Nếu ngày trước, facebook là “tội đồ” của ảnh nóng, clip giường chiếu, những scandal động trời… dần dần “lấn sân” (và cả chia cách) đời sống tình cảm gia đình, bạn bè, thì hôm nay nó lại trở thành một công cụ kệch cỡm để người ta… chia buồn với người khác.
Xem xét một cách sâu xa, facebook dường như cũng đang chi phối và gây ảnh hưởng trái chiều đến cả những điều được coi là “nghĩa tận” của con người.
Like thần thánh và R.I.P ban phát
Không bàn đến hình ảnh gây sốc của một gia đình tự sướng khi đưa tang rồi cập nhật lên facebook, chỉ một thông báo của bạn bè hay người thân về một sự ra đi nào đó, người ta lại được dịp nhấn nút “like” thần thánh.
Trong trường hợp này, ý nghĩa mập mờ của việc “thích điều này” chắc hẳn cũng nhiều người đã nghĩ tới. “Like” để chia sẻ, để chia buồn, đề ủi an… hay chỉ đơn giản là “like” hưởng ứng (vì bản thân cũng không quen biết với gia chủ) đang tạo ra một bức tranh dở khóc dở cười thời lên ngôi của mạng xã hội.
Một sự thật khác là sự ra đi khi còn rất trẻ của một số người dùng facebook đã để lại rất nhiều tiếc nuối và đau xót cho gia đình họ. Khi nhìn vào facebook của một người mất đi, những bình luận kiểu “R.I.P” (Rest in peace- hãy yên nghỉ) xuất hiện đầy rẫy và vô tội vạ trên “tường” dễ khiến người ta đau xót.
Chỉ là phong trào?
Giờ đây, tràn ngập cảnh tượng Like và R.I.P “truyền thống” được người ta vô tư “ban phát” trên facebook. Đáng nói là trong danh sách đó, không ít "người dưng" cũng “khóc thương” cho có… phong trào để chia buồn. Thậm chí, người buồn vì những mất mát cũng cảm thấy… vui vì có quá nhiều người like và chia sẻ đến thế.
“Facebook là quyền riêng tư và cá nhân, thế nhưng những chia sẻ, nhất là với người đã mất nên chân thành và không mang tính phong trào. Chết là hết, sự nguyện cầu sẽ chẳng còn chút ý nghĩa nào khi được lan truyền đi bằng thứ tình cảm trống rỗng và ráo hoảnh. Mất rồi còn nghe thấy gì đâu mà R.I.P...” - Trung Thu, NVVP cho biết.
“Người ta viết đầy trên tường facebook của anh tôi khi họ hay tin anh mất. Sẽ chẳng có gì bận tâm nếu không có thêm những tranh cãi hay bình luận không hay bên dưới. Tình cảm của bạn bè anh tôi ghi nhận, nhưng rõ ràng chúng tôi không thể kiểm soát hết được cả một cộng đồng đông đảo mức độ tình cảm và động cơ khác nhau như facebook.
Ước gì tôi có thể đăng nhập vào tài khoản của anh để ngưng việc sử dụng lại, tôi tiếc vì đã không làm được điều đó”, Ngọc Tâm, một nữ sinh có anh trai mất sớm trải lòng.
Câu hỏi đặt ra là, giữa lúc được cho là “bối rối” và “sơ sót” đó, người ta còn có thể kiểm tra facebook để “like” bình luận và cảm ơn cộng đồng facebook sao? Rõ ràng, câu chuyện của facebook có lẽ không chỉ gây ảnh hưởng nhiều đến những người… còn sống!