* Luyện thi Văn với TS TRỊNH THU TUYẾT trên Soha.vn: BẤM VÀO ĐÂY
Đề đọc hiểu số 11
"Bài ca của Nguyễn Đình Chiểu làm chúng ta nhớ bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Hai bài văn: hai cảnh ngộ, hai thời buổi, nhưng một dân tộc. Bài ca của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn, ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa từng thấy, biểu dương chiến thắng làm rạng rỡ nước nhà. Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca những người anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiên ngang: "Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc... muôn kiếp nguyện được trả thù kia...".
1. Xác định xuất xứ và phưong thức biểu đạt của đoạn trích? (0,5 điểm)
2. Nội dung của đoạn trích là gì? (0,5 điểm)
3. Anh/ chị hãy giải thích ý nghĩa lời nhận xét: "Hai bài văn: hai cảnh ngộ, hai thời buổi, nhưng một dân tộc"? Nhận xét ấy được làm rõ như thế nào trong hình ảnh "những người anh hùng thất thế"? (1,0 điểm)
Đáp án
1. Xác định xuất xứ và phương thức biểu đạt của đoạn trích? (0,5 điểm)
- Đoạn văn trích trong bài "Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc" của tác giả Phạm Văn Đồng.
- Đoạn trích sử dụng phương thức biểu đạt là nghị luận.
2. Nội dung của đoạn trích là gì? (0,5 điểm)
Đoạn văn khẳng định vẻ đẹp của cảm hứng yêu nước trong tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu khi so sánh với Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.
3. Anh/ chị hãy giải thích ý nghĩa lời nhận xét: "Hai bài văn: hai cảnh ngộ, hai thời buổi, nhưng một dân tộc."? Nhận xét ấy được làm rõ như thế nào trong hình ảnh "những người anh hùng thất thế"? (1,0 điểm)
- Nhận xét:"Hai bài văn: hai cảnh ngộ, hai thời buổi, nhưng một dân tộc" nhắc đến hoàn cảnh ra đời và cảm hứng chung của hai tác phẩm - Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi được viết sau chiến thắng oanh liệt của cuộc kháng chiến chống quân Minh thế kỉ XV, giải phóng hoàn toàn đất nước; Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc được Nguyễn Đình Chiểu viết để đọc tại buổi lễ truy điệu các nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc đã hi sinh sau trận tập kích đồn giặc ở Cần Giuộc năm 1861; đây là giai đoạn đau thương bi tráng nhất của lịch sử dân tộc, khi giặc Pháp đã chiếm Gia Định và mở rộng tấn công ra các vùng khác ở Nam Kì. Tuy hai tác phẩm ra đời ở hai thời đại khác nhau, nhưng điểm chung của cả hai tác phẩm chính là cảm hứng yêu nước sâu đậm, "hai thời buổi, nhưng một dân tộc", hai tác phẩm đều ca ngợi những người dân anh hùng của một dân tộc anh hùng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào của đất nước vẫn phát huy cao độ lòng yêu nước, căm thù giặc, ý chí kiên cường bất khuất chống ngoại xâm.
- Nhận xét đó được thể hiện xúc động hơn trong hình ảnh "những người anh hùng thất thế" của Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, những " dân ấp dân lân" nghèo khó mà cao cả, kiên cường, chấp nhận bước vào cuộc chiến không cân sức, chỉ bằng gậy tầm vông, dao phay, rơm con cúi... chống lại kẻ thù với đầy đủ " đạn nhỏ đạn to...tàu thiếc tàu đồng súng nổ...", sẵn sàng "quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh". Dù thất thế, hi sinh nhưng họ không thất bại, họ là những anh hùng đã vượt lên thân phận con dân nhỏ bé, vượt lên sự hèn nhát của triều đình và sức mạnh tàn bạo của kẻ thù xâm lược.
Vài nét về TS Trịnh Thu Tuyết - Giải Nhất thi Giáo viên giỏi môn Ngữ văn thành phố Hà Nội năm 2004. - Tham gia tư vấn và ôn, luyện thi trực tuyến trên VTV2; Chương trình Luyện thi ĐH, CĐ trên website www.hocmai.vn... - Có trên 30 năm kinh nghiệm luyện thi đại học, cao đẳng môn Ngữ văn và nhiều học sinh đỗ đại học với số điểm cao tại các trường đại học danh tiếng trên cả nước. * Trang cá nhân: https://www.facebook.com/tuyet.trinhthu * LUYỆN THI với TS TRỊNH THU TUYẾT trên Soha.vn: BẤM VÀO ĐÂY |
TS Trịnh Thu Tuyết |
* Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt