Cuộc sống làm quán bar, ở trọ 200 nghìn, hôi hám của Hoa khôi

Công Tuấn |

"Mình đi làm phục vụ, lương rất thấp và phải thuê căn phòng với giá 200 ngàn đồng. Trong căn phòng ấy, ngoài cái nẹp tre để dưới nền xi măng ra thì không còn gì..."

Nguyễn Thanh Hạnh(SN 1985, Đồng Tháp) tốt nghiệp ngành Tài Chính Ngân Hàng và hiện đang học văn bằng 2 về Luật. Hạnh là con gái út trong một gia đình có 6 anh chị em. Lúc đó, gia đình cô nghèo và thiếu thốn đủ thứ.

Vì nhà không có điều kiện nên anh chị của Hạnh phải nghỉ học để phụ ba mẹ làm thuê mới đủ ăn. Duy chỉ có mình Hạnh nhỏ tuổi nhất nên được cho đi học. Để đến trường, cô nàng phải xin sách cũ của anh chị hàng xóm, quần áo mặc chỉ có 1 bộ để đi học.

“Ngày bé, mình chỉ có một bộ đồ đồng phục để đi học. Đây là bộ đồ ba mẹ đi xin của người khác chứ hoàn cảnh gia đình lúc đó khó khăn, không có tiền đi may.

Khi quần áo bẩn, mình phải vội vàng đi giặt để ngày hôm sau quần áo kịp khô", Thanh Hạnh tâm sự.

Thanh Hạnh từng có một tuổi thơ đầy cơ cực.

Thanh Hạnh từng có một tuổi thơ đầy cơ cực.

Mỗi khi đến mùa nước nổi, gia đình Hạnh lại lâm vào cảnh không đủ gạo để ăn, phải luộc chuối và cơm trộn chung mới đủ cho cả nhà.

Nhà Hạnh ở trong một cánh đồng lớn, xung quanh không có một bóng người nên cứ đến mùa nước nổi là cả nhà ngập hết, mỗi khi đi học Hạnh phải nhờ anh chị chở bằng xuồng ra đường để đến trường.

Nhưng buổi trưa đi học về không có ai đón, Hạnh phải lội qua sông để về nhà. Dù nguy hiểm nhưng vì không còn cách nào khác nên cô vẫn tự an ủi và động viên mình cố gắng vượt qua.

“Sáng đi học mình phải lấy cơm nguội rang lên, ăn với nước tương cho đỡ đói. Đến mùa hè, bạn bè đi học thêm còn mình phụ mẹ đi bán rau mỗi sáng vào lúc 3h để có tiền mua sách và quần áo học cho năm sau.”

Tốt nghiệp lớp 12, vì không có đủ điều kiện học lên tiếp nên Hạnh xin gia đình lên Sài Gòn đi làm. Công việc đầu tiên mà Hạnh làm là công nhân của một xưởng bút bi.

Mỗi ngày, cô phải xỏ ruột bút vất vả nhưng thu nhập lại rất thấp. Hạnh quyết định nghỉ việc và xin làm trong công ty điện tử của Nhật, mỗi ngày phải làm 12 tiếng. Sau đó, Hạnh đi làm phục vụ ở một quán cafe ở Quận 3.

Gia đình không có điều kiện nên hết lớp 12, Thanh Hạnh xin gia đình lên Sài Gòn đi làm thêm.

Gia đình không có điều kiện nên hết lớp 12, Thanh Hạnh xin gia đình lên Sài Gòn đi làm thêm.

“18 tuổi phải rời xa gia đình, mọi thứ với mình quá khó khăn. Làm đủ thứ công việc từ công nhân xưởng bút bi, rồi đến công nhân công ty điện tử.

Mình còn nhớ có người coi thường mình rằng "một người làm giám đốc như anh không lẽ quen một đứa công nhân như em".

Cũng vì những người ấy mà động lực vươn lên của mình càng mạnh mẽ hơn. Mình quyết định không đi làm công nhân nữa mà kiếm công việc tạm thời để bắt đầu ôn thi lại.

Mình đi làm phục vụ, lương rất thấp và phải thuê căn phòng với giá 200 ngàn đồng. Trong căn phòng ấy, ngoài cái nẹp tre để dưới nền xi măng ra thì không còn gì.

Xung quanh nơi ở là những công ty giày chạy suốt 24/24, rất hôi và ô nhiễm. Nhưng mình vẫn cố gắng để ở, và phải giấu gia đình vì sợ mọi người không chấp nhận việc đi làm phục vụ ở một quán bar.” – Hạnh tâm sự.

Làm phục vụ được vài tháng, Hạnh xin vào một công ty truyền thông làm thư ký văn phòng. Cô nàng bắt đầu vừa làm vừa học, học hỏi rất nhiều về công việc và phấn đấu từng chút một.

“Mình không đi chơi hay có nhiều bạn bè, chỉ biết học và làm. Cho đến bây giờ mình nghĩ lại vẫn không hiểu tại sao bản thân có thể vượt qua được trong suốt thời gian dài mà không có bất kỳ ai bên cạnh.”

Trải qua nhiều khó khăn, giờ Hạnh đã là giám đốc kinh doanh cho Công ty cổ phần Công nghệ Asavi – một công ty chuyên kinh doanh đèn led dân dụng và đèn giao thông công cộng.

Đồng thời với niềm đam mê cho bộ môn Luật hình sự, Thanh Hạnh còn đang theo học ở trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh.

Trong tương lai, Hạnh mong muốn công việc hiện nay ở công ty sẽ phát triển hơn và dự định mở nhiều văn phòng đại diện hơn trong nước.

Ảnh: Nghĩa Trương

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại