Đáp án đề đọc hiểu số 7
Đọc đoạn văn sau đây và trả lời các câu hỏi:
..."Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó." (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)
1. Nội dung cơ bản của đoạn trích là gì?
Khẳng định ý chí kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.
2. Nội dung đó được thể hiện chủ yếu qua phép liên kết nào?
Nội dung đó được thể hiện chủ yếu qua phép lặp với các từ ngữ: chủ quyền, thiêng liêng, lãnh thổ, biển đảo, vùng biển...
3. Văn bản chủ yếu được viết theo phương thức biểu đạt nào?
Phương thức nghị luận.
4. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ."
Anh/ chị hãy tìm ra thông điệp chung của hai văn bản? Thông điệp đó đã thể hiện sâu sắc truyền thống cao quí nào trong đời sống tinh thần, tình cảm của dân tộc?
- Thông điệp chung của cả hai văn bản đều khẳng định ý chí bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước với bất cứ giá nào, vì "không có gì quí hơn độc lập, tự do!"
- Thông điệp đó đã thể hiện sâu sắc truyền thống yêu nước cao quí trong đời sống tinh thần, tình cảm của dân tộc.
5. Viết một bài luận khoảng 200 từ trình bày suy nghĩ của anh/ chị về sức mạnh của truyền thống yêu nước.
Có thể tham khảo một số gợi ý sau đây:
- Giải thích khái niệm về truyền thống và truyền thống yêu nước.
* Truyền thống: những phẩm chất, giá trị... được hình thành, phát triển, duy trì trong một thời gian dài của lịch sử cộng đồng. * Truyền thống yêu nước: những phẩm chất, giá trị...được hình thành, phát triển, duy trì trong một thời gian dài thể hiện mối quan hệ tình cảm, nghĩa vụ tích cực của mỗi công dân đối với đất nước...
- Chứng minh truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam qua những trang sử dựng nước và giữ nước oanh liệt hào hùng.
- Lí giải sức mạnh của truyền thống yêu nước (vấn đề trọng tâm)
+ Truyền thống yêu nước luôn là yếu tố tinh thần của quá khứ có khả năng làm hiện hữu và tạo ra sức mạnh tinh thần hoặc vật chất cho mỗi con người của hiện tại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
+ Truyền thống yêu nước có khả năng nêu gương, động viên, khơi gợi...những phẩm chất, giá trị tốt đẹp trong mỗi con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
+ Truyền thống yêu nước là sự nhắc nhở thiêng liêng và nghiêm khắc đối với trách nhiệm của hậu thế trong việc nối tiếp, duy trì, phát huy những phẩm chất, giá trị tốt đẹp đã được hình thành từ những thế hệ trước để góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.
+ Truyền thống yêu nước giúp con người có niềm tự hào, niềm tin về những phẩm chất, giá trị đang nối tiếp từ quá khứ; cung cấp những bài học kinh nghiệm cho hiện tại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
- Bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
Vài nét về TS Trịnh Thu Tuyết - Giải Nhất thi Giáo viên giỏi môn Ngữ văn thành phố Hà Nội năm 2004. - Tham gia tư vấn và ôn, luyện thi trực tuyến trên VTV2; Chương trình Luyện thi ĐH, CĐ trên website www.hocmai.vn... - Có trên 30 năm kinh nghiệm luyện thi đại học, cao đẳng môn Ngữ văn và nhiều học sinh đỗ đại học với số điểm cao tại các trường đại học danh tiếng trên cả nước. * Trang cá nhân: https://www.facebook.com/tuyet.trinhthu * LUYỆN THI VĂN với TS TRỊNH THU TUYẾT trên Soha.vn: BẤM VÀO ĐÂY |
TS Trịnh Thu Tuyết |
* Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt