SV bê tráp mùa cưới: 'Rớt nước mắt' với phong bao 10.000 đồng

Nhật Hạ |

Dịch vụ cưới hỏi ngày càng phong phú, bê tráp trở thành nghề kiếm thêm thu nhập cho rất nhiều sinh viên, nhưng cũng có không ít chuyện bi hài trong 'nghề' này.

Vào mùa, không kịp chạy sô

Với những đám cưới vài năm trước đây, thông thường cô dâu, chú rể nhờ người thân trong gia đình bê tráp giúp.

Vậy nhưng, việc nhanh gọn, chuyên nghiệp và có một dàn phù dâu toàn 'trai xinh gái đẹp' khiến gia chủ mở mày mở mặt thì phải nhờ đến các dịch vụ  bê tráp  thuê.

Cũng từ đó, đây là nghề kiếm cơm của không ít các sinh viên bởi sự phù hợp về thời gian mà tiền công mỗi lần cũng không hề nhỏ.

Rất nhiều đội, nhóm sinh viên bê tráp được mở ra để đáp ứng nhu cầu cưới, hỏi.
Rất nhiều đội, nhóm sinh viên bê tráp được mở ra để đáp ứng nhu cầu cưới, hỏi.

Chỉ cần gõ từ khóa 'bê tráp' vào mục tìm kiếm trên facebook, sẽ thấy xuất hiện hàng trăm nhóm bê, chủ yếu là sinh viên. Những nhóm này có một người đứng đầu, hàng ngày nhận các mối, và đưa các thông tin về đám hỏi cần thuê, các thành viên tự đăng ký và đến đúng theo giờ hẹn.

Mỹ Linh – sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng từng có thời gian đi bê tráp cho các nhóm, sau khi quen biết nhiều mối, cô tách ra làm riêng và hiện tại có một đội bê khoảng 20-30 người.

'Những bạn tham gia nhóm đều đáp ứng tiêu chuẩn cao từ 1m58 đến 1m65, các bạn nam thì từ 1m67 đến trên 1m7, ngoại hình ưa nhìn. Mỗi nhóm bê thường khoảng 5 cặp, các gia đình có điều kiện hơn sẽ thuê từ 7 đến 9 cặp.

Tất cả chúng mình đều có tìm hiểu và có kiến thức sơ bộ về những nghi thức cưới hỏi của các gia đình miền Bắc để phục vụ cho công việc. Vào mùa cao điểm, mỗi ngày, mình nhận được 4, 5 cuộc gọi đặt bê tráp, nếu thời gian hợp lý, thì đội mình có thể bê 3 đám/ngày'.

Vì tính chất công việc dễ dàng kiếm thêm thu nhập, nên nhiều người đã gắn bó với nghề này 3, 4 năm.Hải Hạnh – cô gái đã có gần 3 năm gắn bó với bê tráp cho hay:

'Mình làm nghề này từ cuối năm thứ 1, tới năm cuối thì đành từ bỏ vì bận việc học, ra trường, xin việc. Mình cũng tiếc lắm, vì đi bê tráp thường bê cho các gia đình có điều kiện thì 1 đám được 300.000 đồng là chuyện bình thường.

Thậm chí vào tầm thời gian này năm ngoái, mình kín lịch các buổi sáng, nhiều đám nhà gần nhau, phải chạy ‘bở hơi tai’ để nhận sô. Mỗi tháng cao điểm, cũng nhận được 4-5 triệu'.

Cô bạn Minh Huyền mới tham gia bê tráp được 8 lần.
Cô bạn Minh Huyền mới tham gia bê tráp được 8 lần.

Còn đối với Nguyễn Minh Huyền (sinh năm 1996), hiện đang là sinh viên trường Đại học Lao động Xã hội chia sẻ: 'Em mới làm nghề này được 2 tuần, bê tráp được 8 lần.

Mỗi lần bê tráp thường được nhận là 50.000 – 100.000 đồng tiền lương và tiền lì xì thì tùy gia chủ, trung bình là 50.000 đồng, đám nào khá hơn sẽ được 100.000 đồng. Hai tuần vừa rồi thu nhập của em được khoảng 1 triệu đồng'.

Bi hài chuyên bê tráp thuê

Chàng trai Tiến Thành (sinh năn 1995, quê Thái Bình) cũng nhiều năm gắn bó với nghề này chia sẻ: 'Có lần mình bê tráp thuê, gia chủ không những bắt đến từ sớm, rồi đợi cả tiếng nghi lễ vẫn chưa được tiến hành.

Tranh thủ lúc bọn mình ngồi đợi, gia chủ hết sai đi rửa ấm chén, đến quét dọn lại nhà cho họ. Rồi sắp xếp bàn ghế, kẹo bánh. Đến lúc bê xong mở phong bao thấy tiền lì xì được 10.000 đồng, muốn ‘rớt’ nước mắt.

Thời buổi này còn ai lì xì 10.000 đồng đâu. Vậy nhưng vẫn phải ngậm ngùi cười ra về mà không dám đòi hỏi'.

Nguyễn Hiền nhận phong bao lì xì từ gia chủ.
Nguyễn Hiền nhận phong bao lì xì từ gia chủ.

Nhiều gia chủ còn kĩ tính, cẩn thận đến nỗi, bắt đội bê tráp tập trung trước lễ 1,2 tiếng đồng hồ. Sau khi nhìn 1 lượt đầu tóc, trang phục của đội mới tạm yên tâm.

'Trong một lần đi bê tráp, vì mình phải tự túc đi lại, nhà cô dâu lại ở trong ngõ ngách khó tìm. Gia chủ lại đột ngột thay đổi thời gian làm lễ nên mình đến muộn.

Lúc đến thì do còn thiếu mình nên không thể tiến hành lễ, nên gia chủ cắt luôn tiền lương và còn tuyên bố tẩy chay đội nhóm mình khiến mình vô cùng khó xử.

Đã vậy, lại còn bị đội nam (đội nam không cùng nhóm mình) tráo tiền trong phong bao. Về nhà mở ra mới biết mấy bạn tráo tờ 50.000 đồng thành 20.000 đồng, trong khi cô dâu khẳng định đã bỏ phong bao 50.000 đồng', Nguyễn Hiền (sinh năm 1994) chia sẻ.

Gặp gia chủ kỹ tính, bị quỵt tiền đã không còn là chuyện ‘hiếm’ với đội bê tráp sinh viên, vậy nhưng bên cạnh đó, nhiều bạn cũng cho biết không ít cặp đôi nên duyên từ những lần bê tráp đám hỏi.

Không còn là công việc ‘bê nhiều sợ mất duyên’ như người ta vẫn nghĩ, bê tráp thuê dần dần đã trở thành nghề kiếm cơm của mỗi sinh viên, đặc biệt là những tháng cao điểm mùa cưới, kiếm được 4-5 triệu là chuyện bình thường.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại