Điều gì khiến ngón tay bật máu, cô gái này vẫn không từ bỏ đàn nhị?

Hồng Vi |

Bạn thấy cô bạn này trông quen quen chứ? Mĩ nhân 9x chơi đàn nhị hớp hồn cư dân mạng trong clip cover "Mơ" của Vũ Cát Tường ấy mà. Bạn ấy là Thảo Linh, cô gái chơi đàn nhị, và em gái bạn ấy là Phương Linh, có giọng hát siêu ngọt ngào khiến ai nghe qua cũng mê mẩn.

Sau chương trình truyền hình thực tế “Tìm kiếm tài năng – Vietnam’s Got Talent”, hai chị em Nguyễn Hồ Thảo Linh (sinh năm 1998) và Nguyễn Hoàng Phương Linh (sinh năm 2002) trong nhóm Bốn chị em đã chinh phục được trái tim của rất nhiều khán giả khó tính.

Tất cả là vì tiếng đàn nhị vô cùng đặc biệt của Thảo Linh.

Hot girl đàn nhị Thảo Linh. Ảnh: NVCC
Hot girl đàn nhị Thảo Linh. Ảnh: NVCC

Được biết, mẹ của “song Linh" là nghệ sĩ Hồ Nga (trưởng nhóm nhạc Mặt Trời Đỏ) và bố cũng là một nhạc sĩ, đã hỗ trợ rất nhiều cho sự nghiệp ca hát của mẹ.

Thừa hưởng dòng máu nghệ thuật của gia đình, từ khi còn rất nhỏ, cô chị Thảo Linh đã quyết tâm theo đuổi loại nhạc cụ rất kén người học này.

Bạn có thắc mắc vì sao bạn ấy lại chọn đàn nhị mà không phải là bất cứ loại nhạc cụ nào khác như piano, violon, guitar... không nhỉ?

Còn tôi rất không hiểu điều gì ở cây đàn lạ lùng này đã chinh phục được trái tim cô gái trẻ măng xinh đẹp ấy. Muốn biết vì sao, hãy nghe cô nàng lí giải!

Cô nàng xinh xắn này đã ngó lơ đàn guitar, piano mà kết duyên cùng cây đàn nhị đậm hồn dân tộc. Ảnh: NVCC
Cô nàng xinh xắn này đã "ngó lơ" đàn guitar, piano mà "kết duyên" cùng cây đàn nhị đậm hồn dân tộc. Ảnh: NVCC

10 điều khiến cây đàn nhị trở thành một phần quan trọng của mĩ nhân 9x

1. Từ khi tớ mới 8 tuổi, tớ đã được mẹ cho nghe một CD của nhóm 12 cô gái ở tận Trung Quốc. Ơ thề là tớ như bị hớp hồn ấy.

Có lẽ vì tiếng đàn nhị nó quá đặc biệt. Còn vì sao đặc biệt thì tớ không giải thích được. Dẫu sao lúc ấy tớ cũng chỉ mới là cô bé 8 tuổi thôi mà.

Tớ thậm chí còn lấy 2 cái đũa khua qua khua lại kiểu đang chơi đàn nhị "như đúng rồi", buồn cười cực í.

2. Sau hôm ấy, tớ quyết định nói với mẹ về tình yêu của tớ. Trong nhóm "Mặt trời đỏ" của mẹ có một cô chơi đàn nhị, thế là mẹ dẫn tớ đến gặp cô.

Eo ơi, vừa nhìn thấy cây đàn trong tay cô, tớ đã nằng nặc xin được chơi thử. Mà lạ lùng lắm, khi tớ vừa kéo vài nốt đã ra đúng âm ngay, không bị khọt khẹt như người ngoại đạo. Cô khen tớ có năng khiếu chơi đàn nhị, nên từ đó, tớ chính thức được mẹ "cấp phép" cho đi học đàn.

Bén duyên nhau từ năm Linh 8 tuổi, cả hai đã trở thành đôi bạn thân không thể tách rời. Ảnh: NVCC
Bén duyên nhau từ năm Linh 8 tuổi, cả hai đã trở thành đôi bạn thân không thể tách rời. Ảnh: NVCC

3. Học rồi mới biết đàn nhị là một loại nhạc cụ cực cực cực khó chơi. Vì cây đàn chỉ có hai dây, và phải điều chỉnh nốt bằng khoảng cách ngón tay, nên bạn phải rất chú ý nếu không muốn sản xuất ra một loại âm thanh "tra tấn lỗ tai người khác".

Lúc đầu tớ nản lắm luôn đó, cứ nghĩ nốt hôm nay sẽ "dẹp đàn nhị qua một bên", nhưng rồi sáng hôm sau tớ lại dính lấy nó. Như hai đứa bạn thân cứ giận lên là đòi nghỉ chơi vậy, mà rốt cục là "nghỉ được chết liền"

4. Một nỗi khổ khác mà "đứa bạn đàn nhị" rất hay mang lại cho tớ, đó là vào những ngày mùa Đông, da tay tớ đã nứt nẻ sẵn rồi, mà còn kéo đàn nhị một ngày đều đặn 6 tiếng, nên lắm khi tay tớ bị bật cả máu, đau ghê gớm lắm!

Nhưng cứ thử một ngày không chơi đàn nhị xem, tớ sẽ còn bứt rứt khó chịu hơn cơ. Nên đau tay thì kệ đau tay, chứ tớ vẫn chưa xa đàn nhị một ngày nào cả.

5. Có lẽ quyết định khủng nhất của cuộc đời tớ liên quan tới đàn nhị, chính là việc xin phép bố mẹ sang Trung Quốc học đàn nhị một cách chuyên sâu trong vòng 6 năm, theo một suất học bổng của Học viện nghệ thuật Quảng Tây.

Khi đó tớ vừa tròn 9 tuổi. Mẹ tớ không đành lòng để đứa con gái còn quá bé sang xứ người, nhưng cùng đi đợt đó còn có nhiều anh chị lớn hơn để gửi gắm tớ nên mẹ tạm yên tâm. Ngày tiễn tớ ra sân bay, bố mẹ tớ khóc quá chừng, còn tớ cười toét cả miệng.

Thật sự tớ còn quá bé để hiểu "xa gia đình" là như thế nào. Lúc ấy tớ chỉ nghĩ được học chuyên sâu và được chơi đàn nhị mỗi ngày là niềm hạnh phúc hết sức lớn lao rồi.

Ảnh: NVCC
Ảnh: NVCC

6. Những ngày ở xứ người, tớ càng thân thiết với người bạn đàn nhị hơn. Ngoài đàn nhị tớ còn học được nhiều điều khác nữa: sống tự lập, tự lo cho mình mọi thứ từ chuyện nhỏ như sinh hoạt hàng ngày, đến chuyện lớn như biểu diễn giữa đám đông, trên một sân khấu chuyên nghiệp.

Rồi tớ học được sự tự tin, học cách vượt qua nỗi buồn, nỗi nhớ nhà, học cách xử lí tình huống, các kĩ năng trong cuộc sống.

7. Tiếng đàn của tớ dường như cũng trưởng thành lên mỗi ngày. Có thể nói bọn tớ đã lớn lên cùng nhau, cùng chia sẻ bao nhiêu buồn vui để đến bây giờ, tớ có thể khẳng định là tớ không yêu và cũng không muốn học một loại nhạc cụ nào khác ngoài đàn nhị nữa.

8. Khi tớ và đàn nhị biểu diễn cùng nhau trên một sân khấu chuyên nghiệp, lần đầu tiên, nhìn xuống một biển người bên dưới, tớ run cầm cập, mồ hôi vã ra như tắm.

Nhưng lúc tớ ôm cây đàn nhị trong tay, khi âm thanh của nó vang lên, tớ lấy lại ngay sự bình tĩnh và tự tin mà trước đó tớ không hề có. Và nở một nụ cười đẹp nhất.

Ảnh: NVCC
Ảnh: NVCC

9. Kết thúc 6 năm khổ luyện ở nước ngoài, tớ mang đàn nhị về Việt Nam, vừa tiếp tục chương trình phổ thông dù muộn hơn các bạn đồng lứa 2 năm, vừa thỉnh thoảng biểu diễn để tiếng đàn nhị gần gũi hơn với giới trẻ Việt.

Tớ còn phải cố gắng nhiều nữa, để gắn bó với cây đàn nhị, để cho ra đời nhiều tác phẩm hay ho, để lúc nào cũng được đàn cho các bạn nghe...

10. Và biết đâu trong những người bạn đã từng nghe tiếng đàn nhị của tớ, sẽ "bị yêu" cái âm thanh tha thiết của loại nhạc cụ dân tộc này, giống như tớ ngày xưa vậy.

Và vì yêu nên sẽ quyết tâm theo đuổi nó đến cùng, để những âm thanh ngọt ngào của dân tộc sẽ lan xa, xa mãi, xa mãi...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại