Huyền Chip và Trần Ngọc Thịnh: "Chẳng nên đứng về phía ai cả"

Bút Bi |

(Soha.vn) - Một VIP Blogger đã chia sẻ một bài viết băn khoăn việc đứng về phía ai trong "cuộc chiến" gây tranh cãi giữa Huyền Chip và Trần Ngọc Thịnh được dân mạng rất quan tâm.

Thông tin về việc Trần Ngọc Thịnh gửi đơn khiến nghị tới nhà xuất bản về nội dung cuốn sách "Xách balô lên và đi" của Huyền Chip khiến cộng đồng mạng quan tâm. Theo như thông tin thì NXB Văn học đã gửi Công văn số 140/XBVH trả lời thư kiến nghị của độc giả; toàn văn giải trình của tác giả Nguyễn Thị Khánh Huyền cho anh Trần Ngọc Thịnh vào ngày 3/10/2013. Nhưng ở thời điểm hiện tại Trần Ngọc Thịnh vẫn chưa nhận được bất kỳ bản giải trình nào.

Huyền Chip và Trần Ngọc Thịnh: Tôi nên đứng về phía ai?
 

Một VIP Blogger có nickname Sinh Lão Tà đã chia sẻ một bài viết với nội dung băn khoăn về việc đứng về phía ai trong cuộc tranh cãi này. Blogger này cho rằng cả Huyền Chip và Trần Ngọc Thịnh đều sai và độc giả nên bảo vệ chính mình hơn là hùa theo một phía.

Nội dung bài viết của blogger này:

"Mấy hôm nay, tôi dành nhiều thời gian quan tâm đến chuyện khiếu nại sách của Huyền Chip. Nhưng sau khi đọc những điều anh Trần Ngọc Thịnh viết trên trang cá nhân của anh, tôi cho rằng mình nên dừng mối quan tâm đến anh Fulbrighter này lại. Ít nhất là từ thời điểm này cho đến khi có những diễn biến mới từ việc khiếu nại của anh.

Trước hết, tôi thấy, ở tư cách tác giả, Huyền Chip không cần được bảo vệ. Cô phải sòng phẳng với phản hồi độc giả của mình. Không có bất kỳ văn bản khiếu nại cuốn sách nào được xem là "bắt nạt" cô cả. Khi cô đã cho ra một xuất bản phẩm, cô phải có trách nhiệm giải thích với những người đã bỏ tiền ra mua nó.

Độc giả nếu thấy không cần thiết, cũng chẳng phải cố công bảo vệ cho cô làm gì, tự cô viết ra, thì tự cô sẽ nhận thấy trách nhiệm phải giải thích. Không giải thích hoặc giải thích không thỏa đáng, cuốn sách tự nhiên sẽ bị tẩy chay.

Chưa nói về mặt nội dung thì bất cứ văn bản khiếu nại nào cũng đáng khuyến khích. Nhưng nếu đi sâu hơn, văn bản phản hồi đó mà có những đòi hỏi vi hiến như đòi tước đoạt quyền tự do của người khác thì cũng không nên bảo vệ cái văn bản phản hồi đó luôn.

Thứ mà người ta cần bảo vệ ở đây là quyền được nói, quyền tự do thể hiện quan điểm. Tôi đã đọc kiến nghị 21 trang của anh Thịnh. Đọc xong, tôi chỉ nghĩ rằng, nếu như kiến nghị (đình chỉ xuất bản; nếu sai phạm thì tịch thu, tiêu hủy, thu hồi, cấm phát hành vĩnh viễn; kỷ luật NXB và Ban biên tập) trong 21 trang đó thành công, sẽ để lại một tiền lệ cực kỳ xấu cho quyền tự do ngôn luận và xuất bản (là một trong những quyền tự do cơ bản nhất).

Hôm trước, nhân rảnh rỗi, tôi đã đi uống cafe và có dịp đọc qua tập 2 của cuốn sách. Tôi cũng có vài ý kiến chủ quan. Thứ nhất, tôi xin không xét hay dở thế nào vì hình như cuốn sách không viết cho một đối tượng như mình. Thứ hai, nội dung của nó chẳng có gì vi phạm để mà cấm xuất bản như điều 10 của Luật xuất bản năm 2012 đã quy định.

Chưa nói đến chuyện việc đình bản cuốn sách sẽ gây ra hậu quả về kinh tế và tinh thần cho tác giả và đơn vị phát hành; mà sau khi được phát hành lại sẽ không có ai đứng ra bù đắp lại được thiệt hại đó. Giải pháp đề xuất trong văn bản 21 trang đó, theo tôi, là rất dở.

Thứ nhất là thiếu khả thi vì không có cơ sở pháp lý để đình bản; thứ hai, sau khi xong xuôi, giả sử như Huyền Chip và nhà xuất bản thắng thế, rất có thể người khiếu nại sẽ bị kiện ngược vì bản khiếu nại kia đã gây thiệt hại đến họ.

Công lý và Sự thật không thể là chuyện anh lấy đạo đức xã hội ra mặc cả như trong kiến nghị; càng không thể là việc ngăn cản tự do báo chí, xuất bản và ngôn luận của người khác. Thứ ngăn cản đó sẽ là vi phạm pháp luật, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... như điều 258 BLHS đã quy định.

Tôi đã giả định như là cô tác giả đã sai vì nói dối ít nhiều trong sách, thì nội dung bản kiến nghị của anh kia cũng sai luôn vì đại diện cho độc giả mà lại đi xâm hại quyền tự do cơ bản của người khác. Khi ấy, tôi tự hỏi, mình phải đứng về phía nào? Im lặng cũng không phải là một sáng kiến hòa bình hay nhất. Vậy thì, những người đứng giữa như mình sẽ bảo vệ cái gì bây giờ?

Chẳng nên đứng về phía ai cả. Chỉ có một cách là bảo vệ cho chính mình. Tất nhiên tôi có lòng tin rằng, sẽ không có đơn vị quản lý xuất bản nào chấp thuận việc đình bản sách. Họ đâu có ngu. Nhưng giả sử, chỉ là giả sử thôi nhé, cuốn sách này bị đình chỉ xuất bản, hoặc tệ hơn là cấm phát hành, tiêu hủy đúng như kiến nghị, thì người phải chịu hậu quả về lâu dài về chính sách cho các xuất bản phẩm chắc chắn không dừng lại ở cô tác giả trẻ kia.

Việc tố cáo cái sai trong xã hội đương nhiên là thứ việc nên làm. Nhưng nếu không vạch ra được đúng mức độ của cái sai, thì sai lại càng thêm sai."

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Mời độc giả đọc tiếp các tin tức liên quan tới Huyền Chip

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại