Hành trình đầy trăn trở và giằng xé để được là chính mình của các bạn LBGT

Hoàng Long |

Đó chính xác là một cuộc hành trình đi tìm và sống đúng với những gì mình có - chuyến hành trình thể hiện rõ nhất ý nghĩa của sự lắng nghe trọn vẹn lẫn nhau trong cuộc sống của mỗi người.

Bạn có tưởng tượng được một ngày bỗng nhiên không còn muốn bước vào chính căn nhà của mình không? Rồi tới bố mẹ - những người ruột thịt nhất, thân thiết nhất lại là người khiến mình thấy bế tắc, ngột ngạt.

Cảm giác lạc lõng giữa những người thân, không ai nghe bạn nói, không ai hỏi xem bạn đang như thế nào, bạn biết chứ, rất buồn!

Đó là những ngày chính mình cũng loay hoay để tìm cách đối diện với bản thân, một mình chống trả lại những trăn trở, giằng xé và cả đấu tranh nhưng tuyệt nhiên rất khó mở lời để tìm một người chia sẻ.

Cái suy nghĩ "tôi khác mọi người" và "họ khác chúng ta" trở thành rào cản, khiến những nỗi niềm không được giãi bày và lắng nghe.

Những dòng mô tả trên chỉ là một phần nào đó cảm giác của các bạn LBGT từ lúc biết mình "khác biệt" cho tới khi quyết định come out.

Đó chính xác là một cuộc hành trình đi tìm và sống đúng với những gì mình có - chuyến hành trình thể hiện rõ nhất ý nghĩa của sự lắng nghe trọn vẹn lẫn nhau trong cuộc sống của mỗi người.

Chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng với một vài bạn trong cộng đồng LBGT để lắng nghe về những chuyến hành trình của họ. Đúng là có những câu chuyện, những cảm xúc mà bạn sẽ không bao giờ được biết tới cho đến khi thực lòng muốn lắng nghe và sẻ chia.

"Nhiều lần mình nghĩ đến việc tự vẫn"

Đây là những tâm sự của Cách Lai, một trans nam (người chuyển giới nam) sinh năm 1995.

Tên thường gọi: Cách Lai

Sinh năm 1995

Hiện tại đang sống ở Đồng Nai và kinh doanh cùng với gia đình

"Mình phát hiện ra mình khác với mọi người từ năm lớp 1. Lúc mà diễn đàn hihihehe xuất hiện ấy, theo như mình đọc trên đấy thì mình nghĩ mình là người đồng tính.

Lúc đấy mọi thứ vừa hồi hộp, vừa khó chịu lẫn buồn tủi. Rồi đến khi năm mình học lớp 9, gia đình mình có vài chuyện buồn, cộng thêm nỗi buồn của mình nữa, nên nhiều lần mình nghỉ đến việc tự vẫn.

Lúc đấy, thật sự mọi thứ rất khó khăn với một đứa trẻ như mình. Mình phải lên Sài Gòn tự lập tự kiếm ăn.

Vì rời khỏi gia đình nên mẹ bị suy sụp tinh thần rất nhiều, thế nên mình đã trở lại. Rồi mình cũng chia sẻ với mẹ rằng mình đồng tính. Gia đình cũng chấp nhận một chút nhưng cũng không đồng ý hoàn toàn.

Mọi thứ với mình bắt đầu thay đổi từ đó ngày mình biết đến diễn đàn lesking. Mình hiểu được rõ ràng mình sinh ra mang giới tính nữ, nhưng giới tính mà mình nhìn nhận được là nam. Lẽ ra mình phải là nam, mình không phải là người đồng tính.

Để chuyển giới đúng như mình đã mong muốn, mình phải tự tiết kiệm dành dụm trong một thời gian dài, nhưng mình vẫn không dám nói điều ấy với mẹ.

Cho đến ngày mẹ hỏi rằng có phải mình dành tiền để chuyển giới không, thật sự mình rất xúc động. Lúc ấy, lần thứ 2 sau 5 năm mình đã nói chuyện với mẹ về con người thật của mình.

Mẹ mình cũng thông cảm. Vì cha mẹ sinh con trời sinh tính. Mẹ mình cũng hiểu rằng không phải bản thân mình muốn như thế. Và mình vẫn là con của mẹ, nên mẹ chấp nhận mình sống thật.

Rồi mình cũng chia sẻ cho mẹ về thông tin của người chuyển giới, tâm lí chung của người chuyển giới... Mẹ mình bắt đầu cũng cảm thông và đồng ý cho mình phẫu thuật cắt bỏ ngực.

Mẹ cũng tìm hiểu mọi thông tin cũng như các nơi để có thể làm việc đấy, sau khi tìm được. Mẹ mình cũng như mình bắt đầu chia sẻ với các thành viên trong gia đình. Và mọi người ai cũng hầu như ai cũng đồng ý để mình sống thật là chính mình.

Nếu như mẹ mình không lắng nghe tâm sự của mình, cũng như chấp nhận mình, thì đến giờ mình sẽ không được như thế này. Hoặc có lẽ, với suy nghĩ của một đứa trẻ mới lớn, lúc đấy mình đã không còn tồn tại trên cuộc đời này nữa.

Lúc phẫu thuật để cắt bỏ ngực, chính mẹ đã đi cùng với mình. Mình cũng phải chịu đựng những lời miệt thị từ mọi người xung quanh. Trong suốt gian đoạn khó khăn đó, mình đã chia sẻ với cô út của mình.

Cô sống bên Mỹ nên cũng hiểu và an ủi mình lắm. Cô không có định kiến mà còn yêu thương mình hơn. Có được sự đồng cảm của cô út mình mới có thể tiếp tục sống đến bây giờ. Nhờ cô út mình mới biết suy nghĩ nhiều hơn về bản thân.

Cách Lai và mẹ.
Cách Lai và mẹ.

Nếu như không có sự lắng nghe, đồng cảm của những người quan trọng thân quen nhất là gia đình, có lẽ những người đồng tính và chuyển giới như mình sẽ không được là chính mình, cũng như không thể sống vui vẻ, thoải mái, bình an, và có một cuộc sống hạnh phúc."

“Những đứa nam không ra nam, nữ không ra nữ sẽ hại cả đời mày"

Nguyễn Minh Trí

Sinh năm 1995

Sinh viên năm 3 Đại học Văn hóa Tp.Hồ Chí Minh

 

"Tôi đã viết vào lọ điều ước rằng “TÔI MUỐN LÀ MỘT NGƯỜI BÌNH THƯỜNG” và chôn nó vào một nơi bí mật, với hy vọng rằng một ngày nào đó tôi sẽ lại là một người bình thường và mang lọ điều ước ấy lên cho ba mẹ tôi xem.

Ngày qua ngày, tôi càng thấy mình khác thường và không thể kiềm chế được bản thân mình, không thể làm trái lại với những gì mình muốn.

Tôi có những ham muốn ngày càng rõ ràng hơn đối với cả nam và nữ… Và câu trả lời cuối cùng cũng hiện ra… Tôi là một người song tính…

Dường như tất cả đã sụp đổ hoàn toàn. Tôi không dám đối diện với chính mình, không dám nói với ba mẹ biết tôi là người song tính. Tôi tưởng tượng nếu tôi nói những điều ấy ra, bố mẹ tôi sẽ đau lòng đến nhường nào.

Bố mẹ tôi đã từng chỉ thẳng vào mặt tôi và nói “Những đứa BÊ ĐÊ đó sẽ giết mày”, “Những đứa nam không ra nam, nữ không ra nữ sẽ hại cả đời mày” khi thấy tôi hay đi chung với các bạn trong cộng đồng. Làm sao mà tôi dám mở miệng đẻ nói lên sự thật phũ phàng đó?

Tôi cố gắng tra cứu và tìm những tài liệu khoa học và dễ hiểu nhất đưa cho ba mẹ tôi đọc. Tôi biết ba mẹ tôi đã nhận ra điều gì đó nhưng không diễn tả thành lời.

Tôi biết ba mẹ tôi đã hiểu một phần nào đó những tài liệu mà tôi đưa cho họ, nhưng chưa bao giờ hỏi tôi về chúng, chỉ im lặng và đôi khi nghẹn ngào không nhìn thẳng vào mắt tôi được.

Có đêm mẹ hôn lên trán tôi mà khóc, những đêm mẹ lấy những tấm giấy khen của tôi ngắm mà rơi lệ. Ba tôi đã từng ôm tôi thật chặt, nước mắt ông lăn trên má nóng hổi của tôi khi tôi chìm trong giấc say. Tôi biết và tim tôi như thắt lại, tôi như nghẹt thở.

Tôi như một đứa con bất hiếu. Tôi phải làm sao đây? Ba sẽ phải dắt tôi ra mộ ông cố để cáo lỗi vì đã sinh ra một đứa cháu đích tôn như tôi ư?

Tôi không muốn. Tôi luôn là đứa con ngoan, là niềm tự hào của bố mẹ và dòng họ cơ mà? Tôi chưa bao giờ làm bất cứ điều gì có lỗi với ba mẹ, chưa bao giờ làm điều gì bất hiếu với tổ tiên.

Nhưng giờ đây… Tôi cảm thấy mình là một thằng tồi tệ và xấu xa.

Một hôm, cô giáo chủ nhiệm của tôi đã gọi riêng tôi ra ngoài và khuyên tôi nên trở thành một người đàn ông thực thụ.

Cô khuyên tôi đi bác sĩ tâm lý, nói cho tôi nghe những điều khó khăn khi chuyển giới thành một người con gái. Rõ ràng cô không hề biết tôi yêu chính cái cơ thể này, tôi không phải là người chuyển giới.

Cô không biết tôi yêu chính cái bản năng con trai trong con người tôi nhưng tôi chỉ khác là tôi yêu con trai và cả con gái. Phải làm sao?

Rồi cũng đến lúc tôi phải quyết định cuộc đời của mình. Tôi đã chọn được là chính mình, tôi muốn được sống với giới tính thật của mình. Là một con người với tư cách, nhân cách là người song tính.

Tôi đem đến cho cuộc sống này sự đa dạng. Tôi chỉ cần được mọi người tôn trọng và công nhận. Tôi chỉ cần được yêu người tôi yêu dù người đó là trai hay gái. Tôi sẽ chứng minh cho gia đình tôi biết rằng tôi vẫn là một đứa con có hiếu theo cách của tôi".

Đây chính là những lời tự truyện (đã được rút gọn) về chính cuộc đời mình của Nguyễn Minh Trí - một bisxeual nam (người song tính).

Cũng như những bạn trong cộng đồng LBGT khác, Trí đã từng loay hoay và gặp áp lực rất nhiều từ khi biết mình song tính cho đến lúc "come out" với người thân.

"Thực ra trong quá khứ, những lúc bế tắc thì mình toàn tự giải thoát bằng những giọt nước mắt và sự giằng xé bên trong hơn là lựa chọn tâm sự với người khác.Nhưng có một cột mốc quan trọng mà người đó đã làm cho mình gần như lật qua một trang mới.

Đó là trong một ngày nọ, mình vụt chạy ra khỏi nhà khi mà áp lực từ họ hàng và ông bà nội đặt vấn đề về trách nhiệm gia đình khi mình vừa đủ 18 tuổi, thì mình đã tin tưởng và chạy đến nhà cô giáo dạy giáo dục công dân năm lớp 12.

Cô nói rất nhiều nhưng mình vẫn không quên một câu nói đó là:“Cô không quan tâm em có phải là người đồng tính hay không? Nhưng em nên gạt bỏ mọi thứ và chú tâm vào việc học và em hứa với ba mẹ sẽ học tập tốt.

Để mọi chuyện lắng xuống và khi em đậu đại học và lúc đó cô tin rằng em đã đủ chín chắn có thể quyết định cuộc đời của mình.

Và lúc đó chắc hẳn ba mẹ em sẽ tôn trọng quyết định của em”. Nếu như không có sự lắng nghe và chia sẻ từ lần đó, có lẽ, Trí vẫn chưa thể vượt qua được khủng hoảng với gia đình.

"Đến giai đoạn come out, mình lựa chọn cách để tài liệu về LGBT trong phòng ba mẹ và dòng cuối của cuốn sách mình có ghi dòng chữ "Con là người song tính" vì muốn chắc chắn là ba mẹ phải đọc hết cuốn sách đó.

Và cuối cùng mình đã được một sự khởi đầu khá thuận lợi vì ba mẹ đã quan tâm hơn đồng tính là gì? Song tính là gì? Chuyển giới là gì?... Và nhiều chuyện sau đó nữa".

Bản thân Trí cũng là một người thường xuyên tâm sự cũng các bạn trong cộng đồng LGBT. Trí lắng nghe những câu hỏi, thắc mắc về kiến thức; về cách giải quyết những điều trong cuộc sống mà các bạn đang trải qua cũng như tình huống khẩn cấp mà họ đang phải đối diện.

Cho đến hiện tại, Trí đã được ba mẹ chấp nhận xu hướng tính dục thật sự và đang có một cuộc sống rất tốt.

Trí có lời khuyên đến những bạn đã từng loay hoay để come out với gia đình như mình rằng: "Có rất nhiều nguyên nhân để họ không chấp nhận ngay được bạn chứ không phải họ không yêu thương bạn.

Vì thế hãy kiên nhẫn và suy nghĩ về những điều mình nói ở trên như ba mẹ bạn đã từng kiên nhẫn nuôi nấng bạn cho đến bây giờ".

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại