Người Pháp không "cắn vào các vết thương" để gây chú ý

Hằng Nguyễn |

"Sau tấm thảm kịch ngày 13/11, những tớ báo ở Pháp hầu hết đều không có tin bài về các nạn nhân, gia đình họ, không phải lãng quên mà là tôn trọng..."

Sau khủng bố, những gì người dân Paris phải làm, đó là tiếp tục sống. Họ làm quen với sự khủng bố xảy ra ở trước nhà của mình.

Họ nói cho những đứa trẻ sự thật, không phải để chúng thù hằn, để chúng phân biệt tôn giáo mà để chúng không lo lắng, giúp chúng biết về thực tại và thế giới, để chúng biết chia sẻ.

Paris không lập những fanpage hàng triệu like nhằm “hồi sinh” những nạn nhân đã mất đi, cũng không điên cuồng ráo riết chửi đổng, thách thức khủng bố.

Paris giờ nhiều nỗi đau quá rồi. Paris trở nên trầm lắng hơn. Nhưng nhịp sống thì vẫn phải tiếp diễn. Để chúng, những tên khủng bố biết rằng, Paris không đớn hèn. Càng tấn công, Paris càng đoàn kết, Paris càng đấu tranh cho một nền hòa bình.

Càng thương đau, Paris càng dạy dỗ cho con em họ phải lớn lên để thay đổi thế giới.

Và Paris, cứ tiếp tục sống.


Người dân Paris nắm tay nhau thể hiện sự đoàn kết của con người tại địa điểm bị tấn công khủng bố gần nhà hát Bataclan.

Nguồn: Reuters

Người dân Paris nắm tay nhau thể hiện sự đoàn kết của con người tại địa điểm bị tấn công khủng bố gần nhà hát Bataclan.

Nguồn: Reuters

Cùng nhìn lại toàn bộ chia sẻ của Hoang Long, để thấy được người dân Paris nói riêng, và dân Pháp nói chung sau thảm kịch kinh hoàng ngày 13 tháng 11 vừa qua.

"Rất nhiều bạn bè, người thân hỏi mình như thế. Khó mà tả hết quang cảnh, nhất là tâm hồn của thành phố trong một bức ảnh hay trong một vài dòng chữ. Cuộc sống vẫn tiếp tục, có chút đau đớn, xót xa, có sợ hãi mà vẫn sôi động, vẫn kiên cường, tự hào.

Sáng nay trên phố vắng xe cộ hơn, nhưng bên trong lòng đất, các tuyến tàu điện ngầm thì vẫn vậy, nhộn nhịp. Bóng dáng cảnh sát xuất hiện trong hệ thống tàu điện ngầm cũng không nhiều hơn mọi khi. Họ sẽ xuất hiện ở những nơi cần đến họ, mọi người nghĩ vậy.

Sống ở một quốc gia mà không tin vào an ninh của nó thì hoặc là tìm mua súng để tự bảo vệ mình, hoặc là tìm cách chuyển đi nơi khác, mình nghĩ thế.

Cầm vài tờ báo đọc, hiển nhiên là sẽ có những thông tin về vụ khủng bố, nhưng hầu hết là những thông tin mang tính hướng dẫn, những thông tin thực sự có tính cung cấp thông tin, không có những  “lá cải” rẻ tiền, cũng không có những khai thác đau đớn, gần như không có ảnh, tin bài về các nạn nhân và gia đình họ, không phải là sự lãng quên mà là tôn trọng.

Không nên cắn liếm vào các vết thương để gây sự chú ý. Số các trang báo không nhiều hơn mọi khi, số trang dành cho giải trí, thể thao cũng gần như không bị giảm.

Mình hoàn toàn đồng ý, cuộc sống cần phải tiếp tục theo đúng lộ trình của nó. Người ta vẫn cần phải hít thở, phải thư giãn, cần nhiều hơn là khác.

Trong suốt hai ngày, có vài kênh truyền hình trực tiếp 24/24 diễn biến vụ khủng bố dành cho những người có quan tâm, nhưng rất nhiều kênh khác vẫn hoạt động như bình thường, chỉ là tránh những thứ nhạy cảm : quá vui hoặc quá buồn, quá bạo lực.

Nhiều kênh radio mình nghe hàng giờ đồng hồ không có chữ nào liên quan đến khủng bố. Không ai lãng quên nó, nhưng không phải ai cũng có tâm tư hay bản lĩnh để đối mặt với nó, hoặc đơn giản là người ta vẫn có nhu cầu sống như mọi ngày.

Paris tang tóc, mà Paris không sụt sùi yếu hèn. Sáng nay trong các bến tàu điện ngầm, có ít nụ nười hơn, hẳn rồi. Những gương mặt tập trung hơn, rắn rỏi hơn mà không u buồn.

Các trường học không đóng cửa như dự đoán, lũ trẻ đến trường, có vẻ như chúng đều đã được bố mẹ giải thích ít nhiều cho những gì vừa diễn ra, kể cả trẻ con 3,4 tuổi, như con mình.

Không cần đi sâu vào chi tiết, nhưng phải cho chúng nó biết, để chia sẻ, để có sự chuẩn bị khi cần thiết.

Ở công ty, người ta hẹn nhau gặp mặt trước 12h, thời khắc mà cả nước Pháp sẽ có một phút im lặng để tưởng niệm. Gặp nhau để trao đổi, trò chuyện, để tiếp sức, để nâng nhau dậy mạnh mẽ hơn.

Paris hoang mang, mà Paris không hoàn toàn sợ hãi. Sáng sớm hôm qua, sau một thoáng suy nghĩ, sau khi tìm hiểu các thông tin, mình vào trung tâm Paris.

Vừa là có chút việc, vừa là để xem cuộc sống của thành phố trong cơn tai biến.

Đường vắng hơn nhiều, chỉ bằng 1/3 mọi khi nhưng mọi thứ vẫn bình thường, vẫn có chợ, vẫn khách ngồi ngoài terrasse của các quán cà phê, khách du lịch, người đi tập thể dục, người đi dạo vẫn đông đúc trên các vỉa hè, trẻ em ít hơn, nhưng không phải là không có.

Và đến chiều, cả nhà mình đi chơi Paris. Không phải cố tỏ ra không sợ mà là sống một cuộc sống bình thường. Mà nếu như đó có thể là một thông điệp, thì hãy thấy rằng, hãy tin rằng chúng ta không sợ, ngay cả sau một cuộc chấn động.

Đêm qua nghe tin những người đến thắp nến ở gần các điểm thảm sát bị một phen hỗn loạn vì có kẻ xấu nào đó đốt pháo và tung tin sai về cuộc khủng bố mới.

Nghĩa là người ta còn mong manh, còn sợ hãi, nhưng họ vẫn vượt qua chính bản thân họ để làm những việc mà họ thấy rằng nên làm, phải làm.

Người Paris, người Pháp phải tiếp tục cuộc sống của mình. Kinh tế vừa báo hiệu khôi phục, thất nghiệp giảm, không thể vì mấy tên khủng bố mà để nó lại rơi xuống.

Không chỉ là đi làm ở công sở, vẫn cần phải vui chơi, giải trí, mua sắm để không làm tê liệt hệ thống kinh doanh dịch vụ của thành phố. Nếu người Paris sợ hãi, không dám ra đường, khách du lịch liệu có dám đến thăm ?

Nếu ai đó tới tận nơi thảm sát để thắp một ngọn nến, thì tôi thắp một ngọn nến trong tim, suốt ngày đêm, bằng chính cuộc sống không hoảng sợ, không bị xáo trộn của mình.

Có rất nhiều những chia sẻ trên mạng xã hội, từ khắp mọi nơi. Tôi xúc động và trân trọng khi thấy người thân bạn bè quan tâm lo lắng. Nhiều thông tin chê bai phản đối, đặt câu hỏi tại sao không treo cờ Liban, Syrie…

Đúng là trên thế giới có quá nhiều thảm cảnh, nỗi đau, người ta không thể mỗi ngày chạy theo những sự kiện để bày tỏ cảm xúc của mình, mỗi người một lựa chọn.

Có thể nước Pháp có nhiều liên hệ hay kỷ niệm với mọi người, có thể Paris là biểu tượng được biết đến nhiều hơn những nơi khác.

Không cần chỉ trích hay chê bai, những cảm xúc, nếu là thật, đều đáng được trân trọng.

Đừng làm theo phong trào, đừng rêu rao nếu không chắc chắn, đừng chỉ trích nếu chưa hiểu hết, và nhất là hãy tham gia để chia sẻ, để động viên mọi người sống tốt hơn, chứ đừng lan truyền nỗi đau, nỗi sợ hãi - điều mà những kẻ khủng bố kia mong muốn.

Vài điều như vậy, hoàn toàn cá nhân, dù còn rất nhiều điều muốn nói, nên nói. Không cần cầu nguyện cho chỉ Paris, hãy cầu nguyện và sống cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, ở khắp mọi nơi."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại