà người mẹ này cũng tự cầm biển nhắc nhở các bậc phụ huynh khác dành nhiều thời gian quan tâm tới con, đừng có rơi vào trường hợp giống chị.
Con bị người đi đường chỉ trỏ, bàn tán và mẹ cũng bị như vậy.
Tôi tin cậu bé sau khi thấy mẹ mình như vậy sẽ có suy nghĩ khác, sẽ thay đổi tích cực để mẹ không bao giờ cảm thấy xấu hổ mà luôn phải tự hào vì có một người con như cậu", thành viên Quỳnh Liên bình luận.