Hàng ngày, trên mạng xã hội cũng như mặt báo, chúng ta đọc rất nhiều câu chuyện lừa đảo, tai nạn, cướp giật...và không ít người phải thốt lên "Lòng tốt ở đâu rồi?".
Nếu chính bạn cũng đang mất dần lòng tin giữa lòng tốt với người và người, thì câu chuyện này sẽ khiến bạn suy nghĩ lại.
Philip Velnott (30 tuổi) là một giáo viên dạy tiếng Anh tại Việt Nam. Cuộc sống của anh có lẽ cũng bình thường giữa việc đi dạy, về nhà và tận hưởng cuộc sống thôi, nếu như anh không trải qua 'Ngày xui xẻo may mắn nhất".
Câu chuyện về ngày anh gặp một tai nạn bất ngờ không thể hiểu giữa đường và được 2 người Việt Nam xa lạ giúp đỡ hết mình đã được anh đăng tải trên Blog tiếng Anh của mình và gây được nhiều chú ý.
Nội dung câu chuyện như sau:
“Buổi sáng hôm đó là một ngày như mọi ngày. Lúc đó, tôi đang đi về nhà trên những con đường nhỏ ở khu Phú Mỹ Hưng. Không có ai ở đó cả ngoài tôi, bầu trời trong xanh và nắng vàng.
Lúc đó là 9:30 sáng, mọi thứ đều bình thường, đến khi mọi chuyện xảy ra. Chỉ trong nháy mắt, tôi nhớ mình nằm gục trên đường, tỉnh dậy và la lớn trong đau đớn.
Xe máy của tôi nằm cách tôi chừng một mét và tôi nhớ mình đã xoay đầu nhìn thấy người phụ nữ gây ra tai nạn cho mình leo lên chiếc xe chở rác và biến mất.
Tôi cảm thấy rất tuyệt vọng. Tôi nhìn xuống và thấy máu chảy xối xả từ ngón chân. Tôi vẫn nhớ lúc đó thần kinh mình hoạt động cực mạnh và cảm thấy sự đau đớn từ cánh tay. Tôi muốn về nhà ngay lập tức.
Bỗng nhiên tôi nghe tiếng nói “You, you, you okay?” (Anh, anh kia, anh có ổn không?) Tôi bảo có và tôi chỉ muốn về nhà. Cô ấy bảo không và dẫn tôi về nhà của cô ấy. Thì ra tôi đang nằm trước cửa nhà của cô.
Cô đưa tôi vào nhà và bảo tôi đợi trên ghế sofa. Lát sau, cô trở lại với cồn và bông băng, rồi lau từng ngón chân tôi trong nửa tiếng.
Vào lúc này, cơ thể tôi đã bớt đau và nhờ cô ấy xem có thuốc giảm đau không. Nhưng cô không hiểu lắm. May thay chồng cô đã xuất hiện và cho tôi xem những loại thuốc giảm đau tốt từ Mỹ.
Tôi có nói chuyện sơ và biết vì có con trai học tại Mỹ, nên anh nói tiếng Anh giọng Mỹ khá chuẩn. Dù vậy, lúc đó tôi rất mệt mỏi và chỉ muốn về nhà càng nhanh càng tốt.
Thế nhưng, họ không cho tôi về và khuyên tôi đến bệnh viện. Tôi không có chút tiền nào vì mới vừa chuyển vào ngân hàng. Tôi thực sự muốn về nhà và quên đi chuyện vừa xảy ra.
Gia đình họ đưa xe của tôi vào nhà và nhặt hết đồ đạc bị rơi của tôi. Họ nói sẽ đưa tôi đến bệnh viện. Người chồng nói: “Tôi và lái xe của tôi sẽ đưa anh tới bệnh viện của tôi ở quận 10”.
Ông còn nói “Điều xảy ra với anh là không may nhưng hoá ra lại thành may, anh bị ngã xe ở ngay trước cửa nhà tôi. Là trách nhiệm của tôi phải chăm sóc cho anh”.
Chúng tôi gói gém đồ đạc, tôi cố gắng đụng đậy tay nhưng không có gì xảy ra. Tôi biết rằng mọi chuyện sẽ rất tệ.
Chúng tôi mất khoảng 30’ đi ô tô đến bệnh viện. Thật ra, người đàn ông này không phải chủ sở hữu mà góp cổ phần. Cả chuyến đi, ông chỉ muốn nói chuyện với tôi để thực tập tiếng Anh.
Nếu là ngày thường, tôi sẽ rất vui, nhưng tôi vừa gãy tay và vẫn còn bàng hoàng. Tôi đã cố hết sức để giúp ông.
Chúng tôi thực hành phát âm và từ vựng, may là tôi biết nói đủ tiếng Việt để có thể nói chuyện với ông dễ hơn. Dù không vui lắm, nhưng tôi thật sự nợ người đàn ông này rất nhiều.
Chúng tôi đến bệnh viện và ông nói tôi cứ ngồi xuống. Ông bắt đầu lấy tiền ra và trả cho tất cả mọi thứ. Tôi không biết là tổng cộng bao nhiêu cho đến mãi về sau.
Tôi phải chụp X-Quang, rồi lên tầng để gặp bác sĩ - những người không biết nói tiếng anh. Lại may mắn là, người đàn ông đã trở thành “phiên dịch” của tôi. Chúng tôi cùng nhìn vào tấm phim X-Quang và thấy có 2 vết quã, ở khuỷu tay và cổ tay của tôi.
Sau khi chụp X-Quang là lúc phải bó bột. Nó thật sự đau kinh khủng khiếp. Họ phải kéo thẳng tay tôi ra và giữ trong khoảng 15 phút.
Tôi thật sự chỉ muốn khóc. Cảm giác đau điếng tràn vào bên trong. Tất cả adrenaline và thuốc giảm đau đã tan và giờ chỉ còn tôi, ngồi ở đó với khoảng 5 người Việt Nam biết nói rất ít tiếng Anh.
Nhưng cuối cùng thì cũng bó bột xong và tôi phải xuống tầng để về. Tôi và người đàn ông trao đổi số điện thoại và trở về nhà ông để ăn trưa. Lúc này, tôi đã lịm đi một lúc và chỉ muốn về nhà.
Nhưng vợ ông nhất quyết giữ tôi lại để ăn trưa. Tôi không thể thấy ngon, nhưng tôi đã cố. Sau bữa trưa, người chồng đưa tôi và xe máy của tôi về nhà. Chúng tôi tạm biệt và hứa sẽ giữ liên lạc (Điều mà chúng tôi đã làm được).
Đó có thể nói là ngày xui xẻo mà lại may mắn nhất của tôi.”
Đó là chuyện đã xảy ra với Philip từ hai tháng trước. Hiện tại, vết thương của anh đã gần như lành hẳn, nhưng hành động của người xa lạ đó đã khiến anh cảm kích rất nhiều.
Và chúng tôi đã gọi ngay số điện thoại mà Philip cho. Đó là chú Nguyễn Duy Bách, hiện sống tại Phú Mỹ Hưng, quận 7.
Theo chú thuật lại, đó là một chuyện tình cờ khi Philip bị tông xe ngay trước nhà chú. Chú Bách đã nhờ vợ mình là cô Mai Thị Huệ và tài xế dìu vào nhà và chăm sóc cho Philip.
Khi được hỏi lý do, chú bảo: "Vì chú cũng ngoài 70 rồi và Philip bằng tuổi con chú nên chú thấy thương, vả lại cũng là người nước ngoài thấy bơ vơ ngoài đường không ai giúp nên mình cũng tội lắm.
Cô bạn gái của Philip thì đã đi học thạc sỹ Pháp được vài ngày là Philip gặp tai nạn ngay nên cũng không có ai chăm sóc"
"Đây là lần đầu tiên chú giúp đỡ người bị nạn thế này. Bình thường vợ chú là cô Huệ - y tá nay đã nghỉ hưu – giúp đỡ nhiều người hoạn nạn lắm. Cứ thấy giữa đường ai gặp chuyện gì là cô Huệ đều dừng lại giúp đỡ và không ngại phiền phức".
Chú Bách cho biết thêm: "Vì có vốn đầu tư tại một viện đa khoa ở quận 10, nên chú đã chủ động đưa Philip đến đó khám.
Ban đầu chi phí khám chỉ 150,000 đồng nhưng cứ sau mỗi lần khám lại còn chụp X-quang và băng bó hơn 2 tiếng đồng hồ nên chú Bách đã chi khoảng 2,250,000 đồng.
Philip có muốn trả lại những chú không lấy vì cũng không đáng gì. Khám xong, chú Bách còn mời Philip về nhà dùng bữa cơm gia đình nữa. Sau đấy, tài xế chở Philip về nhà và chú đi xe máy về tận chung cư của Philip đang ở"
Về phần Philip, anh đã sống ở Việt Nam hơn 6 năm và chưa từng gặp sự cố nào tương tự, ngoài một lần bị mất điện thoại. Trong mắt anh, người Việt Nam rất tốt bụng.
Mặc dù được nghe nhiều tin tiêu cực mỗi ngày nhưng đến khi chính bản thân mình gặp chuyện rồi, anh mới ngạc nhiên về lòng tốt của người Việt Nam, cả sự nhiệt tình quá mức của họ trong việc giúp đỡ sự việc của anh.
Chính điều này đã khiến anh thêm yêu đất nước Việt Nam.
Và xin cảm ơn chú Bách, cô Huệ đã biến ngày xui xẻo nhất của thầy giáo Philip thành ngày may mắn nhất!