Đề đọc hiểu số 1: Bông súng và siêu bão Haiyan

TS Trịnh Thu Tuyết |

(Soha.vn) - Cùng luyện thi Văn chuẩn bị cho kỳ thi ĐH-CĐ 2014 với Đề đọc hiểu số 1 và đáp án của TS Trịnh Thu Tuyết.

Đề đọc hiểu số 1

Đọc bài thơ sau của Thanh Thảo:

Bông súng và siêu bão

bông súng tím mọc lên từ nước

bão Haiyan mọc lên từ biển

bão Haiyan cho tôi kinh hoàng

bông súng tím cho tôi bình yên

rồi có thể người ta quên                   

mà nhớ

trong siêu bão một bông súng nở

bông súng ấy màu tím

bão Haiyan màu gì?

(Báo Thanh niên chủ nhật, 17/11/2013  )

1. Những thông tin sau đây đúng hay sai:

- Tác giả bài thơ là một nhà thơ lãng mạn của phong trào Thơ Mới 32-45

- Bài thơ được viết theo thể tự do

- Bài thơ gieo vần chân

- Bài thơ viết về đề tài tình yêu

2. Những chữ đầu các câu thơ không viết hoa, em đã gặp hiện tượng này trong bài thơ nào đã học, đã đọc? Hiện tượng ấy thể hiện dụng ý nghệ thuật gì của nhà thơ?

3. Tìm và phân tích ý nghĩa biểu đạt của hai hình tượng siêu bão và hoa súng?

4. Chủ đề bài thơ được tạo dựng từ những suy nghĩ, xúc cảm về siêu bão và hoa súng, đó là hai hình tượng có mối quan hệ như thế nào trong bài thơ?

5. Chỉ ra và phân tích giá trị của thủ pháp nghệ thuật chính nhà thơ đã sử dụng để khắc họa hai hình tượng này?

6. Chủ đề bài thơ là gì?

7. Hai câu thơ: bông súng tím mọc lên từ nước - bão Haiyan mọc lên từ biển được viết theo thủ pháp nghệ thuật gì? Ý thơ gợi những suy nghĩ gì?

8. Đặc sắc nghệ thuật của hai dòng thơ: bão Haiyan cho tôi kinh hoàng - bông súng tím cho tôi bình yên là gì? A. Sử dụng từ trái nghĩa. B. Sử dụng hình ảnh nhân hóa. C. Sử dụng cấu trúc câu cảm thán. D. Sử dụng phép tương phản, đối lập.

9. Hai câu thơ rồi có thể người ta quên- mà nhớ gợi đến điều gì?

10. Cảm nhận ý nghĩa câu thơ trong siêu bão một bông súng nở. Ý thơ thể hiện một cảm hứng nhân sinh như thế nào?

11. Câu thơ này có gợi cho em liên tưởng đến một tứ thơ, một câu chuyện, hay một câu tục ngữ..nào cùng một ý nghĩa?

12. Hai câu kết: bông súng ấy màu tím-bão Haiyan màu gì? có thể gợi ra những xúc cảm hoặc suy ngẫm gì?

Đáp án đề đọc hiểu số 1

1. Sai -Đúng -Đúng -Sai

2. Giống bài thơ Đàn ghi ta của Thanh Thảo. Hiện tượng ngôn từ này thế hiện đặc trưng của hình thức thơ ST, TT,  gạt bỏ các qui tắc ngữ pháp, thi pháp, các nguyên tắc logic trong tư duy, để cảm hứng tuôn trào tự do theo chủ nghĩa tự động tâm linh thuần túy; sáng tác ST, TT là những dòng liên tưởng tiềm thức, rời rạc, gián cách, không thể khắc họa được bức tranh toàn vẹn của thực tại. Cả hai khuynh hướng trên đều đặc biệt đề cao các yếu tố trực giác, âm nhạc và trữ tình, coi trọng những giai điệu chủ quan nhằm thay thế thi luật cổ điển, đảo lộn cú pháp cổ điển: cắt chữ, phân câu theo trật tự mới, tạo ra những kết cấu ngôn ngữ mới thể hiện những cảm nhận chủ quan của người viết.

3. Chủ đề bài thơ: Xúc cảm, suy ngẫm về sự kì diệu của cuộc sống với sự song hành, hòa nhập, vận động diễn biến khó lường của  bình yên và bão tố, cái đẹp và tai họa, sự sống và sự hủy diệt...cùng niềm tin vào sự tốt đẹp của cuộc sống.

4. Chủ đề đó được tạo dựng từ những suy nghĩ, xúc cảm về siêu bão và hoa súng, đó là hai hình tượng có mối quan hệ vừa tương đồng, vừa tương phản, vừa loại trừ, vừa hàm chứa...Những mối quan hệ ấy thể hiện diễn biến khôn lường của cuộc sống, những sức mạnh, sự phát sinh, hồi sinh kì diệu, con người cần thấu hiểu những bí ẩn, những biến diễn khôn lường ấy để có được tâm thế an nhiên, bình thản, có sự tỉnh táo sáng suốt, có niềm tin vào cuộc đời...

5. Thủ pháp nghệ thuật cơ bản được sử dụng để khắc họa hai hình tượng chính là phép đối- khi đối tương đồng, khi đối tương phản. Thủ pháp thể hiện những loại trừ và bao hàm, hủy diệt và sinh sôi...bản chất vĩnh hằng, sự kì diệu, sự bất ưng của cuộc sống...

6. Ý nghĩa biểu đạt của hai hình tượng:

- Nghĩa đen: là ý nghĩa hiển ngôn trong hai hình ảnh siêu bào và hoa súng.

- Nghĩa bóng:

* Hoa súng: cái đẹp, sự sống, sự bình dị bình yên nhiều khi mong manh của cuộc đời..

* Siêu bão: tai hoạ, sự huỷ diệt, sức mạnh chết chóc...

7. Hai câu thơ: bông súng tím mọc lên từ nước-bão Haiyan mọc lên từ biển được viết theo thủ pháp nghệ thuật đối tương đồng. Ý thơ gợi những suy nghĩ sâu xa về cội nguồn của cái đẹp và hiểm họa... Nước và biển dường như có sự đồng nhất, nhưng vẫn hàm chứa sự khác biệt, nước gợi một không gian sinh tồn bình dị, biển gợi không gian của những bất ưng, những hiểm họa ngoài khả năng lường đoán..Chính sự đồng nhất và khác biệt cũng góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của bài thơ.

8. D

9. Hai câu thơ rồi có thể người ta quên- mà nhớ gợi đến dòng chảy của thời gian, những đổi thay quên nhớ miên viễn của cuộc đời.

10. Câu thơ trong siêu bão một bông súng nở  thể hiện một cảm hứng nhân sinh tích cực, lạc quan của những con người từng trải để thấu nhận qui luật cuộc sống.

11. Câu thơ gợi liên tưởng đến tứ thơ của Mãn Giác Thiền Sư trong Cáo tật thi chúng ( Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận - Đình tiền tạc dạ nhất chi mai); câu chuyện Tái ông thất mã; Tục ngữ: trong họa có phúc..., hoặc câu nói của Nguyễn Khải trong truyện ngắn Mùa lạc:"Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới. Điều cốt yêu là phải có đủ sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy".

12. Hai câu kết: bông súng ấy màu tím-bão Haiyan màu gì? có thể gợi ra những xúc cảm hoặc suy ngẫm sâu sắc. Những dạng thái của cái Đẹp, sự sống...có thể nắm bắt, thấu nhận bởi sự hữu hình; tai họa, sự hủy diệt...khó nắm bắt bởi vô ảnh vô hình, bất ưng, ngoài mọi qui luật...

Vài nét về TS Trịnh Thu Tuyết

- Giải Nhất thi Giáo viên giỏi môn Ngữ văn thành phố Hà Nội năm 2004.

- Tham gia tư vấn và ôn, luyện thi trực tuyến trên VTV2; Chương trình Luyện thi ĐH, CĐ trên website www.hocmai.vn...

- Có trên 30 năm kinh nghiệm luyện thi đại học, cao đẳng môn Ngữ văn và nhiều học sinh đỗ đại học với số điểm cao tại các trường đại học danh tiếng trên cả nước.

* Trang cá nhân: https://www.facebook.com/tuyet.trinhthu

* LUYỆN THI VĂN với TS TRỊNH THU TUYẾT trên Soha.vn: BẤM VÀO ĐÂY

TS Trịnh Thu Tuyết

TS Trịnh Thu Tuyết

* Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại