Gần đây, cư dân mạng xôn xao và chia sẻ khá nhiều về câu chuyện của một bà cụ 83 tuổi hàng ngày phải đi bán hàng rong dưới thời tiết lạnh giá của mùa đông.
Cụ Nguyễn Thị Đà (83 tuổi) ngồi co ro trong cái rét xuống dưới 7 độ C của mùa đông Hà Nội
Trong cái rét xuống dưới 7 độ C của mùa đông Hà Nội, cụ Nguyễn Thị Đà (83 tuổi) vẫn hàng ngày mưu sinh trên các con phố tấp nập, kiếm miếng cơm manh áo sống qua ngày.
Vài tấm áo mỏng manh, sờn cũ không đủ giúp cụ xua đi giá rét của tiết trời khắc nghiệt. Ở cái tuổi gần đất xa trời này, tưởng rằng cụ phải được sống cuộc sống an nhàn nhưng éo le thay, không ngày nào cụ được thảnh thơi.
Cuộc sống khốn khó với 11 đứa con, 23 cháu và 15 chắt
Cụ Nguyễn Thị Đà (83 tuổi, Tuyên Quang) hiện đang sinh sống tại Hà Tây là nhân vật chính trong những câu chuyện xúc động đang được cộng đồng mạng chia sẻ.
Theo chân những nhà hảo tâm đến tận nơi cụ đang bán hàng, chúng tôi có cơ hội trò chuyện với cụ và hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của cụ.
Được biết, cụ Đà đang sống cùng chồng là cụ Nguyễn Văn Đáng (85 tuổi), và có 11 người con (7 con trai, 4 con gái) với 23 cháu và 15 chắt.
Theo như lời cụ chia sẻ, thời kỳ trước vì đẻ nhiều quá nên hai cụ không có điều kiện cho con cái ăn học đoàng hoàng, giờ các con chủ yếu đi làm thuê, làm mướn quần quật cả ngày nhưng cũng chỉ đủ nuôi mấy miệng ăn trong nhà.
Con cháu đông, mà hoàn cảnh lại khó khăn nên gia đình cụ luôn trong tình trạng thiếu thốn đủ bề.
Mỗi lần kể cho chúng tôi nghe, cụ đều rưng rưng nước mắt.
“Chúng tôi có đông con cháu quá, nhưng mà đói khát quá. Ngày trước, cái bát cũng không có mà dùng, còn quần áo thì toàn đi xin mới đủ ấm.
Nhiều năm liền chúng tôi phải đi xin bao tải về khâu thành chăn cho các con đắp, chứ cũng không có tiền mua chăn.
Những năm trời rét đậm, đêm rét quá, không ngủ được thì đành đi kiếm củi đốt, tôi luôn phải thức để giữ lửa cho con ngủ ngon giấc”, cụ vừa khóc vừa nhớ lại.
Khi được hỏi về gánh hàng rong, cụ nước mắt lưng tròng chia sẻ: “Chúng nó cũng bảo, thôi giờ bố mẹ già rồi, không phải đi làm vất vả đâu, chúng con góp mỗi người 50 – 100 ngàn hàng tháng, chúng con nuôi bố mẹ.
Nói thế thôi nhưng chúng tôi biết các con vất vả lắm, chẳng có đồng nào dư dả cả. Các con cho được có 100 ngàn cũng phải đi mượn hàng xóm láng giềng.
Nhiều lần nghe hàng xóm kể, các con sang vay tiền mà tôi ứa nước mắt. Chúng nó bảo “Bà ơi, bà cho cháu vay 100 ngàn cháu biếu mẹ, mẹ cháu chẳng còn đồng nào tiêu cả”. Nghĩ cũng thấy xót xa thay cho các con”.
“Còn khỏe ngày nào thì tôi cố mà tự nuôi sống bản thân ngày đó, khi nào mà yếu quá rồi thì ở nhà chúng nó nuôi.
Sau này mà ai ra đi trước thì về ở với con cháu sau, chứ giờ cả hai chúng tôi về ở chung với con cháu, chúng nó cũng khó khăn lắm rồi”, cụ Đà nhấn mạnh.
Sau đó, cụ Đà lên Hà Nội. Vì cũng không có nhiều vốn liếng để buôn bán to, nên cụ lấy hàng ở bãi giữa sông Hồng, buôn củ khoai, củ sắn.
May mắn được một người tốt bụng cho thuê nhà miễn phí, cụ đỡ được khoản tiền phòng trọ, cố gắng bám gánh hàng rong, kiếm chút tiền gửi về nhà.
“Bán cái này vốn ít, có tầm 100 – 200 ngàn thôi. Người dân họ đẩy xe sang bên này bán, tôi mua xong hàng thì thuê xe ôm chở sang chỗ Yên Phụ, trả cho người xe ôm 20 ngàn/lượt, rồi ngồi đó bán cả ngày”.
Cụ tiết lộ, hàng bán bao giờ hết mới dám về. Những hôm vì ế quá nên phải đội hàng lên đầu, rong ruổi khắp phố này phường kia để mong bán cho hết hàng.
Những chiều 6-7 độ C, cụ vẫn miệt mài đội hàng xuống đường Thanh Niên, phủ Tây Hồ, đến 7h – 8h mới về nhà trọ.
Tình người ấm áp và sức mạnh của cộng đồng mạng
Ngay sau khi những hình ảnh của cụ Đà được lan truyền trên khắp các diễn đàn, dân mạng nhanh chóng tìm ra cụ và không ngần ngại ủng hộ cụ quần áo và những đồ dùng thiết yếu.
Ngồi trò chuyện với cụ, chúng tôi không khó để nhận ra sự hạnh phúc nhỏ bé của cụ: “Mấy hôm nay các anh các chị ở đâu đến mua đông lắm, chứ mọi khi chẳng ai mua cả.
Thỉnh thoảng mới có người mua, ế lắm, nên tôi cứ phải thường xuyên cho hàng đội lên đầu đi bán khắp nơi. Không hiểu sao, hai hôm nay nhiều người mua hộ, bán hết nhanh, 3h đã bán hết rồi”.
Đang trò chuyện thì chúng tôi bắt gặp một cặp vợ chồng trẻ, mang đến biếu cụ 2 chiếc áo ấm với lời căn dặn: “Cụ phải mặc cho ấm nhé, cụ đừng cho ai, giữ lại mà măc cụ nhé”.
Những hành động, những món quá nhỏ bé của các bạn trẻ giúp đỡ cụ Đà khiến không chỉ cụ mà rất nhiều người cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc trong những ngày đông lạnh giá ở Hà Nội.