Cuộc sống của chúng ta đầy ắp những quyết định. Đa phần chúng liên quan đến nhu cầu cơ bản của bản thân. Tuy vậy, một số quyết định khá quan trọng, có thể gây ảnh hưởng đến phần đời còn lại.
Một nghiên cứu gần đây từ Đại học Columbia chỉ ra rằng chúng ta bị sa lầy với hơn 70 quyết định mỗi ngày. Số lượng lớn này dẫn đến một hiện tượng là quyết định mệt mỏi. Ở trạng thái này, não bộ có thể ở trạng thái căng thẳng.
Theo một nghiên cứu khác của Đại học Texas, ngay cả khi bộ não của chúng ta không mệt mỏi thì chúng cũng khó đưa ra quyết định tốt.
Khi đưa ra một quyết định, thay vì tham khảo các kiến thức chúng ta tích lũy được, não bộ lại tập trung vào những ký ức cụ thể từng trải qua.
Ví dụ, bạn mới mua một chiếc xe mới và bạn đang cân nhắc xem liệu có nên làm ghế da không. Dù bạn biết rằng chi phí vượt quá khả năng chi trả nhưng não của bạn lại tập trung vào những ký ức.
Đó là cảm nhận tuyệt vời khi ngồi ghế bọc da trên xe thể thao của những người bạn.
Thực chất thì bạn nên tưởng tưởng tượng về tình trạng “viêm màng túi” trong tương lai bởi những khoản thanh toán khổng lồ. Rất khó để cân nhắc đến tình trạng xấu có thể xảy ra vì trong trí nhớ của bạn chưa có ký ức này.
“Tôi không phải là sản phẩm của hoàn cảnh. Tôi là sản phẩm của những quyết định của mình” –Stephen Covey từng nói.
Một số quyết định khá nhỏ, như việc ăn gì, lái xe đường nào đi làm hay làm nhiệm vụ nào trước.
Một số khác thì khó khăn hơn, như lựa chọn giữa lời mời làm việc từ 2 công ty, liệu có nên chuyển đến một thành phố mới vì người mình yêu hay đẩy một người ra khỏi cuộc sống của bạn.
Dù là quyết định quan trọng hay không, rất khó khăn cho chúng ta có thể giữ vững quan điểm để đưa ra những lựa chọn đúng đắn.
(Ảnh minh họa)
Dưới đây là 5 điều hối tiếc lớn nhất mọi người thường đề cập đến:
1 – Ước rằng mình đã không lựa chọn theo suy nghĩ của người khác
Khi bạn đưa ra quyết định dựa vào suy nghĩ của người khác, hai điều có thể xảy ra:
1. Có một lựa chọn nghề nghiệp không phù hợp: Có rất nhiều người đang hối tiếc với tấm bằng họ có hay thậm chí là công việc họ đang phải làm.
Hãy lựa chọn và theo đuổi nghề nghiệp dựa trên niềm đam mê thay vì quá phụ thuộc vào lựa chọn của cha mẹ hay ai đó. Một công việc không phù hợp có thể là quyết định khiến bạn hối hận cả đời.
2. Không đề cao nguyên tắc của bản thân: Sếp đang nghĩ gì về mình? Cần bao nhiêu tiền để vợ chồng mình hạnh phúc? Nhìn mình sẽ thảm hại thế nào nếu mình thất bại?
Quá chìm đắm với đống suy nghĩ này sẽ khiến bạn dễ vi phạm nguyên tắc của bản thân. Nếu muốn sống tốt, điều quan trọng nhất là luôn sống thật với chính mình.
Cách tốt nhất để tránh sai lầm này là luôn nhận định ý kiến của người khác chỉ dùng để tham khảo. Dù mọi người có cảm thấy bạn tốt đẹp hay tồi tệ khi tự mình đưa ra quyết định thì đó cũng là giá trị bên trong của bạn.
2 – Ước rằng mình đừng làm việc quá chăm chỉ
Làm việc chăm chỉ là cách tuyệt vời để học tập, trưởng thành, đôi lúc còn là để cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, điều này cũng trở thành vấn đề khi bạn phải đánh đổi bằng chính những người thân bên cạnh.
Trớ trêu thay, chúng ta làm việc chăm chỉ để kiếm nhiều tiền hơn cho người thân yêu mà không chịu hiểu rằng họ cần sự quan tâm hơn là tiền bạc.
Điều quan trọng là phải cân bằng được giữa công việc cuộc sống, thời gian làm điều mình thích và thời gian bên cạnh người thân.
Nếu không, một ngày nào đó nhìn lại, bạn chỉ cảm thấy nuối tiếc vì sao mình không dành thời gian cho người thân nhiều hơn.
3 – Ước rằng mình đã bày tỏ cảm xúc
Chúng ta thường dạy trẻ con phải biết cách kiểm soát cảm xúc. Lúc đầu, điều này không có vấn đề gì, nhưng lâu dần, cảm xúc bị kiềm chế quá lâu có thể bùng phát.
Điều tốt nhất là bộc lộ cảm xúc thật của mình. Dù cho bạn có cảm thấy tổn thương, nhưng điều quan trọng là trung thực và minh bạch.
Ví dụ, bạn đang cảm thấy mình chưa được trả lương xứng đáng, hãy xin một cuộc hẹn với sếp và trình bày về mức lương bạn nghĩ mình đáng được hưởng.
Có thể sếp bạn sẽ đồng ý tăng lương. Nếu không thì ông ta cũng sẽ nói cho bạn biết bạn cần làm gì để có thể có mức lương tốt hơn.
Ngược lại, nếu bạn không làm gì và chỉ giữ sự bất mãn ở trong lòng, đây sẽ là điều cản trở công việc, giảm hiệu suất công việc. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến bạn sẽ chẳng đạt được điều mong muốn.
4 – Ước gì mình giữ liên lạc với bạn bè
Khi chú tâm theo đuổi những kế hoạch cá nhân, bạn dễ dàng bỏ quên những người quan trong với mình, đặc biệt là những người bạn cần dành thời gian nhiều hơn nữa. Mối quan hệ với bạn bè cũ thường là điều đầu tiên bạn đánh mất khi quá bận rộn.
Thật đáng tiếc vì dành thời gian bên bạn bè sẽ giúp giảm stress. Những người bạn thân mang đến năng lượng, sự tươi mới mà không ai có thể làm được.
5 – Ước gì mình sống vui vẻ hơn
Có lẽ khi gần kề với ranh giới của sự sống và cái chết, bạn mới nhận thấy những khó khăn mình từng đối mặt rất nhỏ bé so với khoảng thời gian tươi đẹp đã trải qua.
Thực tế bạn có cảm thấy buồn khổ hay không, cũng là do chính lựa chọn của chính bạn mà thôi.
Tiếc rằng, khi mọi người nhận thấy được điều này thì cũng quá muộn. Chúng ta đều không thể tránh khỏi những đau thương nhưng niềm vui hay nỗi buồn đều nằm dưới kiểm soát của chúng ta.
Học cách cười to, mỉm cười và tự cảm thấy hạnh phúc có thể khó khăn trong những bước đầu tiên. Tuy vậy nếu thực hiện được, bạn sẽ thấy hoàn toàn xứng đáng với nỗ lực của bản thân.
Nhiều quyết định bạn thực hiện hàng ngày nhưng lại gây ảnh hưởng đến cả cuộc đời. Hãy cẩn thận và chú tâm để bản thân không bao giờ phải nuối tiếc.