“Phượt” từ tuổi lên 2
Trưởng thành từ những trải nghiệm, đó là điều mà vợ chồng chị Tống Ngọc Anh – anh Nguyễn Vĩnh Khanh muốn dạy cho hai con trai, Thiên Anh (10 tuổi) và Thiên Ân (6 tuổi).
Vợ chồng chị đều là giảng viên đại học, từng có thời gian dài sống ở TP. Hồ Chí Minh, hiện đang sống và làm việc tại Darwin, Úc.
Từ hồi con 2 tuổi, chị Ngọc Anh đã cho con tham gia những chuyến du lịch khám phá đúng kiểu “dân phượt”.
Tính đến thời điểm hiện tại, gia đình chị đã phượt qua 10 nước trên thế giới thuộc các châu lục khác nhau, đi hầu khắp các tỉnh thành của Việt Nam và Úc. Kế hoạch sắp thời gian tới sẽ là chinh phục các miền đất còn lại.
Các gia đình ở Việt Nam thường ngại cho con nhỏ đi du lịch, đặc biệt là du lịch bụi, khám phá kiểu dân phượt. Nhưng vợ chồng chị Ngọc Anh lại nghĩ khác.
“Nhà tôi, trẻ con đi phượt cùng gia đình từ rất sớm, từ khi bé mới 2 tuổi đã cùng gia đình đi cả tháng vòng vo qua 6-7 thành phố với 6-7 tình trạng thời tiết khác nhau như ở Sài Gòn nóng, lên Đà Lại mát se se, ra Huế mưa tầm tã và lạnh, ra Quy Nhơn trời mát mẻ, đến Hội An, Đà Nẵng nắng, về qua Mũi Né thì oi ả chói chang…
Cha mẹ đừng ngại lên kế hoạch cho gia đình đi du lịch bụi khi có con nhỏ, bởi trẻ con hoàn toàn có thể thích ứng được với các chuyến đi”, chị Ngọc Anh chia sẻ.
Thực tế, ở các nước phát triển như Úc, cha mẹ thường cho con đi nghỉ cùng từ rất nhỏ, thậm chí cả những chuyến đi dài ngày.
Các gia đình Úc rất coi trọng các kỳ nghỉ gia đình này, họ mua sắm rất đầy đầy đủ các những tiện nghi cho việc đi nghỉ: khi vào nhà người Úc bạn rất thường xuyên thấy cảnh một cái thuyển ca nô đi biển, một cái caravan (dạng xe kéo sau ô tô bên trong tiện nghi đầy đủ như một căn nhà: giường ngủ, bếp, nhà vệ sinh, máy giặt, nhà tắm, tivi, tủ lạnh…) được phủ bạt để sẵn đó cho những chuyến đi.
Ngoài ra những vật dụng nhỏ, cần thiết cho những chuyến đi dài ngày ở ngoài thiên nhiên như: Đèn pin, đệm hơi, túi ngủ, thù giữ nhiệt, trại...thì hầu như nhà nào cũng có đầy đủ.
Hầu hết các chuyến đi của gia đình chị Ngọc Anh đều tự lên kế hoạch, tự vạch lịch trình, tìm hiểu và sử dụng các phương tiện giao thông của người địa phương chứ không đặt tour, ngay cả khi ra nước ngoài.
Trước mỗi chuyến đi, các con tự chuẩn bị quần áo, đồ đạc cá nhân. Trong suốt chuyến đi, các con cũng tự mình mang hành lý của bản thân, và mỗi thành viên trong gia đình đều có nhiệm vụ nhất định.
“Anh lớn thì đi bao nhiêu ngày chuẩn bị đúng số lượng quần áo như thế và thêm một bộ dự phòng, với em là hai bộ dự phòng cho những chuyến đi ngắn.
Những chuyến đi dài ngày thì chuẩn bị khoảng 7- 8 bộ vì có thể giặt trong thời gian đi, luôn có một áo khoác, mũ, chai đựng nước cho riêng mình, sách đọc, và một cái ví trong đó có một ít tiền để nếu có lạc bố mẹ có thể lấy tiền đó mua đồ ăn nếu đói, đồ uống nếu khát, hoặc đi gọi điện cho bố mẹ….
Trong quá trình đi anh lớn là người ghi chép những chi tiêu của cả nhà trên đường đi, bố mẹ sẽ cho biết dự trù kinh phí cho chuyến đi đó là bao nhiêu, anh lớn có trách nhiệm ghi chép lại những chi phí và báo cho bố mẹ biết còn lại bao nhiêu để bố mẹ biết lựa cho những khoản chi tiếp theo”, chị Ngọc Anh kể.
Bà mẹ hai con chia sẻ rằng, không nhất thiết phải là người giàu có, dư dả tiền bạc mới có thể đi du lịch. Mà hoàn toàn có thể thực hiện các chuyến đi bằng những ngày lương cơ bản.
“Có bao nhiêu đi từng đó, 400-500 ngàn đồng là đã có thể tổ chức một chuyến đi cho cả gia đình. Nếu ở Việt Nam, đi xe máy, cơm gói mang đi thì có thể chỉ mất tiền xăng.
Gia đình tôi đã từng có chuyến đi từ TP. Hồ Chí Minh đến đảo Kê Gà, Phan Thiết chỉ với 350 ngàn đồng. Các con đã đi nhiều chuyến nhưng lại thích nhất chuyến đi ấy”, chị Ngọc Anh nói.
Cho con tuổi thơ đúng nghĩa!
Có rất nhiều hoạt động nghỉ ngơi, giải trí nhưng gia đình chị Ngọc chọn những chuyến đi bởi nó mang cả gia đình đến một không gian khác, một tâm trạng khác, cho trẻ con những kiến thức khác với những gì học ở trường. Trải nghiệm khác và những kỉ niệm mới...
“Chúng tôi từ chối những ngày cuối tuần bận rộn cả ngày với cơm nước và ngủ nghê hay những loại hoạt động mang tính nghĩa vụ: như thăm nhà bên nội, bên ngoại, người này, người kia, chúng tôi chỉ làm việc đó khi thấy nhớ nhung.
Có những chuyến đi, chỉ một ngày trong thành phố, cả nhà đi xe đạp, tiền chỉ cần đủ cho những thứ quà vặt dọc đường muốn ăn.
Có những chuyến đi có thể đi đến cả nửa đất nước, với phong cảnh, thời tiết khác lạ, những món ăn ngon mê ly của vùng đó và những trải nghiệm vô cùng độc đáo rồi quay về kịp để sáng thứ 2 các con ở trường bố mẹ đi làm việc, với chi phí không nhiều hơn 2 triệu cho cả gia đình.
Có những chuyến đi nước ngoài vào dịp tết, chúng tôi đi chơi nước ngoài trong gói chi phí đúng bằng tiền thưởng tết của cả gia đình và sinh hoạt phí bình thường cho những ngày đó ở nhà, trong chuyến đi chúng tôi ở những nơi đủ điều kiện vệ sinh cơ bản, ăn những món ăn bình dân đường phố, nhưng không vì thế làm chuyến đi bị rẻ đi, ngược lại chúng in đậm, và đa dạng vô cùng trong trí nhớ các thành viên.
Hoặc có những ngày lười nhác với những chuyến đi xa, chúng tôi cùng nhau chơi một ngày với những hoạt động khác hẳn với những ngày thường: cả một ngày không nề nếp, không trách nhiệm, ai thích chơi gì thì chơi, thích ăn lúc nào thì ăn, thích quậy ra sao thì quậy...
Theo tôi, vấn để không nằm ở chi phí, hay thời gian, mà vấn đề ở chỗ ý thức về sự nghỉ ngơi, và sư lựa chọn cách thức giải trí cho cuộc sống của mỗi người...
Tôi muốn đi để cuộc sống đa dạng và một lần duy nhất, cho tuổi thơ mà sau này chắc chắn các con mình chúng sẽ cùng hoài niệm...”, chị Ngọc Anh chia sẻ.