Những tiếng chửi bới, thở dài và nụ cười người lạ trên phố Hà Nội

Quân Anh |

Khi đi trên đường, việc phải nghe những tiếng chửi bới, những tiếng thở dài hay là được nhận những nụ cười từ người lạ đều phụ thuộc vào chính bạn.

Ngày ngày, con đường từ trường, từ chỗ làm về nhà khiến không ít người thành phố cảm thấy mệt mỏi bởi tiếng ồn, bởi bụi và đặc biệt là bởi tình trạng tắc đường nghiêm trọng.

Cứ mỗi đoạn đèn đỏ, ngã tư là các phương tiện tham gia giao thông phải chật vật, "toát mô hôi hột" mới có thể vượt qua đám đông hỗn loạn.

Cứ mỗi lần tắc đường người ta lại bấm còi inh ỏi, mắng chửi các phương tiện đi phía trước, hay đi phía sau.

Người ta cứ mặc sức đổ lỗi cho ý thức tham gia giao thông của người khác, sự thiếu khoa học của hệ thống đèn tín hiệu, của cơ sở hạ tầng giao thông mà chưa từng quay lại nhìn chính hành vi của bản thân.

Nếu ai cũng có ý thức đi chậm 1 chút, nhường nhịn nhau 1 chút, tuân thủ nghiêm ngặt luật lệ giao thông thì thay vì mệt mỏi bởi những lời mắng chửi, người ta sẽ cảm thấy thoái mái đón nhận những nụ cười từ người xa lạ trên phố.

Và bài chia sẻ dưới đây của facebooker Thạch Long sẽ cho mọi người một cái nhìn mới mẻ, khác lạ:

"Phố cổ Hà Nội, chiều tan tầm. Thoáng thấy bóng 2 vị khách nước ngoài đang rập rình nửa tiến, nửa lui ở một đoạn sang đường trên phố Hàng Bông, em giảm dần tốc độ và dừng luôn trước mặt họ, ra dấu hiệu nhường cho họ sang đường.

Điều thú vị hơn cả là chiếc xe chạy ở làn bên cạnh cũng dừng lại, mở ra một đoạn sang đường thông thoáng.

Ông tây râu ria xồm xoàn nở nụ cười tươi rói, ra dấu cảm ơn rồi mọi thứ trở lại như cũ. Lại chen chúc, nhộn nhạo, lại vượt đèn đỏ, lại tắc đường…

Giao thông sẽ không vì 1-2 người biết dừng nhường tây sang đường mà tốt lên. Hành động nhỏ nhoi đó cũng không thể cứu vãn hình ảnh tồi tệ về giao thông Hà Nội trong mắt bạn bè nước ngoài.

Nhưng trong chỉ một thời khắc ngắn ngủi đó em chợt nhận ra, nhường nhịn nhau là nguyên tắc cơ bản khi tham gia giao thông ở Hà Nội.

Muốn đi từ ngõ 200 Âu Cơ lên mặt đường phải leo lên một con dốc tương đối cao. Hiểm nỗi là ngay khi thò đầu xe lên mặt đường lập tức sẽ gặp phải các xe đi đúng chiều phóng vù vù trước mặt.

Rất nhiều lái xe từng rơi vào cảnh vừa dừng giữa dốc, vừa phải chờ đợi đường vắng để phóng vọt sang làn đối diện. Nói chung là rất khó. Vì hiếm khi nào đường vắng.

Em không dưới 5 lần chứng kiến cảnh các xe chưa quen với đoạn vượt chướng ngại vật này tụt dốc lùi thẳng vào tường, hoặc tệ hơn là vọt ga sang làn đối diện rồi bị những xe cố vượt đầu đâm ngang.

Em không tự nâng cao bản thân, nhưng giá như trong thời khắc này, các xe đang chạy cũng nhường nhịn như cách em nhường ông tây sang đường. Dừng lại, chắc chỉ khoảng 5 giây thôi là cứu chiếc xe dưới dốc tránh khỏi những viễn cảnh đáng tiếc.


Dù đường đông nhưng không xe nào lấn làn, nên chỉ 5 phút là đoàn xe kéo dài tới 1km đều dễ dàng lưu thông qua đoạn đèn đỏ. (Nguồn ảnh: facebook Thạch Long)

Dù đường đông nhưng không xe nào lấn làn, nên chỉ 5 phút là đoàn xe kéo dài tới 1km đều dễ dàng lưu thông qua đoạn đèn đỏ. (Nguồn ảnh: facebook Thạch Long)

Và sự nhường nhịn của các cụ cũng chẳng miễn phí đâu. Các cụ nhận được những nụ cười của người lạ, cá nhân em thấy, là quá đủ cho 5 giây làm việc thiện.

Nhường nhịn nhau - em vẫn luôn cho rằng - là cốt lõi của văn hóa giao thông. Mới đây thôi, ngã tư Mễ Trì – Phạm Hùng tắc cả tiếng.

Đứng bên vỉa hè quan sát em nhận thấy: Chỉ cần 1 trong 2 làn xe bỏ một nhịp đèn xanh, nhường cho hướng còn lại đi thoát, bạn sẽ chỉ tốn khoảng 1-2 phút đứng chờ thay vì 10-20 phút chôn chân trong những tiếng chửi bới, thở dài, ngán ngẩm.

Nhiều lần đang dừng đèn đỏ ở gầm cầu vượt Vọng thì có tàu chạy qua. Đèn xanh bật sáng, thay vì cho xe ra đỗ ngay trước chắn tàu, em tiếp tục dừng ở vạch chờ.

Nhưng không nhiều người nghĩ rằng nếu chúng ta không thể đi được thì tốt nhất nên nhường đường cho các xe từ hướng Giải Phóng đi thẳng. Họ tràn toàn bộ ra trước chắn tàu, bịt kín mọi lối đi của hướng đi thẳng. Vậy là tắc đường thôi.

Và rồi họ, những nhà quy hoạch học, kiến trúc học, đạo đức học… sẽ bắt đầu đổ lỗi cho quy hoạch giao thông, tầm nhìn thiển cận, mà không hề nhận ra rằng, họ mới là tác nhân gây ra tắc đường.

Chúng ta đang bước vào những ngày cuối năm. Đây chắc chắn là thời điểm cao điểm nhất về giao thông. Sẽ tắc đường suốt ngày, tắc liên miên.

Trong cái sự hỗn loạn ấy, nếu các cụ/mợ không biết nhường nhịn nhau đổi lại những nụ cười người lạ, em tin rằng, dù mỗi ngã tư xây 1 cái cầu vượt, dù hàng trăm hầm thông xe được xây, thì tắc vẫn hoàn tắc thôi".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại