“Hâm mộ sao Hàn chẳng ảnh hưởng gì tương lai đất nước“

Dương Công Thọ |

“Cường điệu hóa việc khóc của một nhóm nhỏ để quy dựng cho hiện tượng xã hội là không đúng”.

Mỗi người đều có một đam mê và muốn sống hết mình cho niềm đam mê đó. Tuy nhiên, có những sở thích, đam mê của người này lại trở thành sự "dị hợm", "dở hơi" , "không vừa mắt" với người khác và họ cho rằng, đấy là sự "cuồng" một cách lố bịch, vô bổ.  

Và với những đánh giá như vậy, liệu có công bằng với những người trẻ "cháy" hết mình với những đam mê?

Sự kiện âm nhạc Music Bank in Hanoi với sự tham gia của 7 nhóm nhạc nổi tiếng đến từ Hàn Quốc khiến giới trẻ Việt xôn xao trong những ngày qua.

Nhiều bạn trẻ không kiềm chế được cảm xúc đã gào thét, khóc lóc khi nhìn thấy thần tượng của mình bằng xương bằng thịt. Những hình ảnh này nhanh chóng được ghi lại và gây ra một cuộc tranh luận nảy lửa trên cộng đồng mạng.

Nhiều bậc phụ huynh phải thốt lên “đắng lòng thấy con khóc vì sao Hàn”, “buồn muốn khóc vì con hâm mộ sao Hàn”...

Những bạn trẻ thể hiện tình yêu cho các ngôi sao Hàn Quốc

Giảng viên cao cấp Lê Anh Sơn - chuyên gia huấn luyện và định hướng nghề nghiệp giới trẻ cho rằng: “Giới trẻ có nhiều cách thể hiện cảm xúc theo tâm lý lứa tuổi của chúng mà đôi lúc phá cách so với cái nhìn truyền thống”.

Thưa ông, rất nhiều người nói: “Không thể hiểu nổi vì sao có hiện tượng bạn trẻ khóc ngất khi gặp sao Hàn?”.

Tôi nghĩ đây chỉ là một trạng thái cảm xúc hâm mộ được lên cao trào khi tình cảm ái mộ quá mức bị kìm nén bật thành hành động, kết hợp với phản ứng lây lan tâm lý trong đám đông khiến nhiều bạn trẻ bật khóc.

Nó cũng giống như trạng thái hâm mộ các lãnh tụ và điều này không phải là hiếm gặp.

Bản chất sâu thẳm của việc thần tượng sao Hàn cũng như việc thần tượng Lý Quang Diệu, Steven Job, các ngôi sao bóng đá hay các ngôi sao ca nhạc khác đều thể hiện 2 điều: Con người khát khao vươn lên cái tốt đẹp hơn trong cuộc sống và chọn cho mình một hình mẫu lý tưởng

Những điều này về bản chất nhân văn là tốt đẹp, cách thể hiện ra thì có muôn hình vạn trạng. Quốc gia nào cũng có các fan hâm mộ, thể hiện nhiều sắc thái khác nhau với thần tượng của mình.

Điều đó là bình thường khi tình yêu, lòng ái mộ đủ lớn.

Còn cách thể hiện của giới trẻ thì mình phải hiểu là giới trẻ có cái nhìn phá cách chứ không phải quan tâm truyền thống. Đó cũng là đặc điểm của tâm lý lứa tuổi.

Đặc điểm của tâm lý lứa tuổi như vậy có “đáng lo ngại”, hoặc là “vấn đề nhức nhối” như nhiều bậc phụ huynh bày tỏ không?

Đây là hiện tượng tâm lý bình thường chứ đừng quá đề cao quan điểm như cách nhìn của nhiều bậc phụ huynh là “vấn đề nhức nhối”.

Tại sao ta không đặt lại câu hỏi: “Liệu những điều chúng ta thấy có thực sự là nhức nhối của xã hội? Và liệu có điều gì để chứng minh rằng việc hôm nay các cháu nhỏ nước mắt vì thần tượng sẽ khiến các cháu trở thành không tốt trong tương lai?”

Giới trẻ có nhiều cách thể hiện cảm xúc theo tâm lý lứa tuổi của chúng mà đôi lúc phá cách so với cái nhìn truyền thống.

Cho nên nhìn vào đấy tôi thấy, nếu chúng ta nhìn vào đó theo góc độ tiêu cực là không đúng. Nếu nhìn vào góc độ tích cực thì các ngôi sao Hàn Quốc có gì? Họ có cái đẹp; tài năng; nghị lực.

Nhưng nhiều người lo ngại các em đang hâm mộ quá mức những thứ nhảm nhí, thưa ông?

Giới trẻ bị thuyết phục không phải vì những cái nhảm nhí, các em biết thần tượng những giá trị đó là sắc đẹp, tài năng và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Hiện tượng này không có gì là xấu.

Tuy nhiên, có điều một số hành động các em thể hiện thái quá, thì vấn đề các em làm điều đó trong trạng thái cảm xúc như thế nào.

Người lớn có nhiều người chết vì tình yêu thì việc trẻ em khóc vì thần tượng cũng giống như vậy. Nếu chúng ta không chấp nhận cách thể hiện cảm xúc đa dạng của xã hội thì ta sẽ cho rằng đó là tiêu cực.

Tôi rất đồng tính với chia sẻ của một bậc phụ huynh trên face book được chia sẻ rất nhiều thời gian qua, đó là: “Miễn nói đến chuyện khóc lóc, tôi thấy phần lớn đám trẻ mê sao Hàn đều trong sáng và mơ mộng. Chúng sống như trong giấc mơ cổ tích.

Mà đời này cần lắm những giấc mơ. Cái tôi sợ là con cái tôi đánh mất đi cảm xúc, chứ không phải cách nó mơ đến hoàng tử, công chúa xứ Hàn đẹp băng thanh ngọc khiết”.

Thế hệ ông trước đây có hâm mộ thần tượng của mình như giới trẻ ngày nay không?

Con người lớn lên nhờ những mẫu hình, thần tượng. Ngay việc truyền thông bây giờ thường hay đưa những cái tiêu cực nhiều hơn là mẫu hình. Vậy các em biết noi gương ai? Biết học ai? Biết thể hiện theo ai?

Trẻ em có tình yêu rất vô tư, trong sáng. Tình cảm thần tượng của giới trẻ không phụ thuộc vào quốc gia, không có tính dân tộc, tính sắc tộc, tính tôn giáo, không có tính chính trị, không có tính lý trí.

Giảng viên cao cấp Lê Anh Sơn - chuyên gia huấn luyện và định hướng nghề nghiệp giới trẻ

Đơn giản là những ai khiến các em phục thì các em yêu và thần tượng. Có em yêu các ngôi sao ca nhạc, có em thích các chính trị gia, có em thích các nhà toán học, có em thích nhà lập trình,... Bản chất ở đây là các em luôn đi tìm hình mẫu tốt đẹp cho mình mà hiện nay chúng ta đang thiếu.

Chẳng phải trước đây, thế hệ các bậc phụ huynh chúng ta cũng có trong lòng hình ảnh anh Kim Đồng, anh Nguyễn Bá Ngọc, Anh Hùng Núp, Chị Út Tịch, anh Hồ Giáo.. ngành nào, nghề nào, lứa tuổi nào đều có mẫu hình để mọi người noi theo.

Vì sao nhiều bậc phụ huynh lại lo lắng trước việc con cái họ hâm mộ sao Hàn đến cuồng nhiệt?

Chúng ta thử hỏi đã bao giờ người cha, người mẹ ngồi xuống cùng với con mình và hỏi tại sao con mình lại hâm mộ ca sĩ này hay diễn viên nọ chưa?

Tôi chắc rằng khi phụ huynh đặt những câu hỏi ấy cho con em mình, đa phần sẽ nhận ra rằng các cháu hâm mộ thần tượng bởi chính những điều nhân văn trong họ.

Hơn nữa các cháu thường có những tình cảm và mong muốn rất khó chia sẻ nên thường gửi gắm vào thần tượng.

Vấn đề ở đây là, chúng ta cần phải gần gũi và hiểu con trẻ trước khi phán xét những điều nặng nề về tình cảm của các em với thần tượng. Nhất là chỉ thông qua góc nhìn của báo chí qua hành động thể hiện cảm xúc của một nhóm nhỏ.

Các bậc phụ huynh nên ứng xử thế nào trong trường hợp này?

Tôi cho rằng, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến lý do tại sao các con hâm mộ thần tượng. Thứ 2, cần biết được mức độ hâm mộ của các cháu. Hâm mộ cũng có thời gian, có chu kỳ theo đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi.

Nếu các cháu hâm mộ ở mức độ bình thường thì không sao, còn nếu hâm mộ một cách hơi thái quá thì hãy giúp các cháu hiểu và biểu lộ tình cảm hâm mộ một cách văn minh lịch sự; hướng dẫn các cháu biến tình cảm hâm mộ thành động lực để các cháu rèn luyện bản thân và vươn lên.

Có phụ huynh nói: “Tôi phát khóc khi thấy con khóc vì sao Hàn” hay là “tương lai đất nước sẽ ra sao khi đặt vào thế hệ trẻ này”, ông bình luận sao về ý kiến này?

Tôi cho rằng, việc phụ huynh phát khóc khi thấy những giọt nước  mắt... thì đó là sự lo ngại cho gia đình hay sự chạnh lòng của cá nhân? Tôi cho rằng các cháu hâm mộ sao Hàn chẳng ảnh hưởng gì đến tương lai đất nước.

Như trên tôi đã nói, giới trẻ hâm mộ thần tượng theo nhiều sắc thái, mức độ khác nhau, một thứ tình cảm có giai đoạn, mà chúng ta cũng còn chưa hiểu hết nội tâm bên trong của “ hiện tượng khóc vì thần tượng”.

Một số ý kiến có phần cường điệu hóa việc khóc của một nhóm nhỏ để quy dựng cho hiện tượng xã hội là không đúng.

Cho nên việc dựa trên những hiện tượng trên mà nói rằng việc hâm mộ những ngôi sao là không tốt thì hoàn toàn sai lầm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

***

Cũng vì thể hiện tình yêu, sự yêu mến với thần tượng của mình mà nhiều bạn trẻ đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ dư luận khi họ cho rằng, đấy là sự "ngông cuồng" một cách quá mức.

Và khi bị phán xét như vậy, những người trong cuộc họ sẽ cảm thấy thế nào? Mời các bạn đón đọc bài tiếp theo.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại