Vụ tai nạn kinh hoàng trên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc vào tối ngày 8/11 cho tới nay vẫn là đề tài nóng được dư luận đặc biệt quan tâm.
Nhiều người không khỏi bất ngờ trước những gì mà các nhân chứng vụ tai nạn tối hôm đó chia sẻ, đặc biệt là hành động gây tranh cãi của nhiều người có mặt tại hiện trường.
Rất nhiều người đã dừng xe lại, nhưng chỉ có vài người trong số đó chạy tới giúp đỡ các nạn nhân, phần còn lại thì đứng lặng yên bàn tán, rồi lôi điện thoại ra để chụp, để quay clip, chia sẻ lên mạng cho "nóng".
Câu chuyện về cách ứng xử khi thấy người gặp nạn trên đường dù không còn mới nhưng nó lại một lần nữa khiến dư luận rùng mình và suy ngẫm: Phải chăng chúng ta đang quá vô tâm, thờ ơ với cộng đồng hay chúng ta đang sợ "mang tiếng người tốt"?
Nhiều người lựa chọn cách rút điện thoại để chụp hiện trường thay vì chạy tới giúp đỡ các nạn nhân.
Liên quan đến câu chuyện gây tranh cãi này, chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc) cho rằng đó là điều thường thấy ở xã hội hiện nay.
“Tôi đã chứng kiến rất nhiều, trong đó có vụ cháy ở tiệm vàng chợ Bưởi, bà giúp việc bị chết cháy. Mặc dù, trước đó ở ngoài, nhiều thanh niên xúm xít đứng nhìn, nhưng chẳng ai xông vào cứu.
Thậm chí, tôi thấy nhiều thanh niên va chạm trên đường, không giúp đỡ người bị nạn mà còn quay sang chửi “Đồ ngu, đi thế à?”.
Một lần, cặp trai gái vừa hôn nhau khi đang lái xe trên đường và suýt chút nữa va chạm khi tôi băng qua đường. Lập tức, cậu trai quay sang chửi tôi “Đồ khỉ già” rồi phóng xe đi thẳng”, bà Túy kể lại.
Theo vị chuyên gia tâm lý này thì nhiều người trở nên vô cảm, thờ ơ và thiếu trách nhiệm với xã hội hơn. Thấy người đi đường gặp tai nạn, không ít người nhìn thấy nhưng chỉ ngó qua, thờ ơ, sau đó đi thẳng vì sợ dính líu, vợ lây.
“Trong những người dừng xe, xúm lại chụp ảnh, xem thì nhiều, ra tay cứu người thì ít. Họ làm thế vì tính hiếu kỳ, tò mò, chứ không phải có ý tốt. Họ sợ nếu dừng lại giúp thì nhỡ việc, bị xui xẻo hoặc có suy nghĩ mình không cứu thì người khác giúp.
Lòng tốt một khi không có thì họ ngụy tạo bằng những lý lẽ để che chắn cho cách ứng xử thờ ơ, lãnh cảm của mình”, bà Túy chia sẻ thêm.
Hiện trường vụ tai nạn tối ngày 8/11 vừa qua.
Tuy nhiên, bà Túy cũng cho rằng đó chỉ là 1 phần tồn tại trong xã hội này, bởi lẽ người tốt quanh ta còn rất nhiều ví dụ như hành động dắt cụ già qua đường, đem trả đồ nhặt được, giúp đỡ người khó khăn, từ thiện...
Nhưng “anh hùng bây giờ càng ngày càng ít đi rồi vì họ còn tính toán” - bà Túy buồn rầu nói thêm.
“Nếu cứ tính toán thiệt hơn, chỉ lo cho bản thân mình, không vì người khác, không nghĩ đến vấn đề xã hội thì sẽ thành xã hội kiểu gì?
Nếu thời chúng tôi, xung phong, viết thư bằng máu để được ra trận chiến đấu và cảm thấy xấu hổ, nhục nhã khi ở lại trường học... Thì bây giờ, bộ phận giới trẻ lại sợ hy sinh, sợ tai họa, sợ trách nhiệm? Giúp đỡ người gặp nạn thì bị gọi là “dại thế”!
Chúng ta không giáo dục cho con trẻ sự yêu thương, nhân từ, trách nhiệm với gia đình, xã hội; người lớn không là gương tốt, ngược lại cũng vô cảm... Vậy chúng vô cảm, sống ích kỷ, bàng quang là lỗi của ai?”, bà Túy nhấn mạnh.
Xung quanh ý kiến, nhiều người giơ điện thoại “smart phone” để quay phim, chụp ảnh làm tư liệu cho cơ quan chức năng, báo chí, bà Túy phản ứng: “Tôi cho đó là ngụy biện. Động cơ chụp ảnh của họ để làm gì?
Lúc đó, cứu người là quan trọng hay quay phim làm tư liệu? Người ta đang chết kia kìa, họ đang cầu khẩn được giúp đỡ để giành giật sự sống. Nếu chụp xong, bạn có giúp đỡ người ta hay không?
Đó là thói xấu tò mò, ngôi lê đôi mách của người Việt. Mục đích này của họ lớn hơn nhiều. Một xã hội hỗn độn. Thế hệ trẻ đang được chăm chút, cưng chiều, luôn nghĩ rằng mình là trung tâm, vậy chúng có ý thức để lo cho người khác không?
Cuộc sống dần thực dụng hơn, họ tranh giành nhau từng tí một, sẵn sàng chửi bới, đánh nhau khi va chạm, xích mích... Tôi cảm thấy đáng buồn, lo ngại!
Nếu việc tốt không còn được khích lệ và không phê phán, lên án cái xấu, thì ngày càng con người chỉ lo cho bản thân họ thôi”.
“Phải trách nhiệm với xã hội là điều sơ đẳng cần giáo dục một đứa trẻ. Tôi chỉ biết tôi, không cần xã hội là quan niệm đáng buồn, đáng báo động của xã hội".