Sau khi bộ ảnh “Gà trống” được đăng tải tháng 8/2014 và nhận được sự quan tâm, đồng cảm sâu sắc của cộng đồng mạng, tháng 10/2014, nhiếp ảnh gia Tâm Bùi tiếp tục hoàn thành bộ ảnh với hai nhân vật mẹ - con được anh đặt tên là “Gà mái” .
Tiếp nối thành công của hai bộ ảnh trên, ngày 15/12, Tâm Bùi tiếp tục tung ra bộ ảnh "Daydreamers - Những kẻ mộng mơ" và gây xúc động mạnh cho người xem.
Họ & tên: Bùi Thanh Tâm
Ngày sinh: 10/2/1985
Tốt nghiệp khoa Đông Phương Học, ngành Hàn Quốc Học của trường ĐH KHXH&NV TP.HCM
Sở thích: Chụp ảnh, du lịch, âm nhạc, phim ảnh
Những nơi đã tới: Campuchia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Đô, Nepal,…
Những nơi sẽ đặt chân tới: Châu Âu hoặc Châu Phi
Châm ngôn sống: Never too late, never too soon/Chẳng có gì là quá sớm, cũng không có gì là quá muộn
Tự miêu tả về bản thân: I’m a world traveler/Tôi là người du hành thế giới
Chào nhiếp ảnh gia Tâm Bùi, vừa qua, cả 3 bộ ảnh “Gà Trống”, “Gà Mái” và “Daydreamers” của anh đều nhận được nhiều đồng cảm và phản hồi tích cực từ mọi người. Cảm giác của anh lúc này thế nào?
Chỉ một từ thôi, đó là “vui”, vì công sức của mình và ekip đã được đón nhận.
Thực sự thì ngay khi hoàn thành bộ ảnh đầu tiên, tôi chỉ nghĩ đó là món quà cho bạn bè, người thân của mình thôi, nhưng không ngờ nó lại được nhiều người đón nhận như vậy.
Tôi cũng nói thêm, "Daydreamers - Những kẻ mộng mơ" là bộ ảnh cuối trong bộ 3 đó.
Cơ duyên nào khiến anh muốn gắn bó với chiếc máy ảnh và nghệ thuật nhiếp ảnh?
Anh có thể chia sẻ về những ngày đầu tiên cầm máy, đi sáng tác ảnh, những ngày không ngừng học hỏi để trở thành một nhiếp ảnh gia như hôm nay không?
Tôi chính thức làm nghề, sống với nghề ảnh chưa đầy 1 năm, nhưng thời gian tự tìm tòi và học hỏi trước đó là khoảng 5 năm.
Mục tiêu lúc đó là lấy ngắn nuôi dài, tôi làm công việc văn phòng, cuối tuần có thời gian rảnh rỗi thì xách máy đi đây đó tự mày mò sáng tác. Hành trang của tôi có 2 phần: phần cứng và phần mềm.
Phần cứng thuộc về thiết bị, tôi làm việc và tích góp hơn 5 năm để trang bị cho mình gọi là kha khá thôi chứ chưa thể gọi là đủ thiết bị máy móc.
Còn phần mềm, cũng trong thời gian đó, tôi học kỹ thuật chụp ảnh 20%, 80% còn lại tôi lang thang, gặp gỡ bạn bè, đi du lịch, tìm hiểu cuộc sống ở nhiều vùng đất và đặc biệt là để yêu và đau khổ trong tình yêu.
Tôi cho rằng kinh nghiệm sống với một nhiếp ảnh gia quan trọng hơn rất nhiều so với kỹ thuật và máy móc.
Anh đã “xách máy ảnh và đi” qua rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Những chuyến đi phượt như thế để anh học hỏi, giao lưu văn hóa, hay chỉ đơn thuần vì muốn làm phong phú hơn bộ sưu tập những bức ảnh đẹp từ khắp năm châu do chính mình sáng tác?
Mỗi chuyến đi với tôi là 1 cuộc hành hương trong đời. Những người Hồi Giáo người ta hành hương về thánh đường Mecca, còn tôi không tôn giáo nên tôi chọn “tôn giáo” cho mình là những vùng đất xa xôi khắp nơi trên thế giới mà mình sẽ tới.
Cứ lên đường là hành hương, đi như thể đi về với niềm tin thiêng liêng nhất trong lòng mình. Nên tôi trân trọng từng giây phút trên đường, trân trọng từng con người mình gặp và cũng cảm ơn luôn những khó khăn mà mình gặp phải trên đường.
Vì bạn biết không, đó chính là kinh nghiệm sống mà bạn phải mua không chỉ bằng tiền mà bằng cả mồ hôi, nước mắt nữa.
Anh có thể kể lại kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình đi và tác nghiệp của mình không?
Kỷ niệm này tôi cho là đáng nhớ nhất trong đời, đó là lúc tôi và anh em trong đoàn đi đến hồ Tso Moriri ở Ladakh.
Ladakh là một vùng cao nguyên rộng lớn ở Kashmir của Ấn Độ, nằm ngay cạnh dãy Himalaya hùng tráng.
Với độ cao là 5.300m so với mặt nước biển, cao hơn rất nhiều so với nóc nhà Đông Dương Fansipan, những người “hạ du” như chúng tôi lần đầu bước chân đến sẽ gặp nhiều rắc rối.
Đầu tiên là da khô, niêm mạc mũi bị khô nên nứt ra và chảy máu, kèm với nước mũi do bị cảm tạo thành thứ dung dịch không thể tả nổi và nó chảy ra liên tục. Tệ hại nhất là bị sốc độ cao, cả đoàn 8 người đều bị khó thở.
Từ khi đặt chân đến hồ, tôi nằm bẹp dí trong phòng trọ, không đứng dậy nổi vì đi nhanh cũng mệt. Tôi nhìn ra khung cửa sổ, buổi chiều xuống nắng vàng rực đỉnh núi, soi bóng xuống mặt hồ, và bất lực không làm gì được, chỉ biết chụp một bức ảnh qua khung cửa sổ đó.
Tối đến nhiệt độ xuống gần 0 độ C, tình trạng khó thở càng nguy kịch đến nổi có 1 người phải vào bệnh viện, những người còn lại nằm thở oxy trong phòng.
Tối đến, tôi không dám ngủ vì khó thở quá, kiểu như đang đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết.
Tôi lấy ống oxy đút vào mũi, nằm cầu nguyện với Phật phù hộ cho nhóm chúng tôi vượt qua đêm nay, về Việt Nam tôi sẽ ăn chay 1 tháng.
Cuối cùng, đêm kinh hoàng đó cũng trôi qua, sáng ra chúng tôi khỏe hơn một chút, chụp ảnh kỷ niệm với cô chủ nhà rồi lên xe ra về càng nhanh càng tốt.
Với 3 bộ ảnh phi thương mại và tốn khá nhiều thời gian để thực hiện, công việc hiện tại của anh có bị ảnh hưởng không?
Hiện tại, tôi sống bằng việc chụp ảnh, chưa thể gọi là sung túc nhưng ban đầu tôi cảm thấy vui với quyết định của mình.
Tôi chia quỹ thời gian và tiền bạc của mình ra 2 phần rõ rệt: một cho thương mại (để nuôi sống bản thân) và một cho phi thương mại (sáng tác cho sở thích).
Vì bạn cứ nghĩ xem, một người nhiếp ảnh chỉ biết chụp ảnh kiếm tiền thì anh ta sẽ mai một tay nghề, còn một người chỉ sáng tác không thì không ai nuôi anh ta sống (ngoại trừ các bạn "đại gia" không cần đi làm mà vẫn sống khỏe).
Các bạn trẻ cho rằng, một bức ảnh đẹp sẽ do ba yếu tố: máy ảnh xịn, người chụp chuyên nghiệp và nhân vật trong bức ảnh phải biết… diễn. Anh nhận định thế nào về điều này?
Tôi cho là đúng hết, hoàn toàn đúng. Thứ nhất: đúng với “máy ảnh xịn”, tôi mất hơn 5 năm để tích cóp mua máy ảnh, ống kính nên tôi rất hiểu điều này.
Thứ 2: nhân vật biết diễn thì tôi cũng công nhận, trong bộ ảnh Daydreamers tôi mất 4 tháng để casting. Người chụp chuyên nghiệp thì cũng đúng nốt.
Nhưng cái đẹp nó cũng có nhiều kiểu, đẹp cho vui, đẹp thoáng qua thì bấy nhiêu đó là đủ rồi. Còn nếu bạn muốn bức ảnh tự nó “phát ra tiếng nói” theo kiểu thông điệp thì tôi nghĩ cần thêm một gia vị quan trọng nữa là kinh nghiệm sống và sự trong sáng khi cầm máy.
Bạn chụp ảnh nhưng bạn luôn nghĩ trong đầu là “tôi phải chụp 1 bộ ảnh để nổi tiếng đình đám trên facebook” thì có lẽ khó mà có được 1 bức ảnh đẹp vì tâm trí bạn đang bị chi phối. Hãy chụp ảnh bằng một trái tim chân thành, không vụ lợi thì kết quả sẽ tốt hơn.
Tại sao anh lại chọn những khía cạnh không mấy trọn vẹn trong cuộc sống hôn nhân: người mẹ đơn thân, người cha đơn thân, những người đồng tính…
Có phải vì những đề tài đó sẽ gây nên ám ảnh sâu hơn cho người xem không?
Người ta hay nói: “Bạn có thể sống suốt đời với một nỗi buồn chứ có khi nào sống suốt đời với một niềm vui đâu”.
Niềm vui đến nhanh và cũng trôi đi chóng vánh lắm, duy chỉ có nỗi buồn làm cho người ta dằn vặt, đau đớn nhiều thôi.
Nỗi buồn có cái đẹp riêng của nó đến nỗi người ta ví von “nỗi buồn rực rỡ” mà. Nên tôi chọn mô tả những cảm xúc khắc khoải, chơi vơi của con người để đưa vào tác phẩm của mình.
Cái khó của người tả nỗi buồn là chắc người ta phải buồn nhiều lắm mới hiểu hết nỗi buồn của người khác để mà tả, mà nỗi buồn thì tôi có thừa.
Trong ba bộ ảnh này, bộ ảnh nào anh tâm đắc nhất và bộ ảnh nào tiêu tốn nhiều thời gian thực hiện nhất của anh?
Đã là “con” của mình thì không nên phân biệt đối xử với chúng nó, kẻo chúng nó phân bì thì tội nghiệp (cười).
Tôi chỉ so sánh thời gian mình bỏ ra cho mỗi bộ ảnh thôi. Vì tính chất nhạy cảm của chủ đề nên Daydreamers là bộ ảnh tốn thời gian nhất, hơn 4 tháng cho casting, 1 tháng chuẩn bị chỉ để chụp trong 1 ngày.
Cũng nhiều người hỏi tại sao tôi không chụp dàn trải ra mà chỉ chụp trong 1 ngày, câu trả lời là trong gần 5 tháng nuôi cảm xúc, tôi muốn cho mình và cả diễn viên của mình cùng “cháy” liên tục trong thời gian vừa đủ thôi, dài hơn nữa thì lửa nguội bớt rồi, cảm giác sẽ không tươi mới.
Những bộ ảnh khác chỉ vỏn vẹn trong 1 tháng chuẩn bị.
"Những kẻ mộng mơ” đã phản ánh một cách chân thực cuộc sống hôn nhân của người đồng tính nam. Anh nghĩ sao đến việc sẽ ra đời một bộ ảnh cuộc sống hôn nhân của người đồng tính nữ trong thời gian sắp tới?
Nhiều người hỏi tôi câu này, thú thật là cho tới giờ tôi vẫn chưa có duyên với người đồng tính nữ (lesbian). Có thể do cách suy nghĩ của họ khác tôi, quan niệm sống cũng vậy nữa.
Nhưng tôi hy vọng sẽ gặp được cặp đôi tâm đầu ý hợp với mình, lúc đó nhất định sẽ có 1 bộ ảnh, tên gì thì chụp xong mới biết được.
Đã 29 tuổi nhưng anh vẫn sống 1 mình, làm việc 1 mình, chụp ảnh 1 mình... Là do anh chọn lựa cách sống như thế hay do người phù hợp với mình vẫn chưa xuất hiện?
“Đã 29 tuổi”, trong câu hỏi tôi nghe có gì đó bi quan. Nếu là “mới 29 tuổi” thì tôi thích hơn. Bạn thấy những nước phát triển người ta hoặc là lập gia đình rất muộn (đàn ông thường trên 40, phụ nữ trên 30), cá biệt như Nhật Bản thì người ta có xu hướng không kết hôn.
Điều này hơi trái với suy nghĩ của ông bà ta là gái lớn có chồng, trai lớn có vợ. Vì khi đến một lúc nào đó, con người ta cần tình yêu chân thực thì hôn nhân chỉ là cái bảng hợp đồng không cần thiết nữa, tình yêu không phải là một cuộc đổi chác nên không cần hợp đồng.
Những dự định tiếp theo của anh trong năm 2015 là gì, anh có thể chia sẻ một chút không?
Vẫn là những cuộc “hành hương” dài, vì đi không bao giờ là đủ. Còn rất nhiều những ý tưởng cho nhiều bộ ảnh sắp tới nhưng tôi cần thêm thời gian và trải nghiệm để đủ tự tin để thực hiện những “ca khó”, nhưng chắc chắn là vẫn có ảnh đều đều để mọi người cùng xem!
Cảm ơn anh và chúc anh luôn vui vẻ, thành công trong cuộc sống.