Gửi những đứa “hâm, dở, ngu dốt…” là SVTN phân làn giao thông

Luna |

Đó chính là tựa đề bài viết của một nam sinh viên tình nguyện trong mùa thi 2015 vừa qua. Qua đây, chắc hẳn người xem thấy được nhiều điều.

Những ngày qua, câu chuyện "hàng rào sống" của các bạn sinh viên tình nguyện (SVTN) đã trở thành tâm điểm chú ý của mạng xã hội.

Những bạn trẻ này đã không ngại quản trời nắng chói chang, cái nóng có khi lên tới 50 độ (nhiệt độ ngoài trời)... vẫn đứng sát cánh bên nhau để hỗ trợ những thí sinh và người nhà có một kì thi suôn sẻ.

Có người khen, có kẻ chê về hành động luôn được cho là "giúp ích cho đời" này. Tất nhiên, mọi lời khen-chê đó đều có cơ sở và cũng có lý lẽ riêng khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Nhưng tất cả đó mới chỉ là những ý kiến, góc nhìn từ người ngoài cuộc, những người không phải trực tiếp tham gia công việc có nhiều phần vinh quanh lẫn tủi hờn này.

Đến hôm nay, người trong cuộc đã lên tiếng. Chàng sinh viên V.Q.A đã tự nhận mình là "hâm, dở, ngu dốt.." để nói ra tất cả những cảm nhận của mình về những gì đã qua.

Từ câu chuyện này, chúng ta chắc chắn sẽ có một cái nhìn hoàn toàn khác về "hàng rào sống" ,về những SVTN, những người đã phải chịu nhiều chỉ trích trong đợt thi vừa rồi.

Chúng tôi xin được trích dẫn đoạn chia sẻ của V.Q.A:

Trong cái note (ghi chú) này sẽ chủ yếu làm các bạn chạnh lòng nhưng mình mong các bạn cần phải chấp nhận điều đó, và vẫn phải giữ vững niềm tin với 2 chữ Tình Nguyện sau khi đọc nó.

Trong cái nắng nóng oi ả của Hà Nội, mà có nơi nên đến tận 50 độ C chắc các Tình nguyện viên (TNV) đều biết đang có một đợt gió mùa đến từ các nhà đạo đức, thanh tra trên facebook đến với riêng chúng ta.

Điều đầu tiên, tôi muốn nhấn mạnh họ đang chửi TNV là chửi công tác điều tiết giao thông “hàng rào sống” chứ không phải cả những hoạt động tìm nhà trọ, hỗ trợ thí sinh tại trường thi, bến xe, phát cơm miễn phí, bản đồ... những hoạt động đó chúng ta đã làm rất tốt.  

Còn một số người a dua lên, nhấn mạnh lên chửi hết cả chiến dịch Tiếp sức mùa thi (TSMT), bình luận kiểu miệt thị, không xây dựng thì khi đọc những thứ đó các bạn hãy cứ mặc kệ họ đi.

Tác dụng của việc phân làn giao thông trước khu vực thi thì tôi tin là ai cũng hiểu. Nhưng chúng ta, những TNV cần phải thẳng thắn nhận thức rằng việc đứng làm “hàng rào sống” dưới trời nắng 45 độ của Hà Nội như vậy là phản khoa học, là không nên.

Điều đó tôi tin là tất cả các TNV là sinh viên tình nguyện đều hiểu, chúng ta đều là có học thức mà. Các bạn phải công nhận những người nói ta “hâm, dở, ngu dốt” vì hành động “hàng rào sống” là hợp lý lẽ thông thường ở thế ký 21.

Mặc dù làm chúng ta chạnh lòng nhưng hãy nhận mình “hâm, dở, ngu dốt” đi. (Nếu nhìn theo cách làm)

Nhưng họ đâu hiểu rằng “hàng rào sống” để phân làn giao thông dường như là cách khả dĩ duy nhất để phân làn trước khu vực thi trong điều kiện thực tế của Việt Nam.

Đừng so sánh với Singapore, Nhật Bản, hay Châu Âu nó buồn cười lắm. Nói điều kiện thực tế của ta thì chủ yếu có 2 điều kiện sau:

1. Cái nhắc đến đầu tiên là Ý thức của phụ huynh đón thí sinh và người tham gia giao thông quá kém.

Họ không cần biết đến người khác, cứ chỗ râm là dừng, mặc dù khu vực đó đang rất đông xe cộ qua lại, cả ô tô lẫn xe máy.

Họ đâu cần biết, đây là khu vực thị, cần phải di chuyển khác mọi ngày, để tránh ảnh hưởng các em thí sinh, phía sau họ là hàng nghìn xe nối đuôi nhau chỉ vài cen-ti-mét.

Họ dừng lại vài 3 giây là cả đoạn đường tắc nghẽn, một người làm thế được, rồi đến 2, rồi đến 3, 4, 5… cứ được việc của mình đã.

Người đi đường cũng vậy, lấn làn, rồi bóp còi inh ỏi khu vực thi. Dây thừng chúng ta cũng đã chuẩn bị hàng chục mét để căng ra, nhưng thực sự không hiệu quả.

Họ sẵn sàng vén rào, vượt dây để chui qua, thậm chí cầm dao cưa, đâm đứt, để có thể đi qua một cách dễ dàng.

Mình tin là hàng rào di động cũng chẳng ăn thua, vì người dân vẫn phá hàng rào giao thông chuyện bình thường mà. Và đúng là chỉ có dùng người họ không dám đâm thôi!

Nhưng mà cũng không phải nhé, chính tôi đây, còn bị người ta cố tình đâm vào chân để vào được chỗ râm mát, để đón được con họ, mặc dụ chỗ đó là làm cho thí sinh đi bộ.

May là có một anh công an kịp đẩy ra chứ không chắc tôi cũng nghỉ chạy bộ giảm béo vài tháng.

Đấy, đến người còn đâm nữa là hàng rào di động tuy số như này cũng ít. Còn một lần nữa, tôi bị một người chửi: “Tao đi đón con tao, kệ tao, đường của nhà mày à, tao thích đi thế nào thì đi’’.

Vậy mà tôi cố nén, nghĩ rằng thôi coi như người ta khen “mình đẹp trai đi”. Nếu mà thực sự ý thức người dân tốt thì chẳng cần sinh viên tình nguyện, cứ theo vạch sơn của đường mà đi, hoặc là chỉ cần một sơi dây căng ra và 2, 3 anh chiến sĩ CSGT là xong.

2. Một số cấp bên trên hình như không quan tâm đến việc sinh viên làm như thế nào? Có những việc làm rất vô ích!

Ví dụ như ở một điểm có dựng lên một cái kiot ghi là “Dịch vụ cộng đồng miễn phí,” có logo các nhà tài trợ, sẽ có cơm, rồi bánh mì, mà đến ngày thi chả thấy nửa cái bánh mì nào, dựng không để đấy làm màu.

Tất nhiên là logo nhà tài trợ vẫn nằm ở đó.

Một người bạn của tôi cũng làm TNV cũng nói "bọn tao cũng họp để xem làm cách nào để phân làn mà các bạn không vất vả quá, nhưng tất cả dây thừng, hay hàng rào đều không khả thi.

Hàng rào di động TNV lấy tiền đâu ra để mua, trong khi đến cốc nước, xuất cơm cũng phải tự túc . Được hôm có nhà tài trợ cơm miễn phí thì sướng như điên. Đề xuất với cấp trên liệu có được chấp thuận không?"   

Vậy ai sẽ là người mua hàng rào đây? Họ ở đâu? Ngoài nắng hay trong điều hòa? 

Những phương án đó thì mình tin là đội sinh viên tình nguyện nào cũng nghĩ ra được. Nhưng việc thực hiện được hay không với khả năng vật chất sinh viên lại là chuyện khác. Thôi thì nghĩ ra mà không làm được thì nhận “ngu, não ngắn” đi.

Nói thế không phải để thanh minh cho hành động “hàng rào sống” của chúng ta, mà sự thực hoàn cảnh hiện tại nó bắt chúng ta phải làm vậy.

Dẫu biết mục đích cuối cùng để các em có một kì thi suôn sẻ nhưng tôi cũng là TNV mà nhìn mọi người “hàng rào sống” dưới trời 45 độ như vậy tôi cũng xót và thương lắm, mà ở điểm trường Nhân Văn của tôi, TNV nữ là đa số nên càng xót!!!

Trong đoạn chia sẻ trước tôi có nói đợt TSMT năm nay đối với tôi là không trọn vẹn cũng một phần là vì phải nhìn thấy “hàng rào sống”. Vâng chúng ta dù có thông minh, đỗ đại học thì cũng phải công nhận là "hâm, ngu, dở" thiệt.

Tôi đã tham gia tiếp sức mùa thi hai mùa, nhưng mùa năm ngoái điểm của tôi không phải chịu áp lức giao thông nên việc tôi không biết nỗi khổ của phân làn giao thông, nhưng năm nay làm tại điểm Tự Nhiên - Nhân Văn thì chắc là tôi nếm đủ rồi.  

Khi  tham gia phỏng vấn TNV, người phóng viên có hỏi tôi: “Theo em, nếu để nói 3 từ về những tố chất mà TNV cần có thì e sẽ nói những từ nào?”, tôi trả lời một cụm từ thôi “Nhiêt tình”.

Nhiệt tình ở đây không chỉ là về mặt thể xác mà cả nhiệt tình về trí óc nữa. 

Nên việc cần làm ngay sau đợt TSMT này của tôi và các bạn còn dám tham gia TSMT những đợt sau là hãy nghĩ ra một cách để phân làn hiệu quả mà không cần dùng đến” hàng rào sống”, mà cách đó phải làm được nhé! 

Điều cuối cùng, tôi và các bạn TNV muốn nói là chúng tôi chỉ mong ý thức của người dân tốt hơn 1 tí, vì thí sinh 1 tí.

Chỉ cần trong đầu họ “ý thức rằng rồi cũng đến ngày con em họ thi, nên bây giờ mình tạo điều kiện cho thí sinh bằng cách di chuyển có ý thức hơn. Lúc đến con em mình thi cũng sẽ suôn sẻ” thì chắc phân làn giao thông sẽ không còn trong từ điển của TSMT nữa.

Ôi chắc “1000” năm sau…!!!!

Vì nếu dùng hàng rào thép, sắt di động để phân làn thì tôi nghĩ chúng ta cũng không khác gì những động vật bình thường trong chương trình thế giới động vật đâu ! Con người là động vật cấp cao mà!

Dù sao thì hãy cứ vui lên, vì hành động "hâm, dở, ngu dốt" đó cũng đã giúp các thí sinh có một kì thi "suôn sẻ, trọn vẹn" !!

Tôi – một TNV phân làn giao thông điểm thi Nhân Văn.

Bonus: Anh bạn của tôi có tặng tôi một câu chuyện để cổ vũ tinh thần của chúng ta trong đợt gió mùa này, các bạn đọc nhé, hẹn gặp ở TSMT những đợt sau: 

Ngày xưa có một ông họa sĩ và ông muốn truyền nghề cho người học trò của mình. Người học trò rất sung sướng nhận lời thầy. Ông nói : Con hãy vẽ một bức tranh đẹp nhất mang đến đây.

Sau đó người học trò mang tác phẩm của mình đến cho thầy và nói: đây là bức tranh con thích nhất trong cuộc đời này.

Người thầy nói: "Con hay mang bức tranh này đến treo ở trung tâm thành phố đặt một cây bút chì và ghi rõ: Nếu ai tìm được điểm sai thì hãy đánh dấu chỉ giúp tôi". Người học trò vui vẻ làm theo lời thầy vì nghĩ rằng bức tranh quá đẹp.

Một tuần sau người học trò nói với thầ: "Thầy ơi con muốn bỏ cuộc vì bức tranh của con có cả nghìn người đánh dấu".

Thầy giáo bảo hãy vẽ lại một bức tranh giống hệt như vậy và đặt lại chỗ cũ nhưng lần này hãy ghi dòng chữ: Nếu bức tranh bị sai thì hãy sửa lại giúp tôi.

Một tuần sau người học trò đến và nói thầy ơi không có ai sửa cho con cả. Bây giờ người thầy mới nói có hàng triệu người chê bai bức tranh, nhưng không ai dám sửa sai vì họ sợ người khác sẽ chê họ sai.

Con người rất hăng say trong việc tìm ra lỗi sai của người khác, nhưng lại ít khi có đủ lòng tốt để sửa những sai sót đó.

P/S: Trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy, khi đã có niềm tin với công việc của mình thì bất chấp mọi thứ khác, hãy cứ tiếp tục công việc của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại