Chuyện con nhà giáo đi làm nghề thợ xăm

Ngân Hà |

Từng theo học ngành thiết kế nội thất tại trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng, nhưng vì niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật xăm hình, chàng trai 8x này đã sớm rẽ lối theo công việc trái ngược rất nhiều.

"Bén duyên" nghề xăm vì quá đam mê

Cao Phi Long SN 1988, là một thợ xăm lành nghề nổi tiếng tại Đà Nẵng. Làm quen với các hình xăm từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, Phi Long sớm nhận ra mình đã "phải lòng" bộ môn nghệ thuật này nên anh chàng quyết định vừa học, vừa làm thêm công việc xăm hình.

Vì quá đam mê, gắn bó nên khi ra trường, Phi Long vẫn tiếp tục theo đuổi nghề này, tính đến nay đã được 6 năm.


Chàng thợ xăm Cao Phi Long

Chàng thợ xăm Cao Phi Long

"Vạn sự khởi đầu nan", khi lập nghiệp Phi Long cũng vấp phải những khó khăn nhất định như định kiến xã hội, không được gia đình ủng hộ, chưa có kinh nghiệm trong nghề nên phải tự tòi, học hỏi ở rất nhiều nơi...

Được biết, anh chàng này sinh ra trong một gia đình gia giáo, có bố là hiệu trưởng trường cấp 2 ở quê hương Gia Lai, nên khi chọn theo đuổi công việc này, Phi Long bị bố mẹ kiên quyết ngăn cản.

Nhưng khi nhận ra được niềm đam mê cũng như năng khiếu của con trai, bố mẹ Phi Long dần thông cảm và chỉ chăn dặn con cố gắng lao động chăm chỉ bằng chính sức lực của mình để kiếm tiền nuôi bản thân, gia đình, miễn không phạm pháp hay trái lương tâm là được.

Vượt qua khó khăn và định kiến để theo đuổi công việc

Khi được hỏi về định kiến của người Việt trong việc xăm hình, Phi Long chia sẻ: "Người Việt Nam mình các ở thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh hiện đã có suy nghĩ thoáng hơn về xăm mình so với ngày xưa rất nhiều.

Vì bây giờ ra đường không khó để bắt gặp người có hình xăm, nên họ cảm thấy bình thường. Nhưng tại các vùng quê hay tỉnh lẻ thì việc xăm hình còn là một cái gì đó xấu xa trong mắt người lớn tuổi hay giới công chức.

Quê ở Gia Lai, nên mỗi lần về thăm nhà mình có thể cảm nhận được điều đó. Ở Đà Nẵng khi mình mới làm thì xăm hình chưa phổ biến nên cũng bị dị nghị, ngay cả đi thuê mặt bằng để mở tiệm xăm thôi cũng khó".

Khó khăn là vậy, nhưng nhờ sự kiên trì theo đuổi, đến nay chàng trai 8x đã trở thành ông chủ của một tiệm xăm khá lớn ở trung tâm thành phố với lượng khách hàng đều đặn, có 10 thợ và học viên, thường xuyên mở các khóa đào tạo thợ xăm thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia.

"Làm công việc này, để giàu thì không có, nhưng thu nhập hàng tháng đủ để mình sống thoải mái và quan trọng là được làm một công việc phù hợp với khả năng cũng như sở thích của mình.

Nên lúc làm việc cũng giống như đang chìm đắm trong thế giới nghệ thuật để thoải mái sáng tạo vậy" - Phi Long tâm sự.

Những ấn tượng, kỉ niệm đáng nhớ trong nghề

Công việc thường xuyên tiếp xúc với vô số khách hàng, nên Phi Long có rất nhiều kỉ niệm, ấn tượng đặc biệt.

"Hình xăm đầu tiên mình làm là hình xăm thư pháp cho một người bạn học cùng lớp, bây giờ bạn ấy cũng là thợ xăm luôn.

Mình nhớ mãi vì hôm đó xăm rất lâu: từ 8h sáng đến khoảng 10h trưa thì mất điện, đợi mãi không có lại nên đến đầu giờ chiều tụi mình phải chạy lên nhà một bạn khác ở chỗ có điện để tiếp tục xăm thêm khoảng năm tiếng vẫn không xong.

Hồi đó dùng máy tự chế nên xăm rất lâu và kĩ thuật xăm còn chưa cao. Đến bây giờ,  gặp lại người bạn đồng nghiệp này tụi mình vẫn rất vui mỗi khi nhắc lại kỉ niệm đó".


Hình xăm đầu tiên của Phi Long

Hình xăm đầu tiên của Phi Long

Khi mới vào nghề, nếu như nhiều thợ xăm, đặc biệt mà thợ xăm nữ thường khá hồi hộp và run lúc làm cho khách, nhất là khi họ đau đớn rên rỉ.

Nhưng đối vối Phi Long thì anh chàng cảm giác khá thích thú khi lần đầu chạm mũi kim lên người khách xăm và không hề run tay.

Nhưng khi xăm cho một bạn nữ ở vị trí hơi "nhạy cảm" thì lại khác: "Lần đầu tiên xăm cho một vị khách nữ ở ngực thì mình cực kì ngại và run không thể tả được, đến nỗi phải chạy lại uống mấy li rượu  bầu đá cho "phừng phừng" rồi mới  làm tiếp.

Dần dần mình nghĩ bản thân cần làm việc chuyên nghiệp, tập trung vào hình xăm nên hết ngại".

Không chỉ tìm đến tiệm xăm của Phi Long vì mong muốn sở hữu những hình xăm ấn tượng, nổi bật, thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ, giải tỏa tâm lí...một số khách hàng còn xăm để che sẹo.

"Mình cũng thường xăm che sẹo cho khách. Có một bạn nữ bị tai nạn, để lại sẹo trên đầu gối nên muốn mình xăm một hình che sẹo đi nhưng không được quá to.

Làm xong một thời gian sau bạn ấy quay lại, muốn làm cho màu nhạt đi, không nổi quá vì sợ gia đình.  Mà yêu cầu của hình xăm xong là phải chín màu, sắc nét, màu tươi.

Mình thật sự không muốn vì như thế sẽ không còn đẹp như lúc đầu nữa. Nhưng vì bạn ấy yêu cầu nên vẫn phải làm mờ đi. Đúng là chín người mười ý, không ai quan niệm giống ai, đặc biệt là trong nghệ thuật.

Có trường hợp một bạn nữ xăm xong rồi đi xoá bằng laze nên để lại sẹo nhìn rất kinh khủng, phải đến mình xăm lại một hình khác đè lên.

Qua đây mình muốn khuyên các bạn trẻ nên suy nghĩ thật kĩ và lựa chọn những hình xăm có ý nghĩa với mình nhất, vì nó sẽ theo mình cả đời, tránh xăm rồi phải xóa đi, vừa đau đớn vừa mất tiền".


Hình xăm đầy thú vị trên bàn chân dị

Hình xăm đầy thú vị trên bàn chân "dị"

Khách hàng đến với tiệm xăm của Phi Long khá đông, trong đó có không ít những vị khách người nước ngoài hay Việt Kiều.

"Có một nhóm ba vị khách nước ngoài từng yêu cầu mình  xăm biểu tượng chiến nón lá Việt Nam. Một khách khiến mình nhớ nhất là cô việt kiều Mĩ.


Những vị khách tây của Phi Long

Những vị khách tây của Phi Long

Cô ấy 62 tuổi nhưng nhìn rất trẻ trung và "xì tin". Khi cô nói ra tuổi của mình thì cả tiệm lúc đó ai cũng ngỡ ngàng. Vì xăm hình ở Mĩ giá rất cao nên gần Tết năm nào về nước cô ấy cũng ghé chỗ mình để xăm.

Tính đến nay đã được 4 năm 4 hình rồi. Ngoài ra có khách hàng còn yêu cầu mình xăm hình khá khủng, kín lưng: từ đỉnh vai xuống đến hai chân cộng và kín cả hai tay" - Chàng thợ xăm kể lại

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại