Clip kể lại câu chuyện về một cậu bé vốn không nghe lời mẹ, luôn cãi lời và tỏ thái độ bất kính với người mẹ đã rứt ruột cưu mang, nuôi nấng mình. Đoạn phim ngắn chuyển sang cảnh cậu bé cần mẫn tự tay chuẩn bị và chế biến những món ăn thịnh soạn để chờ mẹ đi làm về và cùng ăn.
Trong bữa ăn ấy, cậu bé đã chủ động xới cơm và gắp thức ăn cho mẹ, không khí vui vẻ, hòa thuận giữa hai mẹ con khiến người xem mỉm cười.
Nhưng rồi, cậu bé vừa ăn cơm vừa nén những dòng nước mắt đang lăn dài trên má vì thực ra, nơi chiếc bàn ăn quen thuộc, trong không gian của ngôi nhà quen thuộc, chiếc ghế nơi mẹ cậu vẫn thường ngồi đã không còn bóng dáng của bà nữa, bởi bà đã ra đi vì một cơn tai biến trước đó.
Những giọt nước mắt hối hận muộn màng cùng bữa ăn trên thiên đường mà cậu bé kì công chuẩn bị là sự hối hận, ăn năn muộn màng. Đoạn phim mang đậm tính nhân văn với thông điệp đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc, ý nghĩa: "Lời cảm ơn cha mẹ không bao giờ là sớm cả".
Câu chuyện về người cha câm điếc
Clip tái hiện lại cuộc sống tần tảo của người cha khiếm thính, mất khả năng nói và nghe làm nghề bán hàng rong, dành dụm từng đồng nuôi đứa con gái ăn học và ông rất tự hào, luôn khoe với hàng xóm về cô con gái đáng yêu, xinh xắn. Vì những tật nguyện mà người cha chỉ có thể giao tiếp bằng tay.
Càng lớn, cô con gái càng có cảm giác khác biệt, xấu hổ khi bị bạn bè trêu chọc và bị mang ra so sánh với những bạn bè có cha bình thường, thành đạt. Điều này khiến cô gái không ít lần tỏ thái độ hằn học, xa lánh với chính cha đẻ của mình.
Sinh nhật con gái, người cha kì công chuẩn bị một chiếc bánh sinh nhật cùng những lời chúc yêu nghĩa, đầy yêu thương. Hơn ai hết, ông hiểu được những cảm giác mà con gái đang trải qua, đơn giản vì ông là cha của con mình. Khi nghe những âm thanh phát ra liên tiếp từ gác trên, ông nhanh chân chạy lên thì phát hiện ra con gái mình đã cắt cổ tay tự vẫn.
Lúc này, người cha bế con chạy vào bệnh viện, ra sức cầu xin các bác sĩ cứu sống con mình bằng thứ ngôn ngữ ú ớ và những hành động đau khổ tột cùng. Đó là khi tình phụ tử và nổi sợ mất đi đứa con gái trỗi dậy mãnh liệt trong ông.
Ông nói với bác sỹ rằng: "Con gái tôi, nó không thể chết. Để cứu sống con, tôi có thể bán nhà và hi sinh bản thân". Điều kì diệu đã đến khi cô con gái được cứu sống bằng dòng máu của cha mình và khi nằm trên giường bệnh cô nhận ra tình yêu thương vô bờ mà người cha dành cho cô.
Hạt gạo yêu thương
Câu chuyện được kể thông qua kí ức của một người con gái về mẹ và những ngày sống trong thiếu thốn, cơ cực. Ngày ấy, cô được nuôi dưỡng và lớn lên trong tình yêu thương của mẹ và những hạt gạo trắng ngần mà mẹ chắt chiu, dành dụm, nhường cho cô trong những bữa ăn, còn bà thì ăn phần cơm cháy.
Dù người mẹ không còn trên cõi đời này nữa nhưng kí ức về tuổi thơ luôn theo cô gái đi đến mọi hành trình trong cuộc sống, giúp cô trân trọng hơn những giá trị trong hiện tại.
Cha, con và chú chim sẻ
Bối cảnh không gian của câu chuyện là khi người con ngồi với cha mình trong một khu vườn và người cha liên tục hỏi đi hỏi lại chú chim trong vườn là chim gì khiến con trai vô cùng bực mình. Sau vài lần trả lời đó là chim sẻ nhưng người cha vẫn cứ hỏi, người con trai đã mất kiên nhẫn và quát mắng người cha già của mình.
Người cha buồn bã không nói gì, lặng lẽ vào nhà lấy ra một cuốn nhật kí được viết khi cậu con trai còn là một đứa trẻ. Khi ấy, cậu con trai đã hỏi ông một câu hỏi đến 21 lần và ông vẫn hạnh phúc ôm con vào lòng và kiên nhẫn trả lời đúng 21 lần.
Câu chuyện kết thúc có hậu khi người con người con trai nhận ra lỗi lầm trong phút bồng bột của mình và ôm chầm lấy người cha.
Bạn thấy đấy, có những cử chỉ hay hành động thật nhỏ mà bạn vô tình dành cho cha mẹ sẽ khiến họ vui, hạnh phúc hoặc đau khổ, xót xa. Chỉ có điều nếu đó là sự tổn thương thì cha mẹ sẽ không một lần trách mắng, la hét hay bày tỏ thái độ với bạn, vì tất cả những yêu thương họ trao cho bạn vẫn nguyên vẹn như thời thơ ấu.
Người lớn sẽ giải thích rằng: “Bạn còn quá trẻ, chưa hiểu hết mọi chuyện, sai lầm là điều không thể tránh khỏi” và một mình âm thầm chịu đựng những tổn thương đó. Đừng để những yêu thương và ân hận trở nên muộn màng, khi bạn không còn cơ hội để bày tỏ, trao gửi chúng đến với cha mẹ của mình, hãy học cách thấu hiểu, chia sẻ với cha mẹ như họ đã làm với bạn nhiều năm về trước.