* Luyện thi Văn với TS TRỊNH THU TUYẾT trên Soha.vn: BẤM VÀO ĐÂY
Cách đây ít phút, TS Trịnh Thu Tuyết đã thông báo trên trang cá nhân về việc ra đề đọc hiểu theo hướng cấu trúc mới của đề thi ĐH-CĐ 2014. Ngay sau đó, cô đã chia sẻ cho Báo điện tử Trí Thức Trẻ - Soha.vn Đề đọc hiểu số 9 theo hướng này.
Dưới đây là Đề đọc hiểu số 9:
"Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực. Thay bút con, đề xong lạc khoản, ông Huấn Cao thở dài, buồn bã đỡ viên quan ngục đứng thẳng người dậy và đĩnh đạc bảo:
- Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?...Tôi bảo thực đấy: thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi.
Lửa đóm cháy rừng rực, lửa rụng xuống nền đất ẩm phòng giam, tàn lửa tắt nghe xèo xèo. Ba người nhìn bức châm, rồi lại nhìn nhau. Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh".
1) Đoạn trích trên đây trong tác phẩm nào? của tác giả nào? mô tả cảnh tượng gì ? (0,5 điểm)
2) Cảnh tượng trên hàm chứa nhiều yếu tố tương phản. Hãy chỉ ra những yếu tố tương phản đó. (1,0 điểm)
3) Nguyễn Tuân đã thể hiện quan niệm nghệ thuật gì qua lời khuyên của Huấn Cao đối với quản ngục; ý nghĩa của cái Đẹp với cuộc sống con người cũng được khẳng định như thế nào qua cử chỉ, thái độ và lời nói của quản ngục với Huấn Cao? (0,5 điểm)
Đáp án Đề đọc hiểu số 9
1) Đoạn trích trên đây trong tác phẩm nào ? của tác giả nào ? mô tả cảnh tượng gì ?
Đoạn văn trên đây trích trong truyện ngắn Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân. Đoạn trích miêu tả cảnh Huấn Cao cho chữ quản ngục.
2) Cảnh tượng cho chữ, xin chữ là "một cảnh tượng xưa nay chưa từng có" bởi sự hàm chứa những yếu tố tương phản đầy ấn tượng:
- Thứ nhất là sự tương phản trong tình huống sáng tạo nghệ thuật. Bản chất của nghệ thuật chân chính là sáng tạo tự do, nay người nghệ sĩ tài hoa đang say mê tô từng nét chữ lại là một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng. Nghệ thuật giúp cho cái đẹp bất tử, nhưng người sáng tạo nghệ thuật, người tạo ra cái đẹp bất tử lại là một tử tù đang ở đêm cuối cùng của cuộc đời, chỉ sớm mai, Người phải vào kinh lĩnh án tử hình. Nghịch lí xót xa ấy khiến cái đẹp trở nên mong manh, quí giá và giờ khắc tạo ra cái đẹp càng trang trọng, thiêng liêng.
- Tiếp nữa là sự tương phản xuất hiện trong hoàn cảnh sáng tạo nghệ thuật. Người nghệ sĩ thư pháp thường viết chữ ở những thư phòng thanh sạch, cao khiết với bạch lạp, hương trầm...; nay HC cho chữ QN trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián. Những tương phản không chỉ làm hiện ra sự khắc nghiệt của hoàn cảnh mà còn cho thấy ý chí phi thường của những con người yêu cái đẹp, dám vượt lên trên mọi sự nghiệt ngã chốn ngục tù để sáng tạo, chiêm ngưỡng và lưu giữ cái đẹp.
- Sự tương phản sâu sắc nhất thể hiện trong vị thế của người tù và kẻ coi tù: Người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng thì uy nghi, đàng hoàng, hiên ngang, đĩnh đạc viết chữ, cho chữ và dạy bảo, khuyên nhủ; những người coi tù thì run run... khúm núm; thậm chí nghẹn ngào khóc ... vái người tù một vái. Trước cái đẹp, cái thiện, mọi trật tự thông thường ở nhà tù đã bị đảo lộn: không còn người tù và kẻ coi tù; chỉ có HC, người cho chữ, người sáng tạo, ban phát cái đẹp, cũng là người dạy bảo những bài học về cái thiện; còn QN, TL là người xin chữ, người chiêm ngưỡng và may mắn được tiếp nhận cái đẹp của nghệ thuật và thiên lương - và trật tự mới giữa họ được thiết lập theo tiêu chí của cái đẹp, cái thiện.
3) Nguyễn Tuân đã thể hiện quan niệm nghệ thuật gì qua lời khuyên của Huấn Cao đối với quản ngục; ý nghĩa của cái Đẹp với cuộc sống con người cũng được khẳng định như thế nào qua cử chỉ, thái độ và lời nói của quản ngục với Huấn Cao?
- Lời khuyên của Huấn Cao với quản ngục cho thấy quan điểm tiến bộ của NT về sự thống nhất giữa cái đẹp và cái thiện, không thể chiêm ngưỡng cái đẹp ở nơi ngự trị của cái ác, không thể hướng tới cái đẹp cao cả ở chốn mà thiên lương khó giữ cho lành vững.Trước khi đến với cái đẹp của nghệ thuật phải giữ trọn cái đẹp của thiên lương, cái đẹp không tách rời cái thiện.
- Cử chỉ, thái độ và lời nói quản ngục với Huấn Cao là sự minh chứng rõ nét cho sức mạnh cảm hóa của cái đẹp, như sự khẳng định của một nhà văn nước ngoài: Cái đẹp sẽ cứu thế giới.
Vài nét về TS Trịnh Thu Tuyết - Giải Nhất thi Giáo viên giỏi môn Ngữ văn thành phố Hà Nội năm 2004. - Tham gia tư vấn và ôn, luyện thi trực tuyến trên VTV2; Chương trình Luyện thi ĐH, CĐ trên website www.hocmai.vn... - Có trên 30 năm kinh nghiệm luyện thi đại học, cao đẳng môn Ngữ văn và nhiều học sinh đỗ đại học với số điểm cao tại các trường đại học danh tiếng trên cả nước. * Trang cá nhân: https://www.facebook.com/tuyet.trinhthu * LUYỆN THI với TS TRỊNH THU TUYẾT trên Soha.vn: BẤM VÀO ĐÂY |
TS Trịnh Thu Tuyết |
* Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt