Những câu hỏi quá riêng tư của những người hàng xóm, họ hàng trong những ngày Tết đến xuân về, tưởng là thể hiện sự quan tâm, nhưng thực tế luôn khiến những người trẻ nổi đóa.
Mới đây, một chàng trai 8X độc thân sống tại TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ những bức xúc của mình khi về nhà ăn Tết và bị "tấn công" bởi quá nhiều câu hỏi riêng tư.
Chàng trai Phạm Minh Mẫn viết: "Truyền thống "quý báu" lâu đời của toàn dân tộc, bất chấp thôn quê - thị thành.
Tết, lại gặp người xa quê về, người Việt ưa quan tâm bằng cách hỏi thăm (thật ra lắm lúc cũng chỉ tò mò để đi bàn tán).
Nhưng không phải câu hỏi thăm nào cũng đáng yêu. Người hỏi thiện chí nhưng người nghe mệt. Người hỏi lì hỏi cho bằng được đừng trách người nghe quạu.
Nhiều người chia sẻ Facebook rồi, tưởng đâu mình được ngoại lệ, té ra vẫn y chang. Rồi cái bị kêu chảnh, hỗn.
1. LƯƠNG - THƯỞNG:
- Làm lương tháng được nhiêu con? (Câu hỏi vô duyên kinh điển như hỏi đàn bà nặng bao nhiêu kí với nhiêu tuổi á)
- Dạ (cười nhẹ) dạ cũng đủ sống chú/bác/thím/cô.
- Đủ sống là bao nhiêu (hỏi tới)?
- (Hơi mệt) Dạ cũng mấy triệu/tháng.
- Mấy triệu là mấy triệu, một triệu hay chín triệu hay mười mấy triệu?
- (Cười nhẹ hơn) Dạ nói chung con chi tiêu cũng ok ạ. Chú uống nước nha?
- (Quạu) Cha mày, tao hỏi cho biết chứ có mượn tiền hay xin tiền gì mày?
- (Cười mỉm) Ơ, con đâu nói chú xin hay mượn gì đâu!
- Rồi Tết được thưởng nhiêu? Mấy tháng lương? (Chưa tha)
- (Hơi điên) Dạ cũng bình thường à chú.
- Làm gì giấu như mèo giấu... vậy con (vô duyên nha). Con ông Năm ngoài kia khoe tháng làm hai chục triệu, tết thưởng tới mấy tháng lương kìa. Làm gì mày giấu dữ vậy?
- Dạ... chú biết hết lương, thưởng của thanh niên xã mình luôn hả chú?
- Anh T (ba tui) thằng con anh nó khinh tui kìa...
Hậu quả bị ba la. Kêu hỗn.
2. BỒ - CƯỚI:
- Năm nay nhiêu tuổi rồi con?
- Dạ con 29 rồi bác.
- Bồ bịch sao rồi con, sao không dắt ai về ra mắt?
- Dạ, con đang chưa có nhu cầu quen ai hiện tại.
- Trời ơi, sao chưa, bằng tuổi con là người ta 2, 3 đứa con rồi á. Tết mày phải dắt ai về cho ba má vui chứ.
- Dạ, mà thí dụ có thì người ta cũng có quê để lo về chứ bác.
- Thôi, lo kiếm ai rồi cưới đi chứ 30 tới nơi rồi (ai quy định 30 vậy hả, hả?).
- Dạ, khi nào cảm thấy cần con sẽ kiếm bác ơi.
- Không có được, phong tục nước mình là trai lớn dựng vợ, gái lớn lấy chồng rồi đẻ con chứ.
- Dạ phong tục nào bác (con chỉ sống theo pháp luật à)?
- Thằng này, thì lớn thì phải cưới chứ?
- Dạ, chứ nếu mà con không cưới là không được hả bác?
- Ơ thằng này, chứ mày không định mời bác ly rượu mừng à?
- Dạ, bác chờ xíu con vô lấy một chai con mời chứ bác đợi chi cưới mới uống. Vậy là con mừng lắm.
- Phong tục ông bà, phải theo. (Mặt hơi quạu không hiểu lí do), (ghét nhất trên đời chữ phải)
- Bác ăn trầu cau không con chạy đi mua?
Hai mối quan tâm kinh điển này được người ta tò mò khủng khiếp và vấn đề là sau khi biết câu trả lời, chỉ nửa ngày sau là cả xã biết. Ngộ.
Và nếu câu trả lời về cưới xin, lương lậu không giống như họ muốn/nghĩ, họ sẽ ép cho mình làm giống như ý họ muốn mới thôi. Lạ đời.
Vĩ thanh: ngoài 2 bộ phim TVB kinh điển này còn những phim lẻ được yêu thích sau:
- Con sao không học thêm thạc sĩ, tiến sĩ giống con ông X, bà Y?
- Đi làm mua nhà, mua xe hơi chưa mày? Thằng Long, thằng Hùng ngoài kia có hết rồi đó nha (trời ơi, kệ nó chứ!)
- Tết này mua gì về cho ba má, thằng B con bà Chín mua về cho ba má nó tivi 42inchs, tủ lạnh 50 triệu, máy giặt 12 triệu?
- Sao con hổng chịu làm Nhà nước cho an nhàn, ổn định, sau này có lương hưu (Hình như đây là mục đích duy nhất của mấy người đi làm Nhà nước hay sao á. Vì 10 người suy nghĩ y chang 10 người).
Năm 2016: #ngunghoivoduyen, #ngungtomo, #ok?"
Những mẩu đối thoại "kinh khủng" mà Minh Mẫn chia sẻ trên trang cá nhân đồng thời cũng là nỗi ám ảnh ngày Tết của nhiều người trẻ khác.
Nhiều người cũng chia sẻ, họ cũng phải gồng mình lên chống chọi với những câu hỏi quá riêng tư và vô duyên của những người xung quanh, và rất khó để trả lời vừa lễ phép với người lớn vừa không cảm thấy khó chịu vì bị tọc mạch.
Nick Chau Chloe tag tên một người bạn vào post của Minh Mẫn và bình luận: "Em không về quê năm nay, nhưng năm ngoái em về cũng bị hỏi.
Mà em ghét lắm lắm! Anh giỏi văn giỏi nói, thiết nghĩ anh nên viết một note: "Cách trả lời những câu hỏi vô duyên kinh điển của người Việt" để tụi em học hỏi trả lời họ làm sao.
Thiệt năm ngoái ngồi trên máy bay em cứ phải nghĩ nếu người ta hỏi em phải xoay sở sao! Em ghét lắm!".
Cũng bức xúc không kém, Facebooker Trần Phương bổ sung thêm: "Còn nhiều chuyện hay nữa anh ơi. Tỉ dụ như vầy:
- Dạ lương con 5 triệu/tháng.
- Trời, bây có bằng Đại học này nọ, quen biết người này người kia sao không nhờ kiếm lương $1000 hay $2000 tháng làm đi con. Phí quá.
Tiếp theo:
- Dạ con thưởng Tết được 10 triệu, vì năm nay lạm phát, chỗ làm con tiết kiệm chi tiêu nên anh em có nhiêu đó cũng mừng rồi ạ.
- Tết nhất có nhiêu đó sao đủ xài con, còn phụ gia đình, cho anh chị em chút đỉnh, rồi này nọ nữa. Ra Tết đổi chỗ làm khác thưởng khá hơn đi con.
Chốt hạ, mấy bác toàn xúi chứ đâu có giới thiệu.
Còn chuyện bồ bịch: lúc có dắt về giới thiệu, trước mặt thì đẹp trai/gái, dễ thương, sang này nọ.
Một thời gian sau được phụ huynh góp ý và nghe loáng thoáng có tên bác A, B, C, D (người đã từng khen ở trên) nói bạn trai/gái của con không đẹp, không hợp, mắt mũi nó vầy nè, coi chừng sau này không tới được bến.
Chốt hạ, làm sao cho vừa lòng các cụ?".
Dường như hiểu được nỗi lòng của những người trẻ, trước Tết, cư dân mạng đã chế ra bộ áo mang tên "Xin đừng hỏi thêm" như một cách đối phó thông minh với những câu hỏi vô duyên, tọc mạch của những người khác.
Bộ ảnh này nhanh chóng được "bão" chia sẻ và hàng chục nghìn lượt like từ dân mạng.