Profile:
Tên: Nguyễn Kim Ngân
Tuổi: 28
Tốt nghiệp ĐH Ngoại Ngữ, Thạc sỹ truyền thông tại Thụy Điển. Hiện đang là chuyên gia truyền thông của Tập đoàn Atlas Copco - Thụy Điển
Từng đi 30 quốc gia và 100 thành phố lớn nhỏ trên thế giới. Là tác giả của 2 cuốn sách rất được các bạn trẻ Việt yêu thích: Anh chồng Stockholm, người tình Paris, cậu bạn thân Bangkok và Yêu một cô gái Việt.
Từng đến 30 quốc gia, đặt chân tới 100 thành phố lớn nhỏ trên thế giới, từng ra mắt 2 cuốn sách về những trải nghiệm của mình qua các chuyến đi du lịch… đó là những thành tích đáng để bất kỳ một bạn trẻ nào cảm thấy nể phục ở Nguyễn Kim Ngân.
Nhắc tới những chuyến đi để lại nhiều kỷ niệm, Ngân nở nụ cười tươi tắn và háo hức nói về những trải nghiệm – thứ quý giá mà cô cho rằng chúng quan trọng hơn cả điểm đến.
Cô gái Hà thành 28 tuổi từng tốt nghiệp ĐH Ngoại Ngữ, sau đó sang Thụy Điển học cao học về lĩnh vực truyền thông. Sau khi bảo vệ luận văn Thạc sỹ, Ngân đã có một năm tìm việc tương đối gian nan tại đất nước Bắc Âu này.
Từng phải làm những công việc chân tay nặng nhọc để kiếm tiền trang trải phí sinh hoạt đắt đỏ, hay chuyển qua khá nhiều nơi làm việc trong suốt 1 năm trời, cuối cùng những nỗ lực của cô gái Việt nhỏ bé này đã được đền đáp xứng đáng khi trở thành một chuyên gia truyền thông làm việc trong tập đoàn lớn với môi trường làm việc gần như hoàn hảo.
Cuộc trò chuyện với nữ tác giả trẻ Nguyễn Kim Ngân dưới đây sẽ giúp mọi người có thể hiểu thêm về những hành trình di chuyển đáng nhớ hay quá trình tự lập tại xứ người để tìm việc!
Hành trình 10 năm đến 30 quốc gia và 100 thành phố
Chào Kim Ngân! Chuyến đi đầu tiên trong hành trình đến 30 quốc gia, 100 thành phố của bạn bắt đầu từ khi nào?
- Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của mình là cách đây 10 năm khi cả gia đình sang Singapore du lịch, bản thân mình cũng cảm thấy may mắn bởi bố mẹ mình đã đưa mình sang một đất nước tạo cho mình rất nhiều cảm hứng.
Singapore mang lại cho mình một hình ảnh hoàn toàn khác với những hình ảnh quen thuộc mình thấy hàng ngày.
Lúc đó mình nhìn thấy thế giới bên ngoài rất khác và tự nhủ rằng mình phải đi nhiều hơn để khám phá nhiều hơn. Và kể từ đó, mình bắt đầu nhen nhóm thực hiện những chuyến du lịch “bụi”.
Ngày đó, bạn mong đợi sẽ thu hoạch được điều gì thông những chuyến đi?
- Ở thời điểm 10 năm trước thì việc đi du lịch bụi vẫn còn khá mới mẻ. Mình đi du lịch “bụi” cũng không phải để thể hiện cá tính hay gì cả mà chỉ là một cách để đi với số ngân sách hạn hẹp.
Mình bắt đầu với những chuyến du lịch Đông Nam Á và dần dần cảm thấy hứng thú với những chuyến đi khó.
Và hành trang bạn mang theo mình trong những lần di chuyển đó hẳn phải là một bản kế hoạch hay lịch trình chi tiết?
- Mình không có kế hoạch, thực ra mình không được chỉn chu cho lắm đâu. Mình đi du lịch giá rẻ nên gần như khi đi luôn phải chuẩn bị hành lý ở mức gọn nhẹ nhất, nằm trong khoảng cho phép của 15 kg hành lý xách tay miễn phí.
Và càng ngày mình càng nhận ra được rằng mình trở nên chuyên nghiệp hơn nhiều trong khoản đóng đồ.
Ngoài ra, mình thấy rằng hành trang quan trọng nhất trong những chuyến đi đó chính là kiến thức, không chỉ là kiến thức về nơi mình đến mà còn là kinh nghiệm của những người đi trước.
Bạn tìm đến những cơ hội để đi như thế nào?
- Mình bắt đầu với việc tìm kiếm thông tin trên một diễn đàn lớn về du lịch "bụi" trên internet, đọc những bài chia sẻ của người đi trước, sau đó thì bắt đầu làm quen với những người bạn có cùng sở thích di chuyển giống mình.
Mình có một nhóm bạn khá thân thiết, khoảng 10 người và hay đưa thông tin về chuyến đi đó lên diễn đàn để tìm xem có ai cùng sở thích không để đi cùng.
Mạng lưới đó cứ rộng dần ra, mình có thêm nhiều sự lựa chọn về bạn đồng hành và cuối cùng mình trở nên thụ động hơn, không phải là tự mình tìm kiếm chuyến đi nữa, thay vào đó là bạn bè sẽ là: “Này, có chuyến đi Philippine… xyz…, đi cùng không?
Lúc đó mình sẽ đi theo. Mọi người hay nói đùa rằng mình giống như một chiếc va-li có tay kéo, mọi người thích kéo đi đâu cũng được nhưng may mắn là mình là một chiếc va-li hữu ích nên mọi người vẫn luôn cần có trong mọi chuyến đi. (Cười)
Có vẻ như việc du lịch bụi đối với bạn đã trở thành một cái duyên, nghĩa là tự các chuyến đi tìm đến với bạn thay vì bạn tìm đến chúng?
- Dần dần thì việc du lịch đối với mình trở thành một cái duyên. Ví dụ như chuyến đi Iceland chẳng hạn, mình chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đến đất nước ấy nhưng bạn trai mình có nói với mình rằng có một quốc gia ở Châu Âu mà mọi người đều rất thích đi và muốn đi, đó là Iceland.
Lúc đó thì mình mới tìm hiểu và quyết định. Mình nghĩ rằng nếu chỉ ngồi yên suy nghĩ thì mình sẽ không thể tìm được một nơi thú vị để đến đâu, thay vào đó hãy nói chuyện với người có cùng sở thích giống mình.
Không biết bạn có để ý không nhưng hiện nay có một bộ phận các bạn trẻ đi du lịch không nhằm mục đích trải nghiệm mà là để lấy thành tích?
- Có chứ, mình thấy rằng mỗi chuyến đi luôn có những thành viên đặt mục tiêu rất cụ thể cho mình, ví dụ như liệt kê khoảng 30 điểm mà bạn ấy sẽ phải đến.
Theo mình thì đây là một sự cạnh tranh lành mạnh thôi, nếu những điểm đến tạo động lực cho các bạn ấy thì việc tận hưởng con đường đi là động lực để mình cố gắng, mỗi người đều có một sự lựa chọn.
Nickname của mình là “Traveling Kat” nghĩa là một con mèo đi lang thang. Mình muốn tận hưởng những điều thú vị trên hành trình đi đó hơn là điểm đến.
Bạn là một người ưa di chuyển nhưng nếu được lựa chọn, địa điểm nào sẽ là nơi bạn muốn gắn bó lâu dài?
- Mình nghĩ mình hợp với Singapore và Úc. Bởi vì đó là hai quốc gia gần Việt Nam (Cười) và hai nơi đó họ gần như không có người bản xứ, thay vào đó, họ dung nạp tất cả những người bản xứ ở những quốc gia khác nhau, cùng đến đó và gọi nơi đó là nhà.
Chính vì thế nên mình nghĩ rằng họ mang trong mình sự bao dung nhất định cho những người mới, điều đó khiến mình thấy xã hội sẽ dễ chịu hơn, cuộc sống của mình cũng dễ chịu hơn.
Phải chăng vì bạn sợ việc sẽ bị kỳ thị?
- Mình không sợ bị kỳ thị chủng tộc nhưng mình sợ bản năng co cụm. Có những nơi và nhóm người họ sợ những người mới đến làm thay đổi cuộc sống của mình, nhóm người này chỉ thực sự xuất hiện tại những nước có người bản xứ.
Hai quốc gia mình vừa nhắc đến, người dân ở đó đều là khách nên mọi thứ cũng dễ dàng và cởi mở hơn.
Hơi lạ so với suy nghĩ ban đầu của mình khi cho rằng Ngân là một cô gái yêu sự hoang dã, những nơi có thiên nhiên trù phú hơn là một chốn đô thị đông đúc?
- Bạn có thể bất ngờ nhưng mình là một cô gái thành thị điển hình. Mình sinh ra cách Hồ Gươm chỉ 1 km và hơi thở thành phố là một thứ cực kỳ gây cảm hứng cho mình.
Hiện tại mình đang sống ở một thành phố nhỏ của Thụy Điển nhưng mỗi lần lên Thủ đô Stockholm, bạn bè mình thường phàn nàn: nơi này thật đông đúc, náo nhiệt và mệt mỏi. Riêng mình thì không, mình hít thở sự náo nhiệt đó và cảm thấy yêu thích chúng.
Hay khi mọi người tìm đến Thổ Nhĩ Kỳ đều muốn đến những khung cảnh thiên nhiên núi non hữu tình nhưng mình lại thích sự ồn ã của Istanbul cơ.
Mình muốn sống ở một nơi mà khi mình mở cửa ra mọi thứ náo nhiệt và khi đóng cửa lại, mọi thứ vẫn náo nhiệt, hay là một thành phố không ngủ.
Việc hay di chuyển có phải là một cách để bạn thể hiện cá tính và giúp bạn trở nên nổi bật hơn trong số hàng triệu cô gái Việt khác?
- Thực ra mình không phải là một người có cá tính mạnh, ngược lại cá tính của mình rất “mềm”. Nếu như khi mình đưa ra một ý kiến mà người khác phản bác lại nó, mình sẽ không bao giờ tranh cãi lại.
Đó cũng là một lý do khiến mình thích Thụy Điển vì với người Thụy Điển, nếu có ai đó dấn thân, dồn vào góc tường thì họ sẽ cứ lùi và lùi mãi. Mình cũng thế!
Có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng mình có cá tính mạnh bởi mình hay đi nhưng sự thực thì chính vì cá tính mình không mạnh mẽ nên mình mới quyết định sẽ phải đi.
Mình sợ việc ngồi một chỗ và cứ để cuộc sống dồn nén, mà mình lại cứ lùi thì dần dần mình sẽ mất đi năng lượng của bản thân mình. Mình chọn việc di chuyển đến một nơi mới, hít thở không khí, lấy thêm năng lượng và quay về.
Mình không phải là một người ưa phiêu lưu mạo hiểm. Trái lại, mình cực kỳ rón rén trong tất cả mọi chuyện. Ví dụ như việc ăn thử một món ăn mới, phải đến gần đây mình mới dám thử làm việc này, trước đây mình thực sự không dám làm.
1 năm tìm việc gian nan tại Thụy Điển
Được biết bạn học cao học tại Thụy Điển. Điều gì đã khiến bạn muốn ở lại tìm việc tại đất nước này sau khi tốt nghiệp?
- Trước đây, mình luôn nghĩ rằng sẽ tìm kiếm và trải nghiệm công việc ở một quốc gia Bắc Âu nào đó.
Mình cực yêu thích công việc làm truyền thông ở Thụy Điển, không chỉ bởi những người làm công việc này tại đây được hưởng rất nhiều cái “sướng”: công việc nhàn, văn phòng đẹp mà còn vì họ được làm việc trong một môi trường đầy sáng tạo.
Chính vì thế mà năm cuối, mình có xin thực tập tại một trung tâm tại Thụy Điển, khi tới xin việc, chị phụ trách tại đó có nói với mình rằng bên họ sẽ không trả tiền cho việc mình thực tập tại đây và Chính phủ bên họ chỉ trả tiền chi phí ăn ở cho sinh viên trong nước đi thực tập, còn mình là sinh viên nước ngoài nên sẽ không nhận được một thứ gì cả.
Lúc đó mình đồng ý, trước khi nhận mình vào làm thì họ còn muốn mình hứa rằng sẽ không kiệt sức vì không có gì ăn và phải hoàn thành xong bài luận văn tốt nghiệp. (Cười)
Sau kỳ thực tập tại đó, chị phụ trách đó có nhận xét và khen ngợi rằng mình làm việc rất khá nên mình cũng hỏi xem chị ấy có muốn nhận thêm người làm việc nữa không vì mình đã tốt nghiệp rồi.
Nhưng chị ấy nói rằng rất tiếc là không vì thời điểm đó công ty tương đối khó khăn.
Chuyện xin việc của bạn nghe chừng hơi quá gian nan…?
- Một lần mình đến xin việc tại một công ty khác thì sau khi nói chuyện, người phụ trách bên đó nói rằng biết mình vì đã có lần được nghe giới thiệu về mình từ phía một người quen ở công ty cũ nơi mình thực tập.
Mãi sau này, mình mới biết được một điều thú vị ở đây đó là khi ngồi nói chuyện với nhau thì người phụ trách đó đã thú nhận với mình rằng trước khi đến đây, chị ấy đã định sẽ không nhận mình và chỉ muốn động viên để mình tìm việc chỗ khác thôi.
Không ngờ khi ngồi trước mặt mình thì chị ấy đã không thể nói không được.
Người đó đồng ý nhận mình vào làm việc nhưng chỉ với tư cách là người làm việc không thường xuyên để kéo dài thời gian mình được ở lại Thụy Điển.
Một thời gian sau thì công ty này gặp một chút trục trặc nên mình lại được giới thiệu về công ty khác.
Cũng phải mất một năm sau đó mình mới có thể tìm được một công việc chính thức tại Tập đoàn Atlas Copco và đây cũng là nơi mình gắn bó cho tới tận ngày nay.
Một năm chật vật tìm một chỗ đứng ổn định với mức lương 0 đồng, bạn làm gì để có thể trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ bên đấy?
- Trong một năm chưa xin được công việc ổn định, mình từng phải đi làm thêm tại một siêu thị để kiếm tiền trang trải phí sinh hoạt, rồi viết cho một vài tờ báo tại Việt Nam.
Nhưng bạn biết rồi đấy, kiếm tiền ở Việt Nam để sống tại một quốc gia Bắc Âu thì quả thực là rất… kinh khủng. (Cười)
Nhưng mình vẫn tự nhủ rằng cuộc sống cho mình điều gì thì mình sẽ bằng lòng với điều đó, vì vậy nên 1 năm sống nhờ tiền làm tại siêu thị và viết báo tại Việt Nam, mình vẫn sống đủ.
Trong một năm đó mình cũng có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ và viết lách, đó cũng là quãng thời gian cuốn sách đầu tay của mình ra đời.
Trong 1 năm phải làm những việc chân tay nặng nhọc để kiếm tiền, Ngân có khi nào cảm thấy nản không?
- Có chứ, mỗi lần bê một thùng đồ nặng nề ở siêu thị lên thì mình lại thấy nản vì nghĩ rằng mình học Thạc sỹ, mình có một công việc rất tốt ở Việt Nam nhưng tại sao mình phải ở đây và làm những công việc này.
Nhưng bù lại, mình có một động lực là biết đâu mình lại kiếm được một công việc về truyền thông tại một quốc gia xuất sắc về truyền thông như thế này. Nhìn chung, mình cũng thích công việc tại siêu thị, chỉ trừ việc phải bê những chiếc thùng rất nặng thôi.
Làm truyền thông tại Thụy Điển có nhiều thứ khác biệt so với làm ở Việt Nam không bạn?
- Lần này trở về Việt Nam, mình mới có cơ hội nói chuyện nhiều với những bạn làm công việc giống mình và phát hiện ra rằng ở Việt Nam thì một công ty sẽ có một nhóm làm PR chuyên nghiệp, một nhóm làm sự kiện chuyên nghiệp, một nhóm làm quảng cáo và thiết kế chuyên nghiệp…
Nhưng bên Thụy Điển thì cả công ty sẽ có một nhóm người và mỗi người đều phải làm tất cả các kỹ năng đó.
Mình được tận dụng những agency bên ngoài để làm cho mình những sản phẩm nhưng mình phải có kiến thức về lĩnh vực đó để kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Một điểm khác biệt nữa là các bạn làm truyền thông ở Việt Nam rất bận và làm việc rất muộn, trong khi bọn mình thì chỉ làm việc từ 7h-16h30 và không bao giờ mang công việc về nhà.
Thụy Điển rất tôn trọng công việc và cuộc sống riêng nên mỗi khi về nhà họ tập trung vào việc chơi cùng con cái, tập luyện thể thao, giao lưu bạn bè thay vì công việc.
Có phải những người nước ngoài thường sử dụng thời gian cho công việc rất khắt khe?
- Mình rất tôn trọng thời gian làm việc chung với mọi người và không khi nào làm việc riêng vì mình biết rằng sau đó mình có nhiều thời gian ở nhà để giải quyết những công việc riêng đó.
Nhưng mọi người cũng không quá khắt khe đâu, mỗi người làm việc sẽ có một ngân hàng thời gian, mỗi khi đến làm việc sớm hay về muộn thì thời gian thừa đó sẽ được tích vào ngân hàng thời gian để bù cho những ngày mình về sớm.
Nhìn chung thời gian làm việc rất linh hoạt.
Mình may mắn có một người lãnh đạo dễ chịu, chị ấy có nói với mình rằng bất kỳ khi nào cần cảm hứng hay làm việc riêng thì có thể sử dụng ngân hàng thời gian đó. Mình có thể làm việc ở quán café hay ở nhà cũng được.
Nghe bạn kể giống như một văn phòng làm việc trong mơ của bất kỳ một người đi làm nào vậy?
- (Cười) Mình cũng thấy rằng mình may mắn được đối diện với phong cách quản lý nhân sự khá văn minh và dễ chịu.
Vậy chắc hẳn bạn sẽ dự định gắn bó lâu dài với công việc hiện tại?
- Mình sẽ gắn bó với công việc này cho đến khi nào mình vẫn còn cảm hứng để tiếp tục làm nó. Khi nào mình cảm thấy có công việc khác thú vị hơn thì chắc mình sẽ nghĩ đến việc chuyển nghề.
Xin cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện thú vị này!