Ngày hôm nay, có vẻ như cơn sóng “dập vùi” nhà văn Trang Hạ đã dần hạ nhiệt…
Không biết vì người ta đang muốn dành thời gian để đọc lại mọi thứ cho kỹ lưỡng (những status, những comment đã phóng ra trong lúc “sôi nổi” nhất, bài phỏng vấn nhà văn có yếu tố gây “phẫn nộ”…) hay là sự chú ý đã chuyển sang một chuyện khác?
Khả năng thứ 2 có lẽ nhiều hơn, thời đại này cái gì cũng nhanh, đó là điều dễ hiểu.
Nhưng tôi vẫn muốn “xới” lại chuyện này – chuyện về “con lợn” của nhà văn Trang Hạ. Vì ở đó, không chỉ có chuyện “con lợn”…
Trang Hạ bạo miệng là chuyện "xưa như trái đất", đầy câu cô ấy nói còn “sốc” hơn nhiều và cũng đã gây không ít tranh cãi.
Nhưng gây “phẫn nộ” đến như vừa rồi thì cũng được coi là hiếm, và mọi thứ xuất phát từ câu nói “Đàn ông về nhà chỉ có ăn - tắm - ngủ thì khác gì con lợn!”.
Cái "tội” của Trang Hạ chính là ở chỗ đã ví một nửa mạnh mẽ của thế giới với “con lợn” (?). Để rồi nguyên một ngày, tràn ngập các trang Facebook cá nhân là những status mắng nhiếc, xỉa xói, dè bỉu, cạnh khóe thậm chí xúc phạm đến cá nhân và cả gia đình của người phát ngôn.
Và vì Trang Hạ vốn cũng là một nhà văn tôi hay đọc nên tôi muốn tìm đến văn bản gốc của phát ngôn kia xem nó ra sao…
Không khó tí nào để làm việc đó. Nhưng tôi lại còn ngạc nhiên hơn về điều mình tìm hiểu ra…
Để cho chắc, tôi hỏi thử mấy người bạn, người em bằng câu “Đã đọc hết bài phỏng vấn có đoạn “con lợn” chưa?”, thì nhận được những câu trả lời rất giống nhau: “Chưa!”, thậm chí có bạn còn bảo “Bài phỏng vấn á, bài phỏng vấn nào?”.
Tôi mới bảo “Không đọc sao cũng giật status “con lợn” rồi “chửi” người ta như đúng rồi thế?”. Trả lời: “Thì thấy mấy đứa cùng phòng nó kể lại mụ ấy ví bọn đàn ông như lợn còn gì!”
Ra vậy!...
Những câu trả lời giống nhau ấy làm tôi nhớ đến câu chuyện mà tôi được người trong cuộc kể cho nghe đằng sau những ồn ào về một cuốn từ điển cũng rất “hot” gần đây: Bà là Giám đốc một thư viện nọ, nơi lưu trữ cuốn từ điển gây bức xúc…
Một ngày như mọi ngày, bà đang làm việc thì một nhóm phóng viên không đặt lịch hẹn, không trao đổi trước, xông vào phòng, chất vấn cứ y như bà là người làm ra cuốn từ điển. “Tại sao và tại sao…?”.
Bà Giám đốc khó chịu nhưng cũng lịch sự hỏi nhóm phóng viên 3 câu: Các bạn đã đọc cuốn từ điển đó chưa? – Chưa. Các bạn đã đọc Luật Xuất bản chưa? - Chưa. Vậy các bạn đã tìm hiểu về chức năng của Thư viện chưa? – Cũng chưa….
Vì cả 3 cái chưa đó, cộng với thái độ truy sát và có phần “hỗn” của nhóm phóng viên nên bà Giám đốc cũng dần mất kiên nhẫn và mời nhóm phóng viên ra ngoài…
Và thế là khán giả cả nước được xem một phóng sự mà ở đó, cùng với những “kỹ xảo” và bình bàn nhà nghề khác, bà Giám đốc trở thành một người… kì cục (so với bà mà mọi người biết hàng ngày)…
Nhà văn Trang Hạ
"Ném đá" Trang Hạ: Chỉ là hiệu ứng đám đông
Trở lại câu chuyện về “con lợn” của nhà văn Trang Hạ.
Tôi chả biết trong số những người thi nhau giật status ném đá nhà văn Trang Hạ thì có bao nhiêu người đã dành thời gian đọc cho đến đầu đến đũa bài phỏng vấn ấy.
Tôi chỉ thấy rất rõ một điều là giờ đây, sao cái gọi là “phong trào” nó lại dễ được phát động một cách mạnh mẽ đến thế, khi mà thế giới đã phẳng lì và người ta có đầy đủ điều kiện để tiếp cận một vấn đề, sự việc, vụ việc từ nhiều chiều một cách thấu đáo, khách quan và sòng phẳng nhất?
Vì rõ ràng, nếu dành thời gian đọc kỹ bài phỏng vấn này, cũng như theo dõi những bài viết khác của Trang Hạ thì thấy đâu có gì ghê gớm đáng “dậy sóng” đến thế, trừ cách ví von “con lợn” không êm tai?!
Nhưng ngay đến cả cách ví von ấy thì cũng phải nhìn vào nó cho đúng với những gì Trang Hạ muốn nói, chứ không thể bẻ quặt ý của người ta đi được!
Một đứa em tôi bảo: “Dù gì việc ví cánh đàn ông như con lợn là điều không thể chấp nhận được…”. Đúng vậy, nhưng thực ra, Trang Hạ đâu ví tất cả đàn ông như con lợn đâu, chị ấy đã cẩn thận “khu biệt” thành nhóm đàng hoàng rồi mới ví mà!
Đấy là nhóm nào thì có trong bài phỏng vấn. Tôi cũng không thích lắm cách ví von bạo miệng này mà có lẽ chỉ Trang Hạ mới nói ra thế (trong khi có thể đầy người nghĩ trong đầu nhưng lại che miệng không dám nói ra).
Nhưng tôi không thích không có nghĩa là Trang Hạ không có quyền nói theo cách chị ấy muốn, trong hoàn cảnh mà chị ấy thấy phù hợp.
Vì công việc, tôi cũng có dịp tiếp xúc với Trang Hạ. Chị ấy làm tôi khá bất ngờ vì khác với những trang văn mạnh mẽ, gai góc, có phần “ngạo mạn” là một Trang Hạ rất nữ tính với chân váy ôm, áo lụa thêu hoa và giọng nói nhẹ nhàng nếu không muốn nói là thỏ thẻ…
Tôi cũng đọc khá nhiều những gì Trang Hạ viết. Những trang viết của chị ấy, ai thấy “ngứa tai, gai mắt” vì sao thì tôi không biết, còn tôi thấy khá có ích, đặc biệt là đối với cánh phụ nữ, chưa kể nó cung cấp những góc nhìn mới mẻ về một số điều cũ kĩ…
Ví dụ như bài trả lời phỏng vấn có yếu tố “con lợn” này chẳng hạn.
Cá nhân tôi không định bênh vực Trang Hạ, mà bản thân chị ấy cũng chả cần ai bênh vực.
Khen hay chê, bênh vực hay “ném đá” cũng chỉ là một cách để chị ấy “đo” độc giả của mình thôi (để có khi là lại “bật” ra đề tài mới cũng nên).
Tôi chỉ thấy một điều rằng, muốn phán xét bất cứ điều gì thì trước hết phải hiểu thấu đáo về nó cái đã. Đừng chỉ vì mỗi một cái tít bài báo hay một đoạn được bôi đen, in đậm rồi lao vào kết tội người ta giống kiểu “thầy bói xem voi”.
Thế thôi! Còn nếu không thì cách mình đánh giá, phán xét người khác cũng đủ để đánh giá về chính mình. Như kiểu bu-mê-răng vậy.
Và một điều nữa tôi nghĩ, dù có “lên án” đàn ông mạnh mẽ đến mấy thì Trang Hạ chắc chắn vẫn là người phụ nữ biết yêu thương và nâng niu giá trị của đàn ông.
Yêu thương và nâng niu theo cách riêng của chị ấy. Vì chị ấy thừa hiểu, dù có ghét bỏ thì đàn ông, họ vẫn chiếm một nửa thế giới này và không có họ, thế giới này sẽ buồn tẻ biết bao (sẽ còn lại ai để chị ấy ví như “con lợn” bây giờ?).