"Sự trăn trở của một kẻ lười biếng": Chỉ cần học đến lớp 9 là đủ

Minh Anh |

(Soha.vn) - Xung quanh video "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng" có khá nhiều ý kiến đồng tình.

“Tôi là một học sinh lớp 12. Ở Việt Nam thì đây là giai đoạn khắc nghiệt nhất trong đời mỗi học sinh. Và chính sự khắc nghiệt này khiến cho những câu hỏi tích tụ qua bao tháng ngày dài sẽ phải bật ra ngoài thành những quan điểm…” - đây là lời mở đầu của nam sinh trong video đang gây sốt cộng đồng mạng những ngày gần đây "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng".


	Nam sinh gây sốt trong cộng đồng mạng với clip "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng"

Nam sinh gây sốt trong cộng đồng mạng với video "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng"

Mới được đăng tải trên Youtube từ ngày 13 tháng 4 nhưng một video có độ dài hơn một 1 giờ đồng hồ và nội dung không mấy "dễ nghe" đã thu hút được sự chú ý của đông đảo cư dân mạng. Đã có hơn 1.500 người nhấn nút "thích" video. Phần lớn người xem đều đưa ra quan điểm đồng tình với người phát ngôn xuyên suốt video.

Ngay từ đầu, nam sinh đã mạnh dạn nói lên suy nghĩ thật của mình: "Nếu có người hỏi tôi kiến thức lớp mấy là cơ bản, với tôi lớp nào cũng có những kiến thức cơ bản mà chúng ta cần phải học nhưng song hành với chúng là có quá nhiều thứ chẳng cơ bản và chẳng cần thiết chút nào. Nếu có người hỏi tiếp thế học đến lớp mấy thì đủ, lớp 9 là câu trả lời".


	Video đang thu hút được sự quan tâm của cộng đồng mạng

Video đang thu hút được sự quan tâm của cộng đồng mạng

Nam sinh cho rằng ở độ tuổi 14-15 mỗi người đã có thể tự nhận ra được chính xác điểm mạnh của bản thân và xác định được con đường mình nên theo đuổi, 3 năm tiếp theo ở trường THPT với quá nhiều kiến thức vô tình đã "cướp đi" của nhiều người cơ hội được là chính mình, được phát triển một cách tốt nhất, đúng hướng nhất.

Đồng tình với "sự trăn trở của một kẻ lười biếng": Chỉ cần học đến lớp 9 là đủ
 

Với cách nói lưu loát và những luận cứ rất chặt chẽ, "kẻ lười biếng" cũng không ngại nêu lên những điểm yếu của nhiều giáo viên ở nước ta: "Khi đứng trên bục giảng nhìn xuống phía dưới trong mắt giáo viên học sinh là gì? Là những người nối gót, là những người ngồi im nghe giảng rồi sáng mai trả bài một cách trôi chảy, là những người sẽ nhận lấy những lời giảng ấy từ giáo viên và mai lại giảng lại những lời đó cho con cháu sau này.

Không, nếu tôi là một giáo viên, là một người có đam mê chân chính với bộ môn của mình tôi sẽ không coi học sinh của mình như vậy thay vào đó tôi sẽ coi họ như những đồng nghiệp tương lai".

Dường như quyền được tranh luận thẳng thắn của học sinh Việt Nam quá hạn chế, các em học sinh đến trường đều phải chịu sức ép về chuyện điểm số, bị ám ảnh về các kỳ thi. "Qua bao nhêu năm, không biết có bao nhiêu cuộc đời đã bị ném không thương tiếc vào cái máy nghiền thi cử".

Ở đoạn kết của video, nam sinh hiến kế để đưa học sinh thoát khỏi nỗi ám ảnh thi cử, đó lá hãy xóa bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ nên để lại kỳ thi đại học. Việc này sẽ góp phần "thay máu" nền giáo dục và biến "mỗi ngày đến trường là một ngày vui" với biết bao thế hệ học sinh.

Hơn một tiếng đồng hồ để nói về những điểm thiếu và yếu của giáo dục Việt Nam, tác giả của video "Sự trăn trở của nền giáo dục Việt Nam" thực sự đã khiến nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ.

Rất nhiều ý kiến ủng hộ và cả những góp ý không thực sự đồng tình, nhưng rõ ràng video "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng" đã thẳng thắn nêu ra những vết thương lâu năm của ngành giáo dục Việt Nam dưới con mắt của một học sinh lớp 12. Một video như vậy rất đáng để xem và suy ngẫm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại