Những ngày qua, bỗng dưng lời ví von "Đàn ông về nhà chỉ có ăn - tắm - ngủ thì khác gì con lợn!" của nhà văn Trang Hạ đã chìm lắng sau 2 năm bỗng dưng trở lại với sự quan tâm lớn của dân mạng.
Đặc biệt là đấng mày râu khi họ lại bị ví với một loài vật mà từ trước đến nay chẳng được xem là cao sang. Nhiều người đã lên tiếng để tự bào chữa cho chính mình rằng, họ không là "con lợn".
Nhưng theo góc nhìn của một nhà báo, Nguyễn Thị Thuý Huệ đã đưa ra cho người xem thấy nhiều điều để hiểu rõ hơn ngọn ngành nhận định của nhà văn Trang Hạ.
Cùng với đó, cô cho rằng, chỉ những người "có tật thì mới giật mình". Sau đây, chúng tôi xin trích nguyên văn dòng chia sẻ của nhà báo Nguyễn Thị Thuý Huệ trên trang cá nhân của cô.
" Có tật, giật mình." - Tôi đứng về phía Trang Hạ.
Tôi đọc nhiều bài viết của Trang Hạ. Tôi thích cô. Đó là một người phụ nữ mạnh mẽ, sắc sảo. Ngôn từ đôi khi có phần ngoa ngoắt nhưng đó chính là một Trang Hạ hiện đại.
Trên con đường tìm đến sự công bằng giới cô là một trong những người đấu tranh tích cực. Tôi vẫn thường nói với bạn bè: nếu có nhiều nhà văn, nhà báo, nhiều phụ nữ như Trang Hạ thì con đường đến với sự bình đẳng sẽ rút ngắn.
Trang Hạ đang bị "ném đá" , bài biết này tôi không dám "đỡ đạn" cho cô nhưng tôi thấy cần phải lên tiếng dưới góc độ vừa là đồng nghiệp, vừa là đồng giới.
Trước hết về hoàn cảnh của câu nói bị ném đá. Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần bài trả lời phỏng vấn của cô. Rất hoạt ngôn. Thông minh và cá tính.
Điều đáng buồn ở đây là một bộ phận người đọc không đọc hết bài mà chỉ đọc tít bài nên mới có những cái hiểu sai lệch ý của người được phỏng vấn.
Nhiều người trong chúng ta vẫn "mắc bệnh" nhìn hiện tượng để nói sự việc, chưa kể đám đông những người thích "ném đá hội đồng", thích "đánh tập thể". Tôi nhớ thầy giáo dậy Văn của tôi khi giảng cho học sinh về phân tích Văn, Thơ, thầy luôn nhấn mạnh phải đặt câu Văn, câu Thơ ấy trong hoàn cảnh nói, hoặc viết.
Tôi thấy sau vụ việc Trang Hạ bị ném đá hay rất nhiều vụ việc khác như Bức ảnh của Hoa hậu Kì Duyên với người Giáo sư cao niên bị đem ra mổ xẻ ...thì thấy đằng trình độ đọc và cảm nhận của độc giả đang có rất nhiều vấn đề...
Trở lại câu nói trong bài phỏng vấn của Trang Hạ: ... Đàn ông về nhà chỉ có ăn - tắm - ngủ thì khác gì con lợn! Muốn chứng minh được vợ chăm sóc không phải như...chăm lợn , thì các ông hãy xắn tay rửa bát đi. Tôi cho rằng câu nói này chẳng có gì sai.
"Con lợn" hay "chuyện rửa bát" chỉ là hình ảnh mà Trang Hạ muốn ví von mà thôi. Con lợn đâu chỉ phải là con lợn. Mà chuyện rửa bát đâu chỉ nằm ở việc rửa bát! ...
Tôi thấy sau bài phỏng vấn của Trang Hạ, có nhiều người đàn ông, có những người khá nổi tiếng "nhẩy dựng" lên như phải bỏng, hay như đỉa phải vôi vậy. Rồi có những người bắt đầu "khoe khoang" ta kiếm tiền, ta về nhà rửa bát hay thậm chí cả cọ toa lét cho vợ... Thật lố bịch hết sức!
Các cụ xưa nay có câu: có tật thì giật mình. Tôi thiết nghĩ nếu là người hiểu vấn đề sẽ không phản ứng thái quá như thế. Những ông chồng biết chia sẻ với vợ việc nhà thì không cùng dòng "lợn" rồi thì đâu phải là những người Trang Hạ hay phụ nữ chúng tôi nói đến mà chỉ có những con lợn... giật mình.
Trên thực tế, cũng có rất nhiều những con lợn. Đó là những con người lãnh cảm, không biết sẻ chia ngay cả với người thân yêu - là mẹ, là vợ, là con mình. Khi nói đến việc rửa bát là Trang Hạ muốn nói đến những công việc trong gia đình chứ không chỉ đơn thuần là việc rửa bát.
Trong thời đại hiện nay, người phụ nữ vượt ra ngoài việc bếp núc, họ gánh vác nhiều công việc xã hội và cùng chồng lo kiếm tiền thì việc đàn ông rửa bát cùng làm việc nhà với vợ Âu là việc bình đẳng! Còn bình đẳng như thế nào thì phụ thuộc vào mỗi gia đình, phụ thuộc vào trong cách hiểu của mỗi chúng ta.
Là đồng nghiệp, tôi muốn khẳng định lại là câu nói của Trang Hạ chẳng có gì phải ném đá, chỉ những người trình độ có hạn, cách hiểu có hạn mới không hiểu hết câu nói ví von hơi có phần ngoa ngoắt ấy.
Là người phụ nữ, tôi chỉ muốn gửi thông điệp đến những người khác giới xin hãy là người chăn lợn chứ đừng là những con lợn!