Cô gái bị cắt tóc ngắn gây bão và "đồ nhà quê chả biết gì!"

Nguyễn Xuân Quang Huy |

Ranh giới giữa phá cách và phá bĩnh để thành thảm họa vốn rất mong manh, nhất là trong thực tế mà chính không ít “chuyên gia” ở Việt Nam còn thiếu kiến thức về làm đẹp.

Thảo, cô gái trở thành “thảm họa” phong cách trên mạng vừa qua không phải là “ca hiếm” để phản ánh sự “tài tình” của các “chuyên gia” tạo phong cách ở Việt Nam.

Nhưng có lẽ, vì Thảo xuất hiện trên một chương trình truyền hình, mà chương trình đó lại được dẫn bởi một MC đang không nhận được sự yêu mến của số đông, nên sự thảm họa của phong cách được tạo cho nhân vật và sự ghét MC đã đẩy Thảo ra giữa tâm bão.

Thảo, thực ra chỉ là phần nổi của tảng băng cùng với những phần nổi khác mà các chuyên mục Sao xấu của báo mạng hay các tạp chí về thời trang ở Việt Nam vẫn đưa ra “chặt chém” mỗi ngày.

Phần chìm của tảng băng là những người nổi tiếng, những doanh nhân hay các khách hàng khác đã không ít lần bị “xì xầm” trước đám đông vì sự “không giống ai”, mà tội đồ cũng chính là các “chuyên gia” như trên.


Câu chuyện về cô gái cắt tóc ngắn để thay đổi bản thân đã trở thành đề tài bàn luận của dân mạng nhiều ngày qua.

Câu chuyện về cô gái cắt tóc ngắn để thay đổi bản thân đã trở thành đề tài bàn luận của dân mạng nhiều ngày qua.

Lạ và dị

Bạn sẽ chẳng ngạc nhiên vì tại sao cô Hoa hậu nọ tuổi gần 50 mà ăn mặc màu mè cứ như thiếu nữ, trong một dạ tiệc đen – trắng. Trang sức thì cứ quấn quanh tai, quanh cổ vô tội vạ như một cái giàn hoa giấy.

Đơn giản là stylist của cô muốn cô thực sự khác lạ, thực sự nổi bật. Ừ, thì nổi, thì khác lạ đấy nhưng đột nhiên cô trở nên lạc lõng ngay trong dạ tiệc mà sự lịch lãm phải được đòi hỏi cao hơn sự “lạ”.

Cách đây 6 năm, khi thực hiện chụp trang bìa cho một tờ báo về doanh nhân nữ, chúng tôi chụp người đẹp Chung Vũ Thanh Uyên, cho chủ đề năng lượng phụ nữ. Stylist gọi một chuyên gia trang điểm nổi tiếng, là người chuyển giới.

Với góc mặt thanh tú của Thanh Uyên, chúng tôi muốn chuyên gia trang điểm làm cho đôi mắt nhân vật sống động hơn, làn môi gợi cảm và khắc phục phần khuyết của gò má hơi hóp.

Thế rồi, chuyên gia trang điểm đánh mí mắt của Uyên màu xanh két đậm. Môi tô son đỏ. Mái tóc sấy xù và phồng lên khiến cả 3 chi tiết không ăn nhập gì với nhau. Cả ê kíp phát hoảng nhưng không ai dám ý kiến vì người trang điểm vốn rất…đanh đá.

Chỉ đến khi người trang điểm đi rồi, chúng tôi phải gọi một nhân viên trang điểm bình thường khác đến “giảm tông” và chỉnh trang lại phần trang điểm cho nhân vật.


Nhiều cô gái trở thành thảm họa thời trang bởi các chuyên gia của mình. (Ảnh minh họa)

Nhiều cô gái trở thành thảm họa thời trang bởi các "chuyên gia" của mình. (Ảnh minh họa)

Thế nên, bạn đừng ngạc nhiên khi đến các sự kiện, thấy thỉnh thoảng xuất hiện một số chị em “khác” đến mức gây sốc với hình ảnh thông thường của họ mà bạn thấy. Bạn sẽ hiểu ra, nhờ “tay ải tay ai” mới ra nông nỗi như thế.

Việc làm quá, làm “dị” đã không còn lạ lẫm, một phần do nhân vật muốn nổi bật thực sự để không thua chị kém em, “chặt chém” ngầm với các “đối thủ”; một phần do sự non tay nghề của “chuyên gia”. Thế là thành thảm họa.

Mà đâu có nhiều “chuyên gia” đúng nghĩa. Đa số là dân tay ngang, ai cũng có thể làm stylist, toàn lấy layout mẫu của nước ngoài rồi bắt chước làm theo. Trong khi, có những layout đã lỗi đến mấy mùa vẫn áp dụng.

Khi nam giới làm quá hơn phụ nữ

Tay nghề của chuyên gia là một chuyện. Nhưng mấu chốt vẫn là quan niệm về phong cách. Quan niệm thì có cái sai cái đúng. Nhưng sai và đúng không quan trọng bằng sự phù hợp.

Bạn đã từng biết đến mái tóc ngắn Mỹ Linh vốn thành khác biệt giữa cái thời các chàng thi nhau hát “Thương lắm tóc dài ơi” nhưng rồi dần dần, các chàng cũng phải quen với sự ngộ nghĩnh đến dễ thương từ mái tóc tém của bạn gái mình.

Tuy nhiên không phải ai cũng phù hợp với kiểu tóc đó. Nhất là những cô có gương mặt khá dài. Cũng như mái tóc xù kiểu danh ca Ngọc Lan, sẽ vô cùng đẹp với những gương mặt nhỏ.

Còn với những cô răng vẩu mặt gãy hay mặt quá tròn, để tóc này chắc chắn là thảm họa.

Hay nhuộm tóc vàng cho Tây, tóc vàng non chỉ hợp với da trắng, không nhờn, mắt xanh, mũi cao. Chứ ở ta, da đen nhờn, mũi ngắn mà lại nhuộm tóc vàng cháy, quả là cơn ác mộng về hình ảnh.

Đó, sự mới mẻ có thể gây tranh cãi và dần thành quen nhưng có những sự “mới” đến cả ngàn đời cũng không thể quen nổi. Mà gần đây, là cách ăn mặc của không ít fashionista của Việt Nam.

Các fashionista của nước ngoài với dáng cao, phong cách năng động, họ ăn mặc theo gu dị (dĩ nhiên là dị ở mức vừa phải), chợt thấy họ thực sự cá tính và dễ thương vô cùng.

Nhưng về đến Việt Nam, cũng bộ đồ đấy, mấy anh mấy chị quấn vào, lại làm quá lên để không bị nói là bắt chước, đột nhiên thành dị biệt.

Nào thì giữa trời Sài Gòn nóng 35 độ mà khăn áo phập phồng như cái rèm cửa. Nào thì bên trên áo xống đầy đặn, vải vóc thừa mứa, bên dưới chỉ vỏn vẹn cái…quần tất. Ruy băng, dây nhợ quấn một cách vô tội vạ.

Rồi áo lông gà lông vịt, áo cắt ngang xẻ dọc, cái cần che thì không che, cái cần hở thì không hở, lộn xộn hết cả ra.

Ấy thế mà, những người mặc ấy lại “tự hào phong cách” và nhìn những người lạ lẫm với mình bằng sự khinh khỉnh “đồ nhà quê chả biết gì”.

Bạn tôi, một stylist thời trang ở Úc, trong một lần đến Việt Nam, vô tình nhìn thấy các fashionista nhà mình trên một trang báo mạng thì chợt phá lên cười. Cô hỏi rất thật thà: “Thế đây là trang phục bản địa bên mày hay sao?”

Tôi giải thích là các bạn đó đang học theo xu hướng nước ngoài thì cô trố mắt ngạc nhiên. Cô hỏi tôi “Họ học của nước nào mà làm quá lên thế?”. Tôi chỉ biết im lặng.

Mà điều đáng nói, những nhân vật fashionista gây sốc hiện nay ở ta đa số lại là nam giới chứ không phải phụ nữ.


Thảo trở thành nạn nhân của cái gọi là phong cách.

Thảo trở thành nạn nhân của cái gọi là "phong cách".

Phong cách phải đúng người đúng cảnh

Quay lại với Thảo, trong chương trình truyền hình vừa rồi, có thể nói đó là một sai lầm về phong cách. Vì sao?

Người tạo tóc cho Thảo muốn tạo ra hình ảnh Thảo là một “Mon Shu Girl”, một con búp bê độc đáo mà Karl Lagerfeld, Giám đốc sáng tạo danh tiếng của hãng Chanel dành tặng cho bạn thân của mình, là Giám đốc một hãng mỹ phẩm danh tiếng của Nhật Bản.

“Mon Shu Girl” nhanh chóng gây bão, trở thành những con búp bê xinh xắn và ảnh hưởng không nhỏ đến phong cách của thiếu nữ Nhật.

Vô cùng đẹp khi mái tóc ấy, phong cách ấy đi cạnh áo Kimono. Và càng đẹp hơn, khi nhân vật mang hình ảnh đó phải có đôi mắt to và làn môi son đỏ.

Vậy thì, tạo hình cho Thảo với mái tóc ngắn kiểu Mon mỏng dính, chân mày cạo và đôi môi nhạt đột nhiên trở thành một phiên bản Mon Shu Girl bị lỗi.

Đấy chưa nói, Thảo có mái tóc mỏng, khuôn mặt nhỏ, thì việc cắt tóc ngắn không phải là việc nên làm. Cuối cùng, Thảo trở thành một nhân vật thí nghiệm cho một quan điểm sai lầm về phong cách, khiến cuộc sống của cô ít nhiều bị đảo lộn.

Mà việc bao nhiêu gương mặt, bao con người đang trở thành “chuột bạch” cho sai lầm về phong cách của các “chuyên gia”, ở ta đang đầy rẫy.

Vì bản thân các “chuyên gia” ấy cũng chưa hiểu về thời trang và phong cách bởi vì không phải cái gì của nước ngoài đưa về Việt Nam cũng phù hợp.

Vóc dáng, làn da, khí hậu của Việt Nam khác hẳn. Ví dụ, tôi đố bạn bắt thiếu nữ Sài Gòn mặc thời trang Thu Đông đi giữa cái nắng 33 độ?

Đấy chưa nói, môi trường công việc nữa. Không thể bắt một cô giáo mầm non phải có phong cách giống một người mẫu trên sàn diễn hay một nữ doanh nhân lại phải giống một cô hoa hậu.

Đừng lùa họ về một rọ, gộp chung một phong cách, chứng minh cho một quan điểm. Như thế, vô hình chung, là thiếu hiểu biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại