Chuyện xe cứu thương ở Đức: Dân mạng Việt "tâm phục khẩu phục"

Hương Trà |

Câu chuyện về chiếc xe cứu thương ở Đức và sự liên tưởng đến Việt Nam đang trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội.

Trên mạng xã hội Việt đang lan truyền một clip ghi lại cảnh hàng trăm ô tô trên đường cao tốc ở Đức nhanh chóng dạt vào 2 bên lề đường để nhường cho xe cứu hộ tiếp cận hiện trường vụ tai nạn phía trước.

Từ clip này, câu chuyện về văn hóa giao thông, chuyện nhường đường cho xe ưu tiên ở Đức và Việt Nam cũng được đưa ra so sánh, bàn luận sôi nổi.

Tâm phục khẩu phục

Nhiều ý kiến tỏ ra nể phục trước văn hóa tham gia giao thông của người Đức và ngán ngẩm khi nhìn lại trong nước, khi mà cảnh thường thấy là các xe cứu thương phải vật lộn giữa rừng người trên phố.

Trong bài viết với tựa đề khá gai góc "Xem video người Đức nhường đường xe cứu thương: Ở VN, bệnh nhân chỉ có nước chờ chết", Báo điện tử VTC News đã phỏng vấn Thượng tá Lê Đức Đoàn - Công dân ưu tú thủ đô Hà Nội, nguyên chiến sĩ Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội.

Ông chia sẻ: "Có trường hợp bị tai nạn, nếu xe cứu thương chở theo cán bộ y tế đến hiện trường nhanh chỉ tích tắc thôi là cứu được nạn nhân. Nhưng chỉ vì tắc đường, chẳng ai chịu nhường mà xe cứu thương tới chậm và nạn nhân đã tử vong."

Người Đức nhường đường cho xe cấp cứu

Nhất trí cao với quan điểm này, bạn đọc Lê Thanh Nhàn bình luận: "Văn hóa giao thông của người Việt Nam quá kém, ghét nhất là khi đừng đợi đèn, còn khoảng 5-7 giây nữa đèn xanh mới bật mà họ bóp còi inh ỏi đòi vượt".

Bạn đọc Quốc Trung hài hước: "Văn hóa giao thông ở Việt Nam là kiểu văn hóa điền vào chỗ trống, ra đường cứ thấy chỗ nào phía trước còn trống là họ đi vào không có kiểu xếp hàng trước sau.

Ai mà giành được hay ngoi lên được trước người khác là họ cảm thấy hãnh diện, thấy được hơn người, và họ cảm thấy họ là nhất".

Bạn đọc Phương Loan so sánh: "Lúc nào người dân đi đường cũng trong tình trạng "2 con dê đi qua cầu". Đoạn ngã tư nào mà đèn đỏ hư thì đúng là hỗn loạn".

'Ngưỡng mộ cách hành xử khi tham gia giao thông của người dân Đức, nhìn lại mình mà không khỏi ngán ngẩm", thành viên Ngọc Ngoan viết.

Không chỉ đồng tình với những bình luận ở trên, bạn Dũng Phạm thậm chí còn đưa ra ý tưởng về các biện pháp tuyên truyền hướng dẫn cho người tham gia giao thông:

"Chúng ta cần có sự tuyên truyền về ý thức nhường đường và các cách nhường đường cho xe cứu thương trong các tình huống (ùm tắc đường, kẹt do dừng ngã tư).

Có thể gắn loa phát thanh trên xe cứu thương để phát yêu cầu, hướng dẫn các xe dừng trước đèn đỏ rẽ về hướng khác (về phía phải) vì nhiều khi mọi người tham gia giao thông khi gặp xe cứu thương không biết nhường đường vì đến đèn đỏ ngã từ là dừng.

Hoặc, gắn camera trên xe cứu thương để ghi lại bằng chứng sau đó gửi cho các cơ quan quản lý để phạt các xe đi trước khi không nhường đường..."

Không cho rằng đây là chuyện nhường đường cho xe cứu thương, nhưng bạn G.N.Đ cũng bày tỏ trên trang cá nhân rằng dù sao người Đức cũng vẫn đáng nể...

"Muốn nhường đường cũng không được"

Ngược với những ý kiến ở trên, bạn Hưng Hoàng lại cho rằng: "Qua 2 phút clip ghi ở nước ngoài mà các bạn đã nói ở họ ý thức tốt hơn ta là phiến diện.

Ở ta không có tín hiệu báo trước, lấy đâu mà tránh, khi xe cứu thương đến, đã kín đặc đường, kín đặc làn rồi, muốn nhường cho xe cứu thương cũng không được.

Theo tôi, trên đoạn đường cao tốc, đường xa lộ, nên kèm theo những bảng chỉ dẫn điện tử, phía trước có tai nạn, phía trước có tắc đường, để các phương tiện chuyển hướng nếu được.

Thứ hai, qua bảng chỉ dẫn, hệ thống 115 phối hợp với trung tâm điều phối, cảnh sát giao thông, bảng chỉ dẫn, đài FM, ... cần nhiều sự đồng bộ của hệ thống.

Ngay từ giờ chúng ta đã phải nghĩ và định hướng xây dựng những thứ như vậy trước rồi. Ý thức con người cũng chỉ một phần thôi."

Còn thành viên Kiên Minh thì ý kiến: "Xem kỹ đoạn video thì cũng có lúc xe cứu thương vẫn phải tìm đường đi đấy thôi. Ở Việt Nam, mọi người đều có ý thức nhường xe cứu thương nhưng không phải lúc nào cũng có thể né vào trong được".

Dù vậy, có thể thấy trên khắp các diễn đàn nói về chủ đề này, các ý kiến "bảo vệ" ý thức giao thông của người Việt chỉ là... thiểu số, hầu hết thừa nhận người Đức rất đáng nể phục trong trường hợp này!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại