Lập nghiệp từ 5 sào ruộng
Câu chuyện cuộc đời Hồ Sỹ Triển như một minh chứng rõ ràng nhất cho câu nói “phi thương bất phú”. Vẻ ngoài bảnh bao đúng chất quý tử con nhà giàu là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với chàng trai trẻ.
Nhưng ít ai biết 6 năm trước, anh chỉ là một nông dân chân chất, bám lấy mảnh ruộng để kiếm kế sinh nhai.
Sinh năm 1990, trong gia đình thuần nông trên quê lúa Thái Bình, từ nhỏ Hồ Sỹ Triển đã quen với cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”.
Gia sản của cả nhà là hơn mẫu ruộng, nuôi đủ 8 miệng ăn nên chẳng dám mơ đến cuộc sống sung túc, đủ đầy.
Là con út, Triển được bố mẹ đầu tư chuyện học hành những mong cậu con trai sẽ theo nghiệp đèn sách nên người. Nhưng nhận thấy bản thân không có niềm đam mê sách vở, tốt nghiệp lớp 12, Triển bỏ học, ở nhà.
Nghĩ lại quãng thời gian lạc lối, chàng trai chia sẻ: “Bố mẹ rất buồn vì chuyện mình bỏ học, một phần vì sợ con ở nhà không có việc làm sớm muộn cũng sẽ chơi bời, sa đọa.
Thời gian đấy, mình hoàn toàn mất phương hướng, nhưng cũng đủ lớn để nhận ra, nếu tiếp tục như thế này thì lại theo nghiệp nông của gia đình”.
Một năm ở nhà, quanh quẩn bên mảnh ruộng, chàng trai trẻ càng thấm thía cái giá của việc bỏ học. Không đầu hàng số phận, Triển bắt đầu tìm lối đi riêng cho mình.
“Mình không có cơ hội được đi nhiều, biết nhiều như bây giờ, cứ ở nhà thì không hiểu được người ta làm giàu như thế nào.
Quê mình nghèo lắm, vốn liếng bỏ ra chỉ vài triệu cũng phải cân đo đong đếm sao cho không hao đi đồng nào, lãi ít thôi cũng được.
Hơn nữa, nếu đầu tư lớn mình lại sợ dân làng dị nghị “ngựa non háu đá”… Đủ mọi điều khiến mình sợ khi nghĩ đến kinh doanh".
Triển cho biết thêm, nhà anh không có tiền tiết kiệm vì làm quanh năm chỉ đủ sống qua ngày.
"Mình biết bố mẹ rất thương mình và hy vọng ở mình nhiều lắm nhưng khi mình xin tiền vốn thì mọi chuyện bắt đầu khó nói hơn. Không còn cách nào, mình đành bán 5 sào ruộng mẹ chia cho để làm vốn đi buôn”, anh chia sẻ.
Chàng trai hai mươi tuổi, cầm mười triệu tiền bán ruộng trong tay, một mình lên thành phố bươn chải tính chuyện làm giàu.
Sống chết với nghề buôn
Chỉ nghe nói “buôn bán giàu lắm, một vốn bốn lời” mà 9X quyết tâm theo nghề dù chưa từng thử sức. Tìm gặp những người quen theo học chuyện làm ăn.
Sau một tháng, Triển quyết định vay thêm vốn mở cửa hàng quần áo. Đối với anh chàng, đây là bước ngoặt quan trọng thay đổi cuộc đời, một quyết định mạo hiểm khiến chàng trai phải “bán thân” cho nghề thương lái.
9X chia sẻ: “Một người bạn khuyên sang cửa khẩu nhập quần áo về buôn, mất công đi nhưng kiếm được lắm. Mình nghe thấy hợp lí nên quyết định làm theo.
Nhưng tiền bán ruộng chỉ đủ thuê nhà còn tiền lấy hàng lại phải vay thêm anh chị. Mười triệu ở quê to lắm nhưng lên thành phố quy ra chỉ là ba tháng tiền nhà”.
Cửa hàng quần áo của Triển tuy không to nhưng với anh là cả cơ nghiệp. Mỗi cuối tuần, Triển lại lặn lội ra cửa khẩu nhập hàng về bán. Thời gian đầu, anh rất hoang mang khi lượng khách ít, hàng tồn kho mà tiền thuê cửa hàng vẫn phải nộp đều.
Lời lãi không thấy chỉ thấy ngày càng dày thêm tập biên lai tiền hàng, tiền quán… khiến chàng trai trẻ không khỏi nản lòng.
Nhận thấy, muốn “cung” tốt phải đến chỗ “cầu” nhiều, ông chủ 9x quyết định đóng cửa hàng thời trang lên Thủ đô tìm cơ hội mới sau hai tháng khai trương.
Triển lên Hà Nội với hai bàn tay trắng. Được người quen giới thiệu đến làm tại một công ty quảng cáo nội thất, 9X chú tâm theo học lấy nghề và không còn tơ tưởng chuyện kinh doanh.
Một năm sau, bằng sự khéo tay và tinh tế, từ một nhân viên học việc, Triển đã trở thành thợ thi công chuyên nghiệp.
Tạo dựng nhiều mối quan hệ trong những chuyến đi công trình và thấy được nhu cầu cần thiết của những thiết bị máy móc trong việc hỗ trợ quảng cáo nội thất, Triển nảy ra ý định kinh doanh mặt hàng này.
“Thật sự, mình nghĩ bản thân không có duyên với buôn bán. Từ vụ kinh doanh cửa hàng thời trang cùng khoản nợ hơn nửa năm vất vả mới trả xong, mình cũng thấy “sợ”.
Đấy chỉ là khoản tiền nhỏ còn muốn kinh doanh thiết bị máy móc quảng cáo, phải cần đến tiền tỷ. Mình không dám “thử”. Đây gần như quyết định “một mất, một còn””, Triển nói.
Kinh nghiệm có, mối quan hệ có nhưng số tiền vốn quá lớn khiến chàng trai trẻ không khỏi “run chân” trước ý định kinh doanh của mình.
Ngã ở đâu đứng lên ở đây, Triển liều lĩnh vay vốn kinh doanh. Sau khi gây dựng cơ đồ trên số tiền vay tưởng “khủng”, Triển bắt tay ngay vào công việc.
9X thuê một đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp hỗ trợ cho công ty của mình. Bằng sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp, anh nhanh chóng tạo dựng được thương hiệu trong giới quảng cáo nội thất. Đơn đặt hàng ngày một nhiều, chuyện kinh doanh cũng dần đi vào ổn định.
Triển tâm sự: “Vì tiền vốn quá lớn và toàn bộ đều là đi vay nên mình phải mất hơn hai năm để trả nợ. Hiện tại, công việc đã vào guồng, đỡ vất vả hơn nhiều.
Nhớ lại thời điểm ban đầu, mình không nghĩ bản thân có thể can đảm đến thế. Nhưng thành công hiện tại giúp mình cảm thấy an lòng và sẵn sàng thực hiện những kế hoạch trong tương lai”.
Tiết kiệm một khoản tiền sau nhiều năm lặn lội chốn thương trường, chàng trai trẻ ấp ủ trong lòng bao hoài bão: “Mình sẽ đầu tư trang thiết bị để mang đến cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất.
Ngoài ra, mình cũng muốn thử vận may một lần nữa với việc mở cửa hàng thời trang vì nhu cầu ăn mặc không bao giờ là đủ trên đất Hà Nội này. Hiện tại, mình cũng đang theo học lớp bỗi dưỡng phục vụ cho công việc kinh doanh”.
Người ta vẫn thấy ông chủ trẻ tuổi ngày ngày đi giao hàng, tối lại xuất hiện ở những trung tâm bổ trợ kiến thức. Cần cù và ham học hỏi cùng bản lĩnh tuổi trẻ đã giúp 9X đạt được ước mơ của mình sau bao lần vấp ngã.