Dưới đây chúng tôi xin trích đăng tiếp bài viết chia sẻ của facebooker Ba Tê kể về chuyến đi đầu tiền tới Trường Sa vào năm 1998.
"Đêm và ngày đầu tiên đã qua, vẫn chưa thấy Trường Sa đâu, lại qua một đêm nữa đến khoảng 3 giờ sáng thấy ở trên boong xôn xao, mình nhỏm dậy nghe ngóng thấy mọi người bảo sắp đến đảo chìm Đá Nam rồi, tự nhiên thấy tỉnh hẳn, cố mò lên boong với mọi người.
Khoảng 1 tiếng sau thấy phía xa xa trên nền bình minh đỏ rực một đốm đen to bằng hạt đậu xanh xuất hiện, mọi người truyền nhau cái ống nhòm để xem, cảm giác háo hức đến lạ, đây là Trường Sa rồi sao? Cái đốm nho nhỏ, lẻ loi, cách Cam ranh 2 đêm 1 ngày (hơn 760km) nằm giữa biển khơi kia là một phần của dải đất hình chữ S đó sao?
Con tàu vẫn lầm lũi rẽ sóng tiến gần đến đảo. Khoảng 7 giờ sáng mình đã nhìn thấy bộ đội bé li ti trèo lên chỗ cao nhất trên đảo tay cầm áo, mũ vẫy đứng đón đoàn, cách đảo khoảng 1km tàu thả neo và công bố danh sách người được lên đảo, vì đảo chìm nhỏ nên không thể cho nhiều người lên được nên thành phần ưu tiên phải là văn công, truyền hình quân đội, cán bộ kỹ thuật khảo sát lắp thiết bị thu sóng truyền hình, quân y… và tất nhiên không thể thiếu trưởng đoàn.
Đoàn bộ Giáo dục của mình không có tên trong danh sách lên đảo, thôi thì gửi quà cho chiến sĩ trên đảo và ngắm Đá Nam từ xa vậy. Tự nhiên thấy không còn cảm giác say sóng nữa.
Để xây được cái đảo nổi kiên cố như thế này, công binh phải chuyên chở vật liệu xây dựng từ, cát, sỏi, xi măng, sắt thép… đến nước ngọt từ đất liền ra, kinh phí cho một ngôi nhà bên dưới là hầm (chứa nước mưa), cao hai tầng như trong ảnh là ngót nghét 3 tỷ đồng. Xây một cái bể nổi (2mx 1,5mx1,2m) để trồng rau muống nước trên đảo nổi khoảng 20 triệu đồng (vào thời điểm 1998 trở về trước)
Đảo chìm Đá chữ thập do “Nước lạ” chiếm đóng, to lớn và hoành tráng hơn rất nhiều so với đảo chìm của ta. (Ảnh internet)
Đứng trên tàu nhìn ra đảo mà thấy lòng xốn xang, đã ra đến đây rồi mà không được lên đảo, trong lúc chờ đợi, không biết làm gì để giết thời gian thì gặp mấy thủy thủ mang cước ra câu cá. Lần đầu tiên mình thấy câu cá lại bằng sợi cước to như thế, phải cỡ 2 ly, lưỡi câu cũng to, móc vào đấy một con cá rồi thả xuống độ sâu khoảng 50-80m chờ cá cắn câu thì dòng lên, câu một lúc thôi mà kéo được bao nhiêu cá, hôm ấy có con cá hồng cỡ 30 kg cắn câu, mình không biết dòng làm sao suýt tuột mất, may mấy thủy thủ ra hỗ trợ nên kéo lên được.
Đêm, tàu HQ996 chạy hướng Đá lớn, nhóm câu cá lúc chiều rủ nhau lên boong nhậu, lúc mình lên đã thấy anh Tất Bình, Chánh VP TCCT, anh Tình Chính ủy quân chủng Hải quân, Dung Bí thư TƯ Đoàn, và mấy bác bên Cục quân y, Tổng cục kỹ thuât…đang ngồi chờ xử lý con cá hồng ban chiều câu được.
Cuộc nhậu tàn lúc 11h, mình xuống boong tầng hai thấy TH và AT đang mắc võng nằm ở đấy, TH bảo anh ngồi đây chơi, được lời như cởi tấm lòng mình ngồi tán phét với 2 em, khoảng 12h, AT xuống phòng đi ngủ trước, còn lại mình với TH mỗi đứa một võng nằm sát bên nhau, lênh đênh giữa biển khơi, trời cao, sao sáng, xung quanh vắng ngắt….
(Nguồn: Internet)
6h sáng đến đảo Đá lớn tàu thả neo ngoài xa, nhìn qua ống nhòm đã thấy lính trên đảo nháo nhác để đón khác, mình có danh sách lên đảo, đảo được xây dựng to hơn và kiên cố hơn bên Đá nam, có hai điểm chốt được nối với nhau bằng một cái cầu (nghe nói bây giờ đã có 3 điểm chốt rồi).
Lên đảo, trực tiếp nhìn thấy cảnh sinh hoạt của lính mới thấy cảm phục và thương yêu họ hơn, quanh năm ngày tháng chỉ 20 con người (bên Đá nam chỉ có 12 người) cùng với dăm con chó, ngày đêm canh gác biển, thời gian còn lại là chăm sóc mấy chậu rau xanh, xin nói thêm là trồng được một chậu rau xanh trên đảo chìm là cả một kỳ công, đất và phân vi sinh mang từ đất liền ra, trồng rau vào từng chậu nhỏ một, nắng gió táp đằng trước thì bê chậu rau trốn ra đằng sau, táp bên phải thì bê chạy sang bên trái, và ngược lại cứ như thế ngày biết bao nhiêu lần bê bê, chạy chạy.
Trồng rau ắt phải có nước tưới, vào mùa khô nước dự trữ phải tiết kiệm từng giọt, và những giọt nước tiết kiệm ấy khi không còn dùng vào việc gì nữa thì tưới rau, đơn giản như sau khi rửa mặt buổi sáng, những giọt nước còn đọng trên khăn mặt sẽ đươc vắt kiệt cho rau. Và kỳ lạ thay, những chậu rau đủ loại như: cải xanh, rau muống, mồng tơi, ớt, thậm chí cả húng chó… lại cứ xanh mướt, mơn mởn.
Khi nào thèm rau lắm mới dám cải thiện với chục lá mồng tơi, vài ngọn rau muống để nấu canh ăn cho đỡ xót ruột (nghe nói bây giờ đã có công nghệ trồng rau sạch trên các tấm xốp như ở các khu căn hộ vẫn trồng nên lính ta cũng đỡ khổ hơn). Lên ca nô dời đảo, cả khách và lính đều bịn rịn, lưu luyến không muốn rời, xuồng rời đảo, lính lội xuống bơi theo cả một quãng dài, phía sau mấy con chó cũng nhào xuống biển bơi theo để tiễn khách, một số còn lại trên đảo thì bắt đầu cởi áo ra để vẫy, cứ như thế xuồng dần xa đảo để đưa khách về tàu, TH và mấy em văn công khóc nức nở, bà H. Chủ tịch hội phụ nữ quân đội, vợ ông “Ăn mày dĩ vãng” cũng xúc động.
Chậu rau muống trên đảo Đá lớn
Tiếp tục cuộc hành trình là đến đảo nổi đầu tiên trong cụm đảo Trường Sa: đảo Song Tử Tây. Sau 4 ngày lênh đênh trên biển, lần đầu tiên được dẫm đôi chân trần lên lớp cát mịn trên đảo bỗng thấy cảm giác lâng lâng, mấy người lính hải quân nói ai mà say sóng chỉ cần đặt chân lên đất liền cái là hết ngay, đúng vậy, có hơi đất tự nhiên thấy người sảng khoái, dễ chịu vô cùng.
Đảo Song tử tây là hòn đảo lớn thứ hai (sau đảo Trường Sa lớn) trong những đảo thuộc chủ quyền của VN ở quần đảo này. Trên đảo có một ngọn hải đăng được xây đâu từ năm 1992 để hướng dẫn đảm bảo cho an toàn hàng hải quốc tế. Cây xanh, chủ yếu là bàng vuông, phong ba, bàng và hai cây dừa, ngoài ra còn có một cái giếng nước lợ, tuy không ăn được nhưng cũng giải quyết được sinh hoạt tối thiểu cho bộ đội trên đảo.
Ấn tượng nhất khi bước chân lên đảo là mình nhìn thấy một đàn 9 con bò đang thong dong mót những cọng cỏ hiếm hoi trên sân vận động, Cán bộ, chiến sĩ ở Song Tử Tây nuôi bò bằng phần thức ăn thừa của mình, cũng giống như với các vật nuôi khác như lợn, gà… Nhưng có một điều lạ chưa từng thấy bao giờ, bò ở Song Tử Tây gặp cái gì cũng ăn, nhất là vỏ bao xi măng, giấy, thùng giấy cattong, thậm chí quần áo của lính.
Còn nói về lợn thì hay lắm, lợn của lính sinh hoạt theo hiệu lệnh, lợn của trung đội nào nghe theo hiệu lệnh của trung đội đó, hàng ngày chúng được thả rông tự do trên đảo, hễ đến giờ ăn thì bộ đội lại gõ hiệu lệnh riêng chỗ thì bằng chậu, chỗ thì xoong nồi, chỗ thì dùng hai thanh gỗ gõ vào nhau… dù đang “chơi” ở bất cứ đâu chúng cũng chạy về đúng nhà mình để nhận phần ăn, mỗi lần được mục kích cảnh như thế thì không ai có thể nhịn được cười.
Nhà dàn bãi Phúc Tần
Đêm ngủ trên đảo, bọn mình được sắp xếp nằm trong nhà khách nhưng mình rủ mấy cậu cùng đoàn ra ngoài trời nằm để đêm còn được nghe sóng biển ào ạt, ngắm sao trời, hưởng những luồng gió mát rượi giữa đại ngàn biển Đông thì còn gì sung sướng cho bằng.
Hôm sau, rời đảo Song tử tây, đi qua đảo Côlin – Gạc ma đoàn đã dừng lại mặc niệm và thả hoa xuống biển tưởng niệm các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến với “giặc lạ” bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc ngày 14-3-1988, quyết hy sinh thân mình, khi không còn cách nào khác đã lao con tàu lên đảo để con tàu trở thành chiến hạm nổi khẳng chủ quyền của ta trên đảo.
Mình nhớ mãi đúng vào lúc mặc niệm, khi mọi thành viên trong đoàn thả những bông hoa xuống biển, bỗng dưng từng đàn, từng đàn cá chuồn bay vùn vụt lên trên mặt nước biển hết lớp này đến lớp khác, làm mặt nước xôn xao, khi tàu rúc lên ba hồi còi tạm biệt và chuyển hướng về đảo Colin bỗng thấy một đàn mấy chục con cá heo, cứ dỡn sóng trước mũi tàu và dẫn đường cho tàu đi một đoạn rất xa dễ chừng vài hải lí, trong lòng thầm nghĩ hay các anh đã về hóa thân vào đàn cá chuồn, vào đàn cá heo này để ghi nhận tấm lòng tri ân của chúng tôi?
Đảo Sinh Tồn cũng là một đảo nổi, đảo này có cái đặc biệt là hình dáng của nó luôn thay đổi theo mùa, cái dải cát phía đuôi đảo cứ năm thì chạy lệch về hướng nam, năm lại chạy lệch về hướng bắc phụ thuộc theo chiều gió và chế độ thủy triều và bán nhật triều không đều. Đảo này cũng có nhiều cây chủ yếu là các cây phong ba, bão táp.
Buổi tối văn công biểu diễn cho lính xem. Khi xuồng chở văn công từ tàu vào đảo, lính ta bơi ra tận ngoài xa để đón, để mong có cơ hội được bế văn công vào bờ, mỗi lần văn công biểu diễn xong là hoa kết bằng ốc biển, hoa san hô, ào lên tặng, nếu hoa bàng vuông nở thì bông hoa ấy lính thay nhau đem lên tặng văn công, tặng xong văn công trả lại lính để người khác lại mang bông hoa đó lên tặng cho những người sau (văn công cũng thông cảm vì quý lắm bộ đội mới có được bông hoa bàng vuông).
Sáng ra, mặt trời còn nằm sâu dưới đường chân trời, mới chỉ ưng ửng ánh hồng chợt nghe tiếng gà gáy chào bình minh trên đảo cảm thấy ấm cúng lạ. Loài vích biển thường hay về đây đẻ trứng, lính nói có khi bọn cháu hót được cả chậu trứng vích ăn mãi mới hết.
Hỏi về tình hình “tàu nước lạ” hoạt động ở đây ra sao thì được biết, “tàu lạ” thường đi những tàu to, cách đảo của ta chừng 5-10 km thì dừng lại, sau đó, “tàu lạ” đỗ một chỗ rồi thả những xuồng nhỏ xuống gọi là để đánh bắt cá, nhưng thực ra là mục đích quấy rối, “xuồng nước lạ” vào sát đảo của ta càng gần càng tốt, ta gọi loa cảnh cáo nhiều lần, nếu vẫn cố tình không nghe thì buộc phải nổ súng cảnh cáo, nếu vẫn ngoan cố thì bắn xuống nước xua đuổi, nhiều khi phải dùng tới 12ly7 , “tàu lạ” mới chịu chạy. Những chuyện như thế xảy ra thường xuyên.
Lên đảo Sơn ca, đây cũng là đảo nổi, cây cối chủ yếu vẫn là bàng vuông, phi lao, phong ba… đặc biệt dải cát ven đảo mọc rất nhiều rau muống biển (gọi là muống biển như không ăn được, hoa của nó màu tím giống như hoa bìm bìm) .
Bộ đội trồng rất nhiều rau muống nước trong bể, trong vườn trồng nhiều các loại rau thơm, nhất là mơ lông và húng chó. Trên đảo nuôi rất nhiều chó, thịt chó là thực phẩm chủ yếu của lính đảo, đón bọn mình ra lính thịt chó tưng bừng, đủ cả hấp, nướng, xào lăn, dồi, rượu mận, có cả rượu nữa, hỏi ra mới biết lính ta nấu rượu luôn trên đảo.
Đến đảo Nam Yết, mình được leo lên đài chỉ huy, nhìn đảo chìm của “nước lạ” qua kính viễn vọng thì ngại lắm. Xin lưu ý là toàn bộ các đảo mà “nước lạ” chiếm đóng ở khu vực Trường Sa không hề có cái đảo nổi nào, thế nhưng đảo chìm của “nước lạ” đầu tư thì khủng lắm, to lớn hoành tráng hơn đảo chìm của ta nhiều lần, hệ thống phòng thủ bên trong thế nào không biết, nhưng kè kè bên cạnh đảo chìm là một tàu chiến, nhìn rõ cả pháo to pháo nhỏ, lừng lững trên tàu chiến là 3 (hay 5 lâu rồi không nhớ) quả tên lửa.
Đảo Trường Sa lớn là đảo lớn nhất trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, trên đảo có trạm khí tượng thủy văn, có giếng nước ngọt, có cầu cảng và đặc biệt có một đường băng cho máy bay loại nhỏ hoạt động.
Bọn mình ở Trường Sa lớn một ngày một đêm, được đứng trên lễ đài xem lính diễn tập, diễu binh, oai ra phết. Chiều lính đảo dẫn các chú đi tắm biển, mượn được cái kính dành cho thợ lặn, lặn xuống xem san hô đủ các loại, xen lẫn với san hô là cá đủ các cỡ to nhỏ khác nhau, màu sắc đẹp vô cùng tận, có phần còn đẹp hơn bảo tàng hải dương học ở Nha Trang bởi vì ở đây hoàn toàn là tự nhiên.
Đêm hôm ấy lại được lính chiêu đãi món sò biển, chưa bao giờ mình nhìn thấy con sò biển nào to như thế, mỗi nửa vỏ của nó nói không ngoa, nó to bằng cái chậu rửa mặt, lính lấy thịt sò ra thái phần thì xào lên ăn, phần thì nấu cháo, ngon cực. Lúc về mình xin cái vỏ mang về Hà Nội làm kỷ niệm.
Bây giờ sau hơn 10 năm mình có anh bạn vừa đi Trường sa về, lão cho xem ảnh, và nói chuyện lại thì thấy Trường Sa lớn bây giờ đẹp, và khang trang hơn xưa nhiều lắm lắm.
Điểm cuối cùng là nhà dàn DK ở Phúc Nguyên, Phúc Tần, đã từng biết đến cảnh sống, sinh hoạt của lính đảo chìm, đảo nổi, nhưng khi đến với lính nhà dàn thì phải nói là khâm phục. Nhà dàn là loại nhà được lắp ráp bằng khung thép, trên địa hình biển không thể thi công như đảo chìm được vì mực nước so với nền đá san hô đáy biển quá sâu, các cột thép to được khoan sâu dưới thềm san hô, sau đó khung nhà được gia cố trên những cột thép to đó, trên cùng là sàn và khung thép ghép thành nhà cho lính ở trên diện tích khoảng 15x15 m vuông, thường cao lênh khênh so với mặt biển chừng 20m.
Mình hỏi lính ở như thế này mỗi khi bão lớn thì sao? Lính bảo bão thì khiếp lắm nhà dàn lắc lư như đánh võng, bão nhỏ thì ở lại nhà dàn, còn bão lớn đã có tàu ra đón để tránh bão (nhà dàn ở gần đất liền hơn nên cũng dễ xử lý khi có bão). Trên nhà dàn cũng có đầy đủ cả các chậu rau xanh, lại có cả dàn bí, quả treo lủng lẳng trên dàn trông rất đẹp mắt, dàn mồng tơi xanh mướt trông như dàn cây cảnh ở ban công nhà trong phố vậy.
Hay nhất là ngồi trên nhà dàn câu cá, bên dưới nhà dàn là nơi thải các chất thừa xuống, cá về rất đông, móc miếng vải màu đỏ vào đầu lưỡi câu thả xuống giật nhử sát mặt biển là cá đã nhao lên đớp, chỉ cần giật lên là xong, vui lắm. Thăm hỏi trên nhà dàn Phúc Tần chừng 2 tiếng, bọn mình xuống nhà dàn ngược theo hướng đi lên, lại thang dây, lại gió lắc, và lại vãi một chút linh hồn mới xuống được đến xuồng. (Nghe nói bây giờ lên nhà dàn không phải trèo thang dây nữa mà được đi bằng thang bộ, gia cố an toàn và chắc chắc lắm).
Thấm thoát đã 13 năm trôi qua kể từ tháng 4 năm 1998 mình được ra Trường Sa, có đến thì mới biết Trường Sa quan trọng đối với an ninh quốc phòng, đối với tiềm năng kinh tế biển, đối với du lịch của Việt Nam, mới biết công lao to lớn, và cả sự hy sinh anh dũng của cán bộ chiến sĩ ta trong sự kiện ngày 14-3-1988 để bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc, và bây giờ đây, đang ngày đêm canh giữ bảo vệ Trường Sa."
Chuyến đi đầu tiên đầy bất ngờ tới Trường Sa