Ngày hôm nay, cư dân mạng đang rất quan tâm đến câu chuyện đi làm thêm của một cậu bạn sinh viên.
Theo như lời kể với giọng điệu khá bức xúc của cậu bạn này trên Facebook cá nhân, thay vì mức lương hơn 1 triệu 1, cuối tháng chỉ nhận được 149k vì bị trừ đi khá nhiều khoản như: Nghỉ không phép, phải đền tiền hàng bị mất, để khách vào tiệm hút thuốc. Dễ thấy các lỗi bị trừ tiền đều... khá hợp lý.
Tuy nhiên, giọng điệu của cậu bạn này lại có phần không phục và thậm chí là thiếu lễ phép.
Câu chuyện xuất phát từ dòng status của Facebook N.T.L. Theo lời L. thì cửa hàng không có thông báo trước nhưng vẫn trừ 200k/ngày nghỉ không phép của nhân viên.
Tiếp nữa, "xúc xích của cửa hàng nhập số lượng hơn 600 trong web để bán, mỗi ngày mang lên cửa hàng 20 cái, bây giờ bị lủng 122 cái mà giá nhập vào 4k/1c, bây giờ bắt nhân viên đền với giá 10k/1c."
Bên cạnh đó, L nhận xét rằng bánh bao cửa hàng này bị "ôi thiu, chua", "nước để hấp bánh bao nó còn đóng cả váng" và thái độ của chủ không mấy thiện cảm: "Bán cái gì cũng đắt, khách hàng chê nhân viên góp ý thì bảo kệ mình bán kiểu lẻ mua thì mua không mua thì thôi."
Kết lại status cậu bạn này còn chia sẻ thêm cửa hàng này bán một ngày không nổi 500k tiền hàng, "bảo sao lấy tiền của nhân viên để bù lại tiền hàng, đúng là làm ăn kiểu vớ vẩn".
Được biết đây là một cửa hàng tiện lợi nằm trên phố Nguyễn Khuyến. Dựa theo hình ảnh chụp lại phong bì trả lương thì số tiền L bị trừ như sau: 1152-800-100-175+72=149k.
Trong đó, L bị trừ 4 ngày không phép là 800k, 175k tiền xúc xích bị thiếu, 100k tiền để khách hút thuốc trong cửa hàng. Kết quả là từ số lượng 1 triệu 152k/ tháng, cậu bạn này chỉ nhận về 149k.
Một nhân viên khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Theo những gì ghi trên phong bì thì nhân viên này đã bị trừ 4 ngày không phép là 800k; để cửa hàng có gạt tàn thuốc từ 100k; để mất xúc xích trừ 175k; đi muộn trừ 240k.
Cuối tháng từ mức lương 1 triệu 926k, nhân viên này chỉ nhận được 611k vì bị trừ tiền.
Câu chuyện này sau khi được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội đã thu hút rất nhiều bình luận.
Theo lời kể từ phía L, có khá nhiều ý kiến nhận xét rằng chủ cửa hàng này như vậy là không được thì tự ý trừ tiền mà không có thông báo, đã vậy số tiền bị trừ là quá nhiều so với tổng tiền lương cho nhân viên.
Đó là chưa bàn tới thái độ "đuổi khách" và bán đồ ăn không đám bảo chất lượng, vệ sinh không sạch sẽ cho khách hàng. Cùng với đó là khuyên L nên nghỉ việc bởi số tiền này quá bèo bọt, không đủ tiền đổ xăng.
Trước những ồn ào trên, chúng tôi đã tìm tới tận cửa hàng nơi bạn L làm việc.
Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Thu Trang, chủ cửa hàng cho biết: "Những điều bạn L. nói hoàn toàn không đúng sự thật. Đó là những lời vu cáo phía cửa hàng hoàn toàn không có cơ sở".
Chị Trang cho hay, trên camera cửa hàng ghi rõ lại hình ảnh bạn L. rủ bạn bè đến cửa hàng chơi và hút thuốc lá chứ không phải đó là khách mua hàng.
"Tuy nhiên, khi hỏi lại thì bạn L. một mực chối đó là khách đến mua hàng. Dù camera đã cho thấy, khách ngồi "chém gió" với bạn ý rất lâu nhưng bạn này vẫn còn chối cãi.
Không phải một lần mà rất nhiều lần bạn ý làm như vậy".
Về khoản tiền lương, chị Trang lý giải, tháng 2 chỉ có 28 ngày làm việc, trừ đi 6 ngày nghỉ Tết, còn lại 22 ngày.
"Tuy nhiên bạn L. đã tự ý nghỉ và chỉ đi làm 16 ngày. Những ngày bạn ấy nghỉ, bạn ấy tự ý đóng cửa hàng, không báo cáo với chủ, gây tổn hại lớn cho cửa hàng".
Với chi tiết L. chỉ nghỉ không phép 4 ngày, nhưng số tiền bị trừ lên đến 800k (tương đương 200k/ngày công) là quá nhiều, chị Trang cho biết đây là quy định của cửa hàng, và chị đã trao đổi trước với các nhân viên, cũng như bản thân các bạn đã đồng ý với quy định này trước khi vào làm việc.
Được biết, quy định này được đặt ra để tránh việc các bạn nhân viên tự ý nghỉ, không mở cửa hàng dẫn đến việc đóng/mở cửa thất thường, gây mất uy tín với khách.
Chị Trang cũng cho biết, lịch làm việc của bạn L. những hôm làm ca sáng sẽ bắt đầu từ 6h. "Tuy nhiên, trên camera ghi lại rất rõ đến 8h49 phút, cửa hàng vẫn đóng và không thấy bạn L. đế làm việc".
Về chi tiết lò nướng bánh bao bị hoen rỉ, chị Trang khẳng định chuyện này không hề có. "Lò nướng bị bẩn là do bạn ý không chịu lau dọn dù đó là quy định ngay từ đầu mà tôi đã nhắc nhở bạn L. Hơn nữa, bánh bao của chúng tôi bán rất chạy, không có chuyện bị ôi thiu".
Còn chuyện xúc xích bị mất và chủ cửa hàng bắt phạt 10k/chiếc, chị Trang cho biết đó là xúc xích nhập khẩu từ Thái Lan, giá gốc từ bên đó đã là 8.000 đồng/chiếc.
"Đó là chưa tính công vận chuyển về Hà Nội. Vì thế, mức giá 4.000 đồng mà bạn L. đưa ra là không đúng, mục đích bôi nhọ cửa hàng.
Tiền xúc xích chỉ phạt bạn L. một phần, còn lại chia đều cho 7 người do cùng làm mất mà không truy được là ai làm nên chia phạt đều nhau. Mọi chuyện không giống như bạn L. nói là đem 122 cái đổ hết lên đầu bạn ấy".
Chị Trang cũng khẳng định, toàn bộ quy định về tiền phạt khi đi làm muộn hoặc nghỉ không phép đã được thông báo ngay từ đầu và bạn L. đã chấp nhận quy định ấy. "Bạn ấy đã làm ở đây 4 tháng rồi.
Tại sao đến tháng cuối cùng mới lên tiếng. Bởi vì bạn ấy làm sai, bạn ấy bị phạt thì lại nghĩ là mình oan uổng, thậm chí còn lên tiếng tố ngược cửa hàng làm ăn vô đạo đức.
Điều ấy khiến tôi cảm thấy rất ấm ức. Từ sáng tới giờ tôi cũng nhận được nhiều lời đe doạ thậm chí mạt sát rất vô lý theo kiểu phong trào của cư dân mạng.
Tôi sẵn sàng đối chất vấn đề này đến cùng với bạn L. nếu bạn ấy còn tiếp tục có những lời lẽ cáo buộc vô lý về cửa hàng và thái độ đối xử với nhân viên của chúng tôi".
Ngày càng có nhiều bạn trẻ đi làm thêm bên cạnh việc học để tích luỹ thêm kinh nghiệm và kiếm thêm tiền để chi tiêu.
Mức lương bán hàng hay phục vụ ở các quán cafe, cửa hàng đồ ăn nhanh mỗi tháng tuy không quá cao (thường tính theo giờ, khoảng 10-12k/h) nhưng đó chính là công sức và thời gian mà chính các bạn bỏ ra. Làm công ăn lương, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít.
Hơn thế nữa, bất cứ nơi làm việc nào cũng đều có kỷ luật và nội quy riêng.
Trong câu chuyện này, có thể thấy L. đã nghỉ mà không xin phép, đồng thời mắc lỗi, chưa làm tròn công việc của mình.
Thế nhưng khi nói chuyện với chủ cửa hàng và phán ánh câu chuyện, bản thân L. cũng không được lễ phép ngay cả khi đó là lỗi của mình.
Mặc dù cách xử lý của chủ cửa hàng có thể gây ấm ức cho nhân viên và khiến người ngoài hiểu sai, nhưng nếu thái độ của L. đúng mực hơn khi trao đổi, góp ý thì có thể câu chuyện đã không ồn ào và gây tranh cãi như thế này.
Điều này thực sự khiến mọi người đặt ra câu hỏi về thái độ và cách làm việc của các bạn trẻ khi đi làm thêm ở thời điểm bây giờ.