​Bất ngờ với thành phố dưới biển của Nhật

Kim Thoa |

Đó là một thành phố lớn có khả năng nổi trên mặt nước biển, biết “tự lặn như tàu ngầm” khi thời tiết xấu, tránh rủi ro thiên tai...

Trung tuần tháng 11 vừa rồi, tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, Tập đoàn xây dựng Shimizu đã công bố bản thiết kế đầy tham vọng về mô hình đại thành phố dưới đại dương có tên “Ocean spiral” (tạm dịch: Vòng xoáy đại dương).

Theo báo Telegraph (Anh), Tập đoàn Shimizu từng gây ấn tượng thời gian qua với những ý tưởng không giống ai như xây dựng khách sạn giữa không gian và các quần đảo nổi khổng lồ.

Nhưng lần này Shimizu tự tin khẳng định khu đại thành phố đầu tiên dưới nước của họ sẽ sẵn sàng mở cửa đón những cư dân đầu tiên vào sống từ đầu năm 2030.

Thành phố nổi của 5.000 dân

"Đây là một mục tiêu thật sự, không phải mơ ước viển vông. Nhân vật hoạt hình Astro Boy từng có một chiếc “điện thoại di động” từ rất lâu trước khi điện thoại thực tế ra đời.

Cũng giống thế, công nghệ và cách thức chúng tôi cần để thực hiện dự án này cũng sẽ trở thành hiện thực" - HIDEO IMAMURA (người phát ngôn Tập đoàn Shimizu)

Trong bản thiết kế đầy tham vọng của Shimizu, khu Ocean spiral là một tổng thể kiến trúc gồm ba phần cụ thể. Phần thứ nhất là khối cầu khổng lồ bán kính 500 m thả nổi trên bề mặt đại dương.

Sau khi hoàn thành nó sẽ đủ sức chứa khoảng 5.000 người với đầy đủ cơ sở hạ tầng tiện nghi nhất của một đại thành phố như khu văn phòng, khu nghỉ ngơi giải trí, khu buôn bán thương mại, khách sạn...

Dĩ nhiên khối cầu được thiết kế để không bị thấm nước từ bên ngoài vào và có thể tự chìm xuống trong điều kiện thời tiết xấu.

Khối cầu khổng lồ sẽ nối với phần kiến trúc dạng vòng xoắn xuống phía dưới đáy biển. Vòng xoắn này kéo xuống độ sâu khoảng 15km thì chạm đáy và tiếp tục với phần kiến trúc thứ ba gồm cảng tàu ngầm và một khu được xem như “nhà máy” của tổng công trình. Vòng xoáy sẽ còn tiếp tục xuyên qua mặt đáy đại dương khoảng 3-4 km nữa.

Phần thứ ba của tổng công trình được xây trên bề mặt đáy biển có nhiệm vụ khai thác nguồn năng lượng từ các vi sinh vật, chuyển hóa CO2 thành methane. Ngoài ra, người ta sẽ còn tính tới việc khai thác các nguồn khoáng chất và kim loại hiếm trong đáy biển.

Không chỉ khai thác nguồn năng lượng từ vi sinh vật, các máy phát điện đặt dọc theo kiến trúc vòng xoắn còn tạo ra năng lượng bổ sung từ việc khai thác chênh lệch nhiệt độ giữa các tầng nước biển.

Phác thảo thành phố nổi Ocean spiral - Ảnh: AFP
Phác thảo thành phố nổi Ocean spiral - Ảnh: AFP

Xây dựng không bêtông

Trong kế hoạch xây dựng, Tập đoàn Shimizu không sử dụng bê tông, thay vào đó họ chọn loại nhựa tổng hợp resin có khả năng chống thấm nước và sử dụng các máy in 3-D công nghiệp để tạo ra các bộ phận cấu thành công trình.

Theo ước tính của Shimizu, tổng chi phí xây dựng thành phố dưới biển đầu tiên này sẽ khoảng 3.000 tỉ yen (khoảng 25,5 tỉ USD). Tuy nhiên theo họ, các “phiên bản Ocean spiral” sau đó sẽ rẻ hơn.

Shimizu dự kiến sẽ mất năm năm để xây dựng Ocean spiral, nhưng việc phát triển công nghệ cần thiết đáp ứng cho công trình sẽ mất khoảng 15 năm.

Để lập bản thiết kế và triển khai kế hoạch tham vọng, Shimizu đã phải tham khảo ý kiến chuyên môn của giới chuyên gia tại Cơ quan Khoa học và công nghệ hải dương - địa cầu Nhật Bản (JAMSTEC), các bộ ngành Chính phủ Nhật Bản và Đại học Tokyo.

Theo chuyên gia Christian Dimmer, thuộc khoa nghiên cứu phát triển đô thị Đại học Tokyo, ý tưởng xây dựng một thành phố ngầm, thành phố nổi hay các tòa tháp ở độ cao 1 km đã có từ những năm 1980 tại Nhật như một sự phát triển tư duy logic trước thực tế kinh tế phát triển mạnh mẽ và các nguy cơ thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần, biến đổi khí hậu...

Ngoài việc thu hút giới chuyên gia kỹ thuật, Tập đoàn Shimizu cũng đang hi vọng sẽ lôi kéo được các doanh nghiệp tư nhân và Chính phủ Nhật quan tâm tới dự án và tham gia đầu tư.

---------------------------
Thường xuyên truy cập chuyên mục
Có Thể Bạn Chưa Biết để khám phá nhiều sự thật thú vị nhé!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại