Duyên nợ với tinh dầu
Gặp Nguyễn Ngọc Anh tại làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP Hội An), cô có vẻ ngoài nhanh nhẹn, nhỏ nhắn, nước da ngăm đen và mái tóc xù.
Ngọc Anh cho biết cô đang làm quản lý spa tại một khách sạn ở Hội An. Sau khi nghiên cứu tinh dầu tại Trà Quế, cô sẽ tiếp tục đến Thái Lan, Singapore để tìm hiểu nhiều hơn về tinh dầu.
Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Khánh Hòa, cả cha mẹ đều làm nông, Ngọc Anh tốt nghiệp ĐH Công nghiệp TP.HCM, ngành Hóa học năm 2010.
Nhưng cô không đi theo ngành hóa mà quyết định rẽ sang một ngả đường khác.
“Tôi muốn tìm một điều gì đó khác, tôi nghĩ về thiên nhiên, và cũng từ đó tôi bắt đầu nghiên cứu thảo dược, tìm những nguyên liệu phù hợp”, Ngọc Anh cho biết.
Năm 2010, Ngọc Anh khoác ba lô sang Pháp theo học khoảng 1 năm tại viện spa Pháp. Tại vùng Provence của Pháp - nơi chuyên trồng oải hương, cô đã thử chưng cất tinh dầu và đã có những hiệu quả bước đầu.
Về Việt Nam, làm việc tại huyện Củ Chi, TP.HCM được 1 năm, cô quyết định đến Hội An. Ngọc Anh cho biết: “Các nước khác họ chế tinh dầu từ hoa là chủ yếu.
Nhưng Việt Nam vốn trồng nhiều và nổi tiếng về rau hơn. Tôi quyết định đến Hội An, tìm làng rau thơm Trà Quế, nơi có hơn 20 loại rau khác nhau để nghiên cứu”.
Còn một lý do khiến Ngọc Anh gắn bó với tinh dầu chính từ người cha của mình. Cô chia sẻ: “Ba tôi bị đau khớp, tôi muốn tìm một loại tinh dầu giúp giảm đau.
Tại Việt Nam, các loại rau như gừng, tiêu, bạc hà cùng một số nguyên liệu khác kết hợp tinh chế có tác dụng giảm đau”. Đến Hội An, cô làm việc tại khách sạn để có thu nhập cho cuộc sống và tiếp tục nghiên cứu.
Tinh chất từ làng rau 300 tuổi
Làng rau thơm Trà Quế hình thành trên vùng đất có hơn 300 năm tuổi, được bao bọc bởi con sông Đế Võng và đầm Trà Quế, diện tích trên 40 ha, với trên 20 chủng loại rau khác nhau như rau húng, rau ngò, cải…
Nơi đây thổ nhưỡng tốt, không nhiễm chất hóa học. Hàm lượng tinh dầu bạc hà khá lớn.
Tại Trà Quế, để trồng rau, người dân tạo luống cho đất, rải trên một lớp rong rồi phủ đất lại, gieo hạt và rải cát. Tất cả đều sử dụng phân vi sinh. Đây là điều Ngọc Anh tin tưởng nhất khi chọn nơi này.
Kể về các thao tác chiết xuất tinh dầu, Ngọc Anh cho biết phải mất ít nhất 8 tiếng, từ phơi, chưng cất, rồi đưa sản phẩm thử nghiệm.
Như cây sả, chưng cất tinh dầu cần đến 8 tiếng và để có 10ml tinh dầu mất gần 20 kg sả. Tuy nhiên, mỗi loại rau có thời gian thu hoạch khác nhau, nên việc chiết xuất cũng khác nhau.
Như rau quế nếu thu hoạch buổi sáng thì nước đọng trong quế khá nhiều, do vậy phải đến gần trưa, khi nước ít, mới thu hoạch để chưng cất.
Đến nay, Ngọc Anh đã chiết xuất gần 10 loại tinh dầu từ các loại rau như rau mùi, ngò, hành, gừng…
Về giá bán các tinh dầu này, Ngọc Anh tiết lộ: Việt Nam rẻ nhất chính là rau, vì vậy, các tinh dầu sản xuất từ rau giá cũng khá hợp lý, khoảng 200-300 nghìn đồng/10ml.
Chia sẻ dự định sắp tới, cô cho biết: “Tôi nghĩ mình sẽ ở lại Hội An đến tháng 6/2015 và sẽ có chuyến đi để tìm hiểu nhiều loại tinh dầu khác trên thế giới để tự mình bắt đầu tìm kiếm một nhãn hiệu tinh dầu cho riêng Việt Nam”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, quyền Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết: “Việc thực hiện thí nghiệm chiết xuất tinh dầu từ rau Trà Quế sẽ giúp ích cho việc phát triển các loại hình dịch vụ du lịch tại Trà Quế nói riêng và thành phố Hội An. Nếu Nguyễn Ngọc Anh có thể chiết xuất thành công, sẽ rất tốt cho việc phát triển tinh dầu Trà Quế. Hiện tại, thành phố vừa đồng ý cho Cty Tinh dầu tự nhiên Việt Nam đầu tư xây dựng tại cụm Công nghiệp Thanh Hà hướng đến mô hình du lịch dịch vụ tốt hơn”.